Đôi điều về di tích Sơn phòng Dương Yên

NGUYỄN BÌNH (tổng hợp) 15/07/2021 07:19

Sơn phòng Quảng Nam là một trong những cứ điểm quân sự quan trọng liên hoàn, dọc theo dải Trường Sơn, từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đến Bình Định, được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) theo kiểu thành lũy, có chu vi 80 trượng, cao 5 thước. Năm 1848, đến thời vua Tự Đức, sơn phòng được dời về Dương Yên (gọi theo tên xã thời bấy giờ, nay thuộc thôn Dương Bình, xã Trà Dương, Bắc Trà My) và được xây dựng kiên cố hơn.

Bia di tích Sơn phòng Dương Yên tại xã Trà Dương. Ảnh: N.B
Bia di tích Sơn phòng Dương Yên tại xã Trà Dương. Ảnh: N.B

Tháng 9.1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đã ký các thỏa hiệp bán nước, nhiều phong trào phản kháng, chống thực dân xuất hiện khắp nơi.

Theo ghi chép tại văn bia di tích Sơn phòng Dương Yên, cuối năm 1884, Trần Văn Dư được triều đình Huế đặc phái về Quảng Nam giữ chức Chánh Sơn phòng sứ Dương Yên. Việc này xuất phát từ một mưu đồ nào đó của phái chủ chiến trong triều đình mà Trần Văn Dư thuộc phái này.

Năm 1885, Đồng Khánh, một vị vua thân Pháp đã nhận ra việc cử Trần Văn Dư làm Sơn phòng sứ Quảng Nam là điều bất lợi cho xu thế “hợp tác” với Pháp nên đã ra dụ hoán đổi ông sang làm Bố chánh tỉnh Bình Thuận nhưng ông không nhận. Bởi ông thấu hiểu dã tâm của vị vua “bù nhìn” này cùng bọn tay sai. Ông đã từ quan, đứng ra thành lập Nghĩa hội Quảng Nam với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành… và được tiến cử làm Chủ hội.

Sau khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống hịch Cần vương, Trần Văn Dư đã kéo quân trấn giữ, củng cố xây dựng Sơn phòng Dương Yên thành căn cứ đầu não của phong trào Cần Vương chống Pháp. Chính từ Sơn phòng này, Trần Văn Dư đã ra bản Cáo thị kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp, được yết thị khắp các phủ huyện. Cũng tại đây, lễ xuất quân đánh chiếm tỉnh thành La Qua (Điện Bàn) được tổ chức ngày 4.9.1885 và sau đó giành được nhiều thắng lợi vang dội.

Cuối năm 1885, tình hình bất lợi cho Nghĩa hội khi quân Pháp tấn công dữ dội Sơn phòng Dương Yên. Trần Văn Dư bị quyền Tuần phủ sứ Quảng Nam Châu Đình Kế phản bội bắt giữ và báo với quân Pháp. Bất khuất, ông mắng chửi thậm tệ tên Tuần phủ gian manh, phản quốc này.

Quá căm tức trước sự kiên trung của ông, Châu Đình Kế đã mượn tay quân Pháp để hành quyết ông tại góc thành La Qua vào ngày 13.12.1885. Sau sự hy sinh anh dũng của ông, Nguyễn Duy Hiệu lên làm Hội chủ và dời bản doanh về làng Thanh Lâm, xã Tiên Thọ (Tiên Phước) lập căn cứ mới. Nghĩa sĩ Cần Vương khi hy sinh được đưa về táng ở đồi Gò Cao, khu vực Chổm Bồ, xã Tiên Mỹ (Tiên Phước), nhưng mộ chí khi chôn đều hướng đỉnh đầu về căn cứ chính là Sơn phòng Dương Yên.

Sau sự kiện hy sinh của Trần Văn Dư, đại bản doanh Nghĩa hội được chuyển về làng Thanh Lâm, căn cứ Sơn phòng Dương Yên đã chấm dứt vai trò, sứ mệnh lịch sử từ đây.

Mặc dù thời gian tồn tại không lâu, nhưng Sơn phòng Dương Yên là một trong những căn cứ của phong trào Cần Vương được thành lập sớm nhất ở các tỉnh phía nam của đèo Hải Vân và đã để lại dấu ấn oanh liệt trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Căn cứ này hiện là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở vùng Trà My, được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ông Trần Ngọc Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Dương (Bắc Trà My) cho biết, địa phương đã chủ động quy hoạch, giữ lại di tích gốc với diện tích hơn 1ha. Ngành văn hóa bước đầu đã xây dựng bia di tích tại đây. Xã Trà Dương đang có kế hoạch tạo cảnh quan xứng tầm với lịch sử hào hùng của di tích này. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi điều về di tích Sơn phòng Dương Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO