TH. là thành viên trong một công ty kinh doanh bất động sản tại Tp. Tam Kỳ. Một bữa nọ Th. nói nhỏ với tôi: khu vực anh ở rất có sinh khí. Hơi phân vân tôi hỏi: sao Th. biết? Nó hồn nhiên, vì nơi ấy có nửa phố nửa quê, vả lại nơi đó còn nhiều cây xanh bốn mùa tươi tốt… chưa bị đô thị hóa nhiều. Không biết điều Th. suy nghĩ đúng thế không. Nhưng ngẫm ra quả là Tam Kỳ đã lên thành phố loại 2 rồi nhưng nơi tôi ở dễ từ sau năm 1975 đến nay nhà cửa đường phố vẫn cứ như vậy, ít có sự đổi thay. Hẳn nhiên nhiều vạt đất trống còn khá hoang sơ, nhà cửa thưa thớt và sân vườn nhiều nhà vẫn còn giữ cây xanh tỏa bóng mát v.v. Có lẽ vì thế những đứa bạn đi xa về khi ghé thăm nhà tôi thường hay nói: con đường Tiểu La nhà cửa hai bên bao nhiêu năm rồi vẫn không thay đổi…
Ngày 27.10.2015 Tam Kỳ được Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á trao tặng giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” tại Fukuoka, Nhật Bản. Thiết nghĩ sự tôn vinh ấy cần được tô bồi, gìn giữ và phát triển thành một “đất lành” thật đúng nghĩa: Bình minh/ có bánh xe mơ quay quay nhanh nhanh/ lúc gió xôn xao như bao niềm lành/ trời thanh… (Đất lành - Phạm Đình Chương). Đấy là tôi xôn xao mà ước ao và mong giữ niềm tin được chút nào hay chút đó, vì biết rằng không thể cưỡng nổi cơn lốc đô thị hóa.
Một loạt dự án cảnh quan như làm cầu vượt, đường ngang rộng rãi và nhất là chiếc cầu Điện Biên Phủ hoành tráng nằm vắt qua giữa lòng thành phố Tam Kỳ sắp mở toang về hướng đông. Khu đất cửa nhà nơi tôi ở sẽ trở thành đường phố trung tâm sầm uất của đô thị tỉnh lỵ trong nay mai. Tôi biết sẽ có một sự chuyển động làm đổi thay từng phút, từng giờ, từng ngày. Sáng nay L., cũng ở khu vực có đường Điên Biên Phủ băng qua, gặp tôi thông tin: Cây sưa cổ thụ hàng mấy chục năm của nhà thờ tộc Lê sắp tới chắc họ sẽ đốn hạ để xây tường rào bê tông vĩnh cửu cho xứng tầm cho một đô thị phát triển. Tôi thốt lên, thế thì mừng cho em! Cây sưa khi đốn thì nhà của L. mới được thoáng đãng… Nhưng trong sâu thẳm tôi từng đau đáu về chuyện lấp sông lấn biển như báo chí đã đưa tin dạo nọ: sông Hương - Thừa Thiên Huế, sông Hàn - Đà Nẵng, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, biển Bình Thuận v.v. Câu chuyện về đất đai thuở còn phong hóa, hoang hóa… đến khi phát triển chóng mặt bởi công cuộc nông nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa… và sẽ còn bao nhiêu “hóa” nữa tôi không biết. Nhưng phàm cái gì hễ khi chạy “bốc” quá thường hay bị nó “quặt” lại, tức có khi trở về thời... sa mạc hóa không chừng!
Đêm nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Sông lấp - Trần Tế Xương). Đêm nghe tiếng ếch nhái uềnh oang vọng ra đâu đó có thể sẽ thưa dần. Và mơ tưởng như về một đường cày đất ải phơi phong vàng óng từng làm vấp bước chân tôi những ngày còn tuổi nhỏ ở trong phố trong làng giờ sẽ không bao giờ tìm được nữa. Tất cả san bằng khỏa lấp. Mơ tưởng về một vùng đất lành “bắt cá giữa đường” hay “tiếng sáo diều thổi vi vu” của một thuở thanh bình ngày ấy sao chừng nghe xa quá!
ĐÌNH QUÂN