Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất cuối thế kỷ 18 nửa đầu 19. Ông là nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ lỗi lạc… Nói đến ông, nhiều người Quảng Nam chỉ biết việc ông dâng sớ xin ra chiến đấu bảo vệ Đà Nẵng khi đã 80 tuổi, nhưng ít người biết trước đó gần 20 năm ông cũng là tác giả của hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng.
Một người đa tài và say mê hành động
Nguyễn Công Trứ (1778 -1858). |
Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, sinh ngày 19.12.1778, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc nhỏ ông là học trò xuất sắc, nổi tiếng thông minh, hay chữ, lanh lợi nhưng cũng đầy cá tính. Con đường khoa cử của ông khá lận đận, mãi đến năm 41 tuổi (1819) ông mới đậu Giải nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương). Hoạn lộ của ông lại còn sóng gió hơn nữa, đã nhiều lần lên cao ngất ngưởng, làm Tổng đốc Thượng thư nhưng cũng 5 lần bị giáng, có lần bị giáng liền 4 cấp, một lần bị lột sạch chức tước, đuổi đi làm lính (1843), một lần bị kêu án “trảm giam hậu”(1841).
Nguyễn Công Trứ từng trải qua các chức vụ: Hành tẩu Quốc sử quán (1820); Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823); Tư nghiệp Quốc tử giám (1824), Phủ thừa Thừa Thiên (1825); Thị lang bộ Hình (năm 1826); Hữu tham tri bộ Hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang (1828); Bố chánh Hải Dương (1832) rồi thăng Tham tri bộ Binh, giữ chức Tổng đốc Hải An... Sau nhiều thăng giáng, năm 1845 Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự bộ Hình, năm sau làm quyền Án sát Quảng Ngãi, rồi đổi ra làm Phủ thừa Thừa Thiên, năm 1847, thăng Phủ doãn. Khi tròn bảy mươi tuổi (1847), Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng vua Thiệu Trị không cho. Sau khi Tự Đức lên ngôi, ông mới được toại nguyện. Ông mất ngày 14.11.1858. Mộ ông hiện nay còn tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Mặc dù là quan văn nhưng Nguyễn Công Trứ phải làm tướng, cầm quân ra trận. Tuy vậy ông đánh đâu thắng đó, từng dẹp giặc Khách (năm 1835) và góp nhiều công lớn trong cuộc chiến tranh Việt - Xiêm (1841-1845). Nguyễn Công Trứ còn là nhà kinh tế đại tài. Trên cương vị Doanh điền sứ, ông chiêu mộ dân nghèo, quai đê lấn biển, khai hoang lập ấp. Ông là người khai sinh các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình). Đền thờ của ông ở hai huyện này còn lớn hơn ở quê nhà Nghi Xuân. Nhiều làng còn tôn ông là Thành hoàng.
Nguyễn Công Trứ là nhà thơ lỗi lạc, có vị trí đáng kể trong văn học Việt Nam. Thơ văn của ông mang màu sắc thời đại rõ rệt, tập trung vào ba chủ đề chính: Luận về chí nam nhi; luận về cảnh nghèo và thế thái nhân tình; luận về chữ nhàn. Nguyễn Công Trứ cũng là tác giả của nhiều bài ca trù nổi tiếng. Ông cũng để lại rất nhiều giai thoại “ngông thấu trời xanh”. Ngày nay nói đến Nguyễn Công Trứ nhiều người có thể đọc vanh vách những bài thơ nổi tiếng của ông như: Chí nam nhi, Chí làm trai, Cây thông, Bỡn nhân tình, Kẻ sĩ, Hàn nho phong vị phú…
Dấu ấn ở Quảng Nam
Nhận được những tin tức xấu từ Trung Hoa về cuộc chiến tranh nha phiến năm 1840, Trung Quốc phải mở cửa thông thương và nhường Hồng Kông cho Anh, vua Minh Mạng lấy làm ưu tư nghĩ đến số phận của Việt Nam và liên tưởng đến Đà Nẵng, nơi được xem là yết hầu phòng thủ của kinh đô Huế, lâu nay vốn bị người Anh dòm ngó. Nhà vua liền cử Nguyễn Công Trứ, lúc này đang là Tham tri bộ Binh, người được xem là “văn võ song toàn”, có tầm nhìn chiến lược vào Quảng Nam thanh tra việc phòng thủ Đà Nẵng và tấu trình cho nhà vua rõ về khả năng phòng thủ của Đà Nẵng cũng như những tăng cường cần thiết.
Một góc thành Điện Hải. |
Sau khi kiểm tra toàn bộ hệ thống phòng thủ, Nguyễn Công Trứ đã dâng lên Minh Mạng một bản tấu trình phân tích cụ thể vai trò quan trọng của cửa biển Đà Nẵng cũng như tình hình phòng thủ tại đây và đưa ra nhiều đề nghị quan trọng, trong đó có mấy điều cơ bản:
- Tăng cường lực lượng hải quân cho Đà Nẵng bằng các loại tàu lớn như Thụy Long, Phấn Bằng, Thanh Loan… Mỗi tàu phải có đủ 100 thủy thủ, trang bị 15 đại bác, 100 súng điểu thương, 15 ngọn giáo.
- Tăng cường phòng thủ ở hai thành Điện Hải, An Hải để kiểm soát cửa biển Đà Nẵng bằng cách tăng thêm quân, số lượng vũ khí (nhất là đại bác) và hệ thống hào lũy.
- Xây dựng thêm nhiều pháo đài phòng ngự ở hai bên cửa biển nhất là dưới chân Hải Vân và Sơn Trà. Trước mắt là xây một pháo đài Phong Hải ở vị trí Mỏ Diều, nằm ở phía tây bán đảo Sơn Trà, nơi được xem là có vị trí lợi hại có thể ngăn chặn tàu nước ngoài tiến vào cửa biển để đổ bộ lên đất liền.
Tờ tấu trình dâng lên, nhà vua rất hài lòng, đã chuẩn y tất cả đề nghị của Nguyễn Công Trứ. Nhà vua còn đi xa hơn, ngoài 5 chiến thuyền hạng lớn, còn tăng thêm 5 chiến thuyền hạng trung có bọc đồng được trang bị đầy đủ binh sĩ và vũ khí; buộc Tuần vũ Quảng Nam phải tăng cường cho Đà Nẵng thêm 600 quân. Nhà vua cũng điều Tham tri bộ Lễ Nguyễn Tri Phương, người được đánh giá là có “thiên tư về quân sự” nhận chức Tuần vũ Nam - Ngãi, triển khai các đề nghị của Nguyễn Công Trứ và trực tiếp chỉ huy phòng thủ Đà Nẵng.
Nhờ những phân tích, đánh giá và đề xuất của Nguyễn Công Trứ và những triển khai của Nguyễn Tri Phương mà vào thời đó cửa biển quan yếu này được xem là nơi có sự phòng thủ vững chắc nhất trong các cửa biển của nước ta. Sau này dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, công cuộc phòng thủ Đà Nẵng luôn được quan tâm, tăng cường, làm cho “Cửa biển quan yếu này đã được che chở bằng một hệ thống phòng thủ gồm nhiều đồn lũy và thành trì cùng với hải lực và bộ binh được trang bị vũ khí tối đa. Tất cả được sắp đặt hợp lý, chặt chẽ để có thể cứu ứng, hỗ trợ lẫn nhau khi hữu sự…” (Võ Văn Dật - Lịch sử Đà Nẵng).
Rất tiếc, sự lạc hậu về vũ khí cũng như của cả hệ thống chính trị làm cho những cố gắng của Nguyễn Công Trứ và cả triều đình nhà Nguyễn không giúp cho Đà Nẵng trụ vững trước vũ khí hiện đại và dã tâm của người Pháp.
Có lẽ do tin vào những hiểu biết của mình về việc phòng thủ Đà Nẵng cộng thêm tinh thần hành động của một “kẽ sĩ” chân chính, một chút “ngông” trời phú, năm 1858, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng, Nguyễn Công Trứ cũng đã dâng sớ xin vua Tự Đức cho lên đường ra mặt trận Đà Nẵng. Rất may là Tự Đức không đồng ý vì cho rằng “không lẽ đất nước này hết người nên phải để một ông già 80 tuổi ra trận”!
LÊ THÍ