Dấu ấn trong thương mại điện tử ASEAN

NAM VIỆT 09/10/2019 10:40

(QNO) - Thương mại điện tử hiện trở thành một trong những động lực chính trong nền kinh tế internet của Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.

Người dùng internet tham gia thương mại điện tử. Ảnh: gustorotondo
Người dùng internet tham gia thương mại điện tử. Ảnh: gustorotondo

Nền kinh tế số

Các tập đoàn công nghệ, đầu tư và tư vấn Google, Temasek và Bain & Company vừa có báo cáo mới nhất về nền kinh tế của ASEAN năm 2019. Theo đó, nền kinh tế internet của khu vực sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm nay, tăng vọt từ 72 tỷ USD của năm ngoái. 

Số người dùng trực tuyến trong khu vực ASEAN hiện ở mức khoảng 360 triệu người, tăng 100 triệu người kể từ năm 2015. Năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng internet.

Trong khi các nền kinh tế internet ở Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tăng 20 - 30% hằng năm, thì tốc độ tăng trưởng ở hai điểm sáng kinh tế của khu vực là Indonesia và Việt Nam tăng hơn 40%.

Đến năm 2025, nền kinh tế số khu vực sẽ tăng gấp 3, chạm mức 300 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Báo cáo trên cho thấy, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019 và bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ.

Giám đốc điều hành Google SEA - ông Stephanie Davis cho biết, ASEAN có một nền kinh tế kỹ thuật số cực kỳ thú vị, khi người tiêu dùng đang chuyển sang kỹ thuật số để hoàn thành hàng triệu nhiệm vụ hàng ngày, dẫn đến tăng trưởng chưa từng thấy. Tuy nhiên, có nhiều việc phải làm để khai thác ra tiềm năng đáng kinh ngạc của kỹ thuật số.

Thương mại điện tử

Các lĩnh vực liên quan đến internet của khu vực đang bùng nổ, nổi bật nhất là thương mại điện tử (e-commerce). Thương mại điện tử hiện được định giá 38 tỷ USD so với con số chỉ 5 tỷ USD vào năm 2015 và dự kiến tăng lên 150 tỷ USD vào năm 2025.

Những trang web bán hàng trực tuyến khổng lồ như Lazada thuộc sở hữu của Alibaba, Shopee có trụ sở tại Singapore hiện có số lượng người truy cập và giao lịch lớn nhất khu vực, trị giá khoảng 12,7 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2015.

Bên cạnh đó, phân khúc thanh toán kỹ thuật số của khu vực cũng đang tăng lên, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025, với ví điện tử chiếm hơn 22 tỷ USD trong năm nay và có khả năng tăng gấp 5 lần vào năm 2025. Cho vay kỹ thuật số đang được triển khai rộng rãi, ước đạt 110 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, ứng dụng gọi xe công nghệ đang tăng trưởng mạnh mẽ, với 40 triệu người thực hiện các cuộc gọi.

Rõ ràng, những đổi mới công nghệ gần đây đã giúp người dùng trong khu vực dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là các dịch vụ tài chính. Ông Rohit Sipahimalani - người đứng đầu tập đoàn đầu tư Temasek nói: “Công nghệ di động đang thay đổi cách người dân khu vực ASEAN làm việc và sinh sống, cung cấp cho họ quyền truy cập nhiều hơn vào các cơ hội mới và thị trường mới, tạo ra đầu tư hấp dẫn trong nền kinh tế internet của ASEAN”.

Trong năm 2019, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Nhưng đầu tư công nghệ toàn cầu vẫn là điểm sáng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, ASEAN chứng kiến các hãng internet gọi vốn 7,6 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2018.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn trong thương mại điện tử ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO