Câu chuyện dâu bể của các nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh trong lòng TP.Đà Nẵng càng khiến nhiều người lo ngại ký ức của phố sẽ bị phai mờ trong cơn lốc thị trường.
Nghĩa trủng Hòa Vang. |
Những nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên
Giữa tháng 3 năm 1860 những tên lính cuối cùng trong đoàn quân viễn chinh của Pháp và Y Pha Nho rút chạy khỏi Đà Nẵng, đánh dấu sự thất bại của Pháp nhưng lại là chiến thắng đầu tiên và duy nhất của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trong cuộc chống thực dân Pháp xâm lược. Sau này Pháp tấn công Gia Định (1860) rồi Hà Nội (1874 và 1883) triều đình ta đều thất bại chóng vánh. Đà Nẵng vì thế có thể ngẩng cao đầu hãnh diện: “Việc tấn công Đà Nẵng trong 18 tháng không đủ để lay chuyển được quyết tâm chiến đấu của triều đình Huế, cũng không xâm hại gì đến những cơ sở nền tảng của nó. Cuộc viễn chinh Đà Nẵng đã kết thúc bằng một thất bại, một thất bại chính trị nhiều hơn là một thất bại về quân sự, tuy khá đau đớn” (Taboutlet. La Gest Française en Indochine, Maisonneune. Paris 1955. T 2, trang 449). Đà Nẵng đã quyết đánh và quyết thắng, đã không phụ lòng tin của cả nước.
Thế nhưng tổn thất về phía bên ta cũng vô cùng to lớn. Hàng vạn ngôi mộ của quân lính và dân binh trải khắp mảnh đất anh hùng này từ Sơn Trà, Mân Quang, An Hải cho đến tận Cẩm Lệ, Hòa Cầm, Dốc Võng ra đến tận Nam Ô, Chơn Sảng.
Năm 1866, Bố chánh Quảng Nam Đặng Huy Trứ đã tấu trình về triều xin được gom phần mộ của những người hy sinh vào trong một nghĩa trang để tiện bề hương khói. Tấu trình được chuẩn y. Hơn 1.500 hài cốt phân tán ở khu vực phía tây được tập hợp lại ở làng Nghi An, huyện Hòa Vang làm nên Nghĩa trủng Hòa Vang (Ngôi mộ lớn, nơi yên nghỉ của những người hy sinh vì nghĩa ở Hòa Vang).
Tuy thế, vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ của nghĩa sĩ chưa quy tập được nằm rải rác ở khu vực phía đông thành phố, không người hương khói. Vì thế vào năm 1876, Chánh Thương biện hải phòng Đà Nẵng là Hồng lô tự khanh Nguyễn Đạo Trai (Quý Linh) và Phó lãnh binh Trương Công Hậu khởi xướng xây dựng thêm một nghĩa trủng thứ hai. Là việc nghĩa nên được mọi người hưởng ứng nhiệt thành. Hai làng Phước Ninh và Thạc Gián cúng đất để xây dựng nghĩa trủng và lấy hoa lợi hương khói hàng năm. Quân sĩ dưới trướng của quan Lãnh binh được hai quan quản cơ Nguyễn Lân cùng hiệp quản Nguyễn Đề chỉ huy phân nhau bốc dỡ hài cốt nghĩa sĩ đưa về để cải táng. Tất cả 1.500 hài cốt được bọc trong giấy, bỏ vào quan quách đường hoàng và cải táng thành những mộ phần xếp theo hàng lớp thẳng tắp. Công việc chỉ thực hiện chưa đầy 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 7 thì hoàn thành.
Nghĩa trủng Phước Ninh. |
Toàn bộ khu nghĩa trủng có hình chữ nhật, chiều dài 88m (22 trượng), bề ngang 72m (18 trượng), chung quanh được bao bọc bởi vòng thành bằng đất cao ngang đầu. Nghĩa trủng nằm ở vị trí đặc biệt: “Tọa lạc trên một địa thế xinh tươi và hùng tráng: Ở phía trái, sóng nước biển khơi dào dạt thổi lại, núi Sơn Trà mường tượng dáng rồng xanh; ở phía phải, rừng cây núi lớn nhấp nhô lay động, núi Phước Tường tựa như hình hổ trắng. Nước Vũng Thùng trong xanh rào rạt, thấm nhuần lòng đất; dòng sông Hàn ôm vây mạch đất uốn khúc quanh co” (Lời trên văn bia của nghĩa trủng).
Hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh từ đó đã trở thành hai nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của nước ta, là những di tích lịch sử điển hình không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả nước thể hiện cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam nói chung và của Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng.
Trong cơn lốc phát triển
Cứ tưởng thế là yên. Từ đây tiền nhân sẽ được đời đời an nghỉ. Thế nhưng không ai (kể cả những người chết) có thể tránh khỏi dâu biển của cuộc đời.
Do nhu cầu mở rộng sân bay, Nghĩa trủng Hòa Vang đã bị di dời hai lần vào năm các 1926 và 1962. Cũng may cả hai lần di dời đều không xa. Hiện nay nghĩa trủng còn tọa lạc trong lòng thành phố, ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Nhưng đó lại là nỗi âu lo của một số người. Với đà đô thị hóa như vũ bão, giá đất ở nội đô tăng chóng mặt như hiện nay, liệu rồi tiền nhân có phải nhường đất lại cho... sự phát triển thêm một lần nữa!
Cuộc “lệ thuộc” và “tao loạn” đi qua, người ta thở phào. Nghĩa trủng Phước Ninh sẽ không phải dời đi dời lại như Nghĩa trủng Hòa Vang. Tiền nhân sẽ được an nghỉ nghìn thu giữa lòng thành phố nhộn nhịp để làm một dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, để tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Nhưng rồi cơn “sóng thần” của kinh tế thị trường xuất hiện. Sau bao năm chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu người ta mơ ước những tòa nhà cao tầng và những con đường rộng rãi mà họ vừa bị choáng ngợp khi có dịp quan sát ở các nước phát triển. Thế là người ta sẵn sàng “đổi cái duy nhất, vô giá” để lấy cái “tầm thường, phổ biến”. Tiền nhân, “những người đã từng cương quyết bám đất tổ quốc thà hy sinh chứ không bỏ chạy để được an thân” cũng phải lên đường ra vùng ven nhường “đất vàng” lại. Nghĩa trủng Phước Ninh phải làm một cuộc di dời lên tận nghĩa trang Gò Cao, thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố 30km để lấy đất xây dựng nhà thi đấu thể thao. Vì nhu cầu phát triển, tiền nhân chấp nhận về tận vùng sâu vùng xa của thành phố. Âu đó cũng là định mệnh và với họ đâu cũng là đất quê hương!
Ngày nay dấu tích duy nhất còn lại của Nghĩa trủng Phước Ninh là một tấm bia có kích thước 1,2m x 0,8m - trên đó có ghi lại việc xây dựng nghĩa trủng - nằm lặng lẽ dưới gốc cây đa ở góc đường Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Văn Linh mà rất nhiều người dân Đà Nẵng, nhất là những người trẻ và du khách khó mà nhận biết được đó là di tích gì.
Dấu xưa còn lại
Khi đề cập 2 nghĩa Trủng này, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú đã than phiền. Đối với Nghĩa trủng Phước Ninh: “Ban đầu ai cũng nghĩ chỉ có Nghĩa trủng Phước Ninh, nhưng ngay cái duy nhất ấy cũng bị xóa sổ chỉ còn lại một tấm bia nép mình bên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đâu phải Đà Nẵng hết đất để xây nhà thi đấu! ”. Rồi ông tiếc nuối: “Giá giữa Đà Nẵng có một nghĩa trang thật đẹp cho những người đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân! Cả nước đâu phải đâu cũng có được “của quý” như vậy để tôn vinh, làm giàu vốn văn hóa của mình”. Đối với Nghĩa trủng Hòa Vang ông cũng buồn lòng không kém: “Ngay khi phát hiện nghĩa trủng thứ hai là Hòa Vang với không gian rất đẹp chúng ta cũng không đánh giá đúng mức nên giờ như nghĩa trang mới toanh” (Hồ Trung Tú - Đà Nẵng giữa Có và Không).
Một thầy giáo dạy địa lý khi đứng với một nhà quy hoạch đô thị ở vị trí ngã sáu duy nhất của thành phố nhìn ra phía cầu Rồng đã tiếc ngẩn ngơ: “Giá ngày ấy Đà Nẵng giữ lại Nghĩa trủng Phước Ninh thì con đường từ sân bay quốc tế ra cảng nước sâu sẽ có thêm ý nghĩa, nhất là trước khi đi qua nghĩa trủng ta đi qua một Khải hoàn môn. Trận đầu hy sinh chống Pháp thành công, Đà Nẵng xứng đáng có một Khải hoàn môn. Khải hoàn môn bên nghĩa trủng trên con đường hiện đại xuyên thành phố sẽ là điểm nhấn tuyệt vời cho không gian đô thị Đà Nẵng”.
Nhưng dù tiếc nuối và trách móc như Hồ Trung Tú hay nhà giáo dạy địa lý kia thì Nghĩa trủng Phước Ninh cũng đã bị di dời đi nơi khác rồi. Chúng ta hãy lạc quan mà vui mừng rằng chưa mất hết, ít ra vẫn còn một tấm bia. Hãy đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối! Vì thế hãy làm sao cho những dòng chữ trên tấm bia đó đến được với những người đến sau, chứ không phải là một tấm bia “với những dòng chữ không ai đọc được”. Đó là nhiệm vụ của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, đặc biệt là với ngành giáo dục, ngành du lịch và các tổ chức thanh niên.
Đọc tấm bia đó thế hệ trẻ sẽ thay đổi tư duy về khái niệm phát triển. Phát triển không chỉ là những ngôi nhà cao tầng, những con đường trải nhựa rộng hơn, láng hơn, đầy xe cộ qua lại, những bữa cơm nhiều thịt hơn mà còn là một xã hội hài hòa với những con người có tâm hồn biết quay nhìn quá khứ để cùng nắm tay nhau đi những bước dài hơn vào tương lai. Phải làm cho những dòng chữ trên tấm bia biết nói kia sẽ là “Những giá trị hữu thức sẽ chìm lắng xuống tạo thành vô thức làm nên cái-mờ-ảo-người, có sức sống kỳ diệu, định hướng cuộc đời” (Giáo sư Trần Đức Thảo) và định hướng cho cả dân tộc.
LÊ THÍ