Thổ Nhĩ Kỳ là xứ sở của vô vàn chuyện lạ. Ví như hôm từ cố đô Istanbul, tôi mua tour đi thăm thành cổ Ephesus (có lịch sử từ thế kỷ thứ 10 trước CN) cách đúng 564km, đi về trong ngày bằng máy bay. Tôi ớ người bởi không như ở mình.
Ở thành phố cổ Ephesus, điểm đến nổi tiếng và được trông chờ nhất của du khách là đền thờ Artemis – một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, gắn liền với câu chuyện “kẻ đốt đền” Herostratus, người vì muốn lưu tên vào sử sách đã dùng một mồi lửa để thiêu rụi đền Artemis vào năm 356 trước CN.
Nhưng chuyện lạ nhất về ngôi đền, theo lời hướng dẫn viên, là ngoài một trung tâm tôn giáo thời đó, Artemis còn là nơi ký kết các hợp đồng mua bán nhỏ và là nơi… cho vay nặng lãi như bao nhiêu ngôi đền khác trên đất nước Hy Lạp (thật ra là mô hình ngân hàng sơ khai).
Ngày ấy ai cần tiền thì đến liên hệ với vị tư tế tối cao, chức như giám đốc ngân hàng. Ông ta sẽ cho vay với lãi suất khá cao, khoảng 10%. Trong khi đại diện cho các thành phố và các công xã thì được hưởng khoản ưu đãi, khoảng 6%. Nếu nhà nước đứng ra vay với mục đích phục vụ chiến tranh thì lãi suất sẽ rất cao...
Và trong vô vàn những phế tích gắn liền với nền văn minh Hy Lạp – La Mã rực rỡ một thời làm mưa làm gió cả vùng Địa Trung Hải rộng lớn, tôi dành nhiều thời gian ở những nhà vệ sinh công cộng. Đó là những hố vệ sinh xếp thành dãy chạy dọc theo ba phía của ba bức tường. Bên dưới là hệ thống cống nước liên tục chảy đẩy trôi chất thải. Nhà vệ sinh công cộng tất nhiên dành cho những công dân trong phường phố. Không tin được là thời ấy lại có cả… phiếu sử dụng dài hạn, như kiểu vé tháng bây giờ.
Nhưng chuyện ở khu vệ sinh công cộng vẫn chưa lạ và thú vị như ở khu nhà thổ gần đó, được xây dựng dưới triều hoàng đế Trajan, cai trị từ năm 98 đến năm 117 sau CN. Khu nhà thổ gồm hai tầng, phía trên dành cho các kỹ nữ, ở dưới dành cho khách và không gian xướng ca.
Tại khu nhà thổ này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một pho tượng Priapus - một người đàn ông mang cái dương vật ngoại cỡ được mệnh danh là Thần tình dục trong thần thoại Hy Lạp. Và trong một số ngôn ngữ châu Âu, “chứng cương đau” được đặt tên dựa trên tên của vị thần này. Pho tượng hiện bày trong bảo tàng khảo cổ học Efes gần đó. Và tượng mô phỏng bằng đồng bằng đá thì bán đầy trong các cửa hàng lưu niệm với giá “cắt cổ”.
Vui nhất là trên con đường lát cẩm thạch mang tên Curates, ở lối vào nhà thổ, có một phiến cẩm thạch lớn khắc hình bàn chân đàn ông. Truyền thuyết kể rằng, ngày ấy, khách làng chơi bước đến trước cửa phải rửa chân rồi đặt bàn chân mình lên đấy, phiến đá lập tức in hằn dấu chân khách.
Người Hy Lạp - La Mã cổ đại tin rằng dấu chân tiết lộ kích thước dương vật. Vậy nên rất nhiều anh chàng vừa in dấu chân lên phiến cẩm thạch thì bị kỹ nữ đứng trên tầng hai nhìn xuống lớn tiếng khuyên răn, đại ý: “Thôi về nhà với mẹ đi, cháu vẫn còn bé lắm...”.
Hôm đó tôi cũng lén ướm thử chân mình lên đó rồi… giật mình nhưng tôi sẽ không khai hương hồn các kỹ nữ ở trên tầng hai (nếu có) họ sẽ nói những gì… Chỉ biết trong trùng trùng những dấu chân đã đặt lên đó suốt hơn 2000 năm nay vừa có thêm một dấu chân của tôi, một trong những “khách làng chơi” đến từ nước Việt.
Nhà vệ sinh công cộng và cả nhà thổ để phục vụ nhu cầu “đào thải” và ăn chơi hưởng lạc của con người là một trong những thước đo của văn minh. Và nếu căn cứ vào những thước đo này thì nhiều quốc gia trên thế giới, dù có phấn đấu đến… thế kỷ thứ 22 vẫn không bắt kịp Ephesus của thời cổ đại!
HOÀNG VĂN MINH