Dầu dãi đời cây

NGUYỄN ĐIỆN NAM 02/04/2023 07:43

Đời người lắm bận thao thức vui buồn, hạnh phúc hoặc cay đắng với đời cây. Mỗi lứa, mỗi mùa, mỗi năm cây ngắn ngày thay lớp. Nhưng nếu là cây đứng trụ chặng đường dài vài chục năm hơn thì thời gian sẽ hằn lên thân cây bao chuyện của người, nên dường như thay một đời cây là người cũng khó yên.  

Như chuyện Hà Nội ấy, hai đời chủ tịch thành phố đều lụy vì... cây xanh. Thời ông Nguyễn Thế Thảo, đã xảy ra vụ việc chặt hàng loạt cổ thụ để thay thế cây non khác, rồi kỷ luật cán bộ.

Nặng đô hơn, tới thời ông Nguyễn Đức Chung còn mạnh miệng chỉ đạo để công ty cây xanh nhập lậu những loài cây ngoại lai như chà là, bàng lá nhỏ… về thay trồng ở thủ đô và nâng khống giá để trục lợi. Cây chưa ra hình dáng thì hàng loạt cán bộ xộ khám vì vụ “ăn cây” khoảng 34 tỷ đồng, riêng ông Chung mới đây bị tố nhận lót tay trong vụ này tới 2,6 tỷ đồng.

Chưa bàn chuyện có “ăn cây” hay không mà sự tốn kém, mất mát khi thay một đời cây ở nhiều phố phường trên đất Việt cũng gây lắm ồn ào. TP. Hồ Chí Minh một bận đốn bỏ nhiều cây dầu, lim xẹt, me tây, sao đen... trên các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3), Trường Sơn (quận 10)... khiến dư luận phản ứng, trong đó Nhóm Bảo vệ Di sản (Save Heritage Vietnam) đã lên tiếng rằng “Các cổ thụ tại trung tâm thành phố được trồng từ thời Pháp và có tuổi thọ gần trăm năm tuổi. Đây là giống cây dầu ít bệnh, cây phát triển tốt. Quan sát trực tiếp cho thấy các cây bị đốn hạ không có dấu hiệu mục ruỗng”.

Mà kể chi cho xa, tại xứ Quảng chuyện “trồng – chặt” cũng từng xảy ra ở Tam Kỳ, là trồng sao đen rồi sau chặt bỏ, trồng hoa sữa rồi phải đốn hạ bởi nặng mùi khó thở. Ở Đà Nẵng, có giai đoạn chỉnh trang đô thị đã chặt bỏ hàng ngàn cây cổ thụ, tiếc đứt ruột!

Cây xanh đô thị là phần hồn của phố mà ứng xử kiểu trồng rồi chặt tùy tiện thế nên đừng hỏi vì sao lá phổi bị tổn thương, đừng hỏi sao nhiều phố phường sau bao năm vẫn trơ ra bê tông nhà kính. Nếu phải thay một đời cây xanh ở phố vì bệnh tự nhiên và gió mưa đổ ngã không ai nói làm gì, nhưng đâu đó có chuyện “ăn cây” khiến cho người ta phải nghĩ ngợi về lý do trồng rồi chặt bỏ, thay thế cây vì những “con sâu đục thân” khác vậy (!?).

Trở đi trở lại vẫn là ở tầm nhìn, quy hoạch. Cây xanh cho đường phố, cho các công trình công cộng đều cần điều đó mới bền vững được. Mà muốn nhìn ra được, nhìn xa trông rộng, quy hoạch cho phù hợp đều dựa trên tri thức và cái tâm trong lành chứ không phải do ý muốn chủ quan tùy tiện, hay từ lòng tham lam sân si.

Khi viết đến đây lòng tôi bỗng dậy lên ký ức về những đời cây đã dầu dãi in vào tâm thức bao thế hệ người Quảng, là những cây di sản góp bóng hình định danh xứ sở. Như cây da kèn phố Hội, cây da dù Điện An, cây dương thần Bình Dương, cây cốc Hà Lam, cây rõi vùng địa đạo Kỳ Anh, cây ngô đồng Cù Lao Chàm, cây pơ mu Tây Giang,…

Ai một lần thăm thú Ngũ Hành Sơn, sẽ ấn tượng vô cùng khi bắt gặp cây đa đã hiện diện hơn 600 năm tuổi. Cũng ở đó, nếu có cặp tình nhân nào thề non hẹn biển lại thấy những chàng trai áp mặt vào cây bàng đực, cô gái áp mặt vào cây bàng cái để nguyện cầu sự chứng dự của đời cây hơn 300 năm.

Và Tam Kỳ,  tỉnh lỵ Quảng Nam, sau bao nhiêu đắng đót ngậm ngùi may thay đã kịp thức nhận về ý nghĩa của cây xanh cho phố, để rồi nhen trồng hàng nghìn cây sưa, hình thành nhiều đường hoa sưa ủ nở sắc vàng quyến rũ. Nhờ vậy, lễ hội hoa sưa Tam Kỳ lại sắp được mở khi đã thấy hoa đầu mùa chúm chím phía nẻo làng Hương Trà và những con đường sưa in dấu dáng hình người tình nào đó đã đi qua…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dầu dãi đời cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO