Ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam cho hay vốn ngân hàng đã đổ vào nền kinh tế hiệu quả. Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Điều quan trọng hơn là chất lượng tín dụng, dòng tiền đã chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần của nền kinh tế hấp thụ, chứ không phải là dựa vào con số tăng trưởng nhiều hay ít. Vì vậy, khi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam công bố tăng trưởng tín dụng hơn một tháng qua âm so với đầu tháng 1.2015 (được tính do các khoản dư nợ ngắn hạn đến kỳ thanh toán và tăng trưởng tín dụng phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu vốn của nền kinh tế hoặc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp), không làm nhiều người ngạc nhiên như trước đây nữa.
Giới kinh doanh đã và đang trưởng thành hơn sau khi trải qua hàng loạt cơn dông bão. Hai lực lượng chủ chốt là doanh nghiệp và ngân hàng càng phải tỉnh táo để tính toán trong mọi quyết sách làm ăn của mình. Mọi tính toán mang tính phiêu lưu, thiếu chuyên nghiệp, chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, vi phạm pháp luật đều phải được dự báo trước cái giá phải trả để nâng cao năng lực cảnh báo phòng ngừa, xây dựng và củng cố cung cách kinh doanh lành mạnh, năng lực chấp pháp và cạnh tranh bài bản. Trong suy thức đó cần chấp nhận một thực tế là tăng trưởng tín dụng nên chậm mà vững chắc thay cho tình trạng chạy đua theo kiểu bùng nổ.
Kết quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tháng 6.2014, đưa ra con số bất ngờ khi 742 phiếu khảo sát, đánh giá khó khăn của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng và nhu cầu vốn vay được gửi đi lại chỉ nhận được 28 phiếu phản hồi và 14 doanh nghiệp đã tham gia chương trình này. Không phải là doanh nghiệp không cần tiền mà tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi, đang được lý giải để tạo ra sự khác biệt hiện tại khi đã rút ra bài học xương máu từ sử dụng đòn bẩy tài chính như năm 2010 trở về trước. Thời điểm vay tiền quá dễ nên doanh nghiệp vay đổ vào mọi dự án, kể cả những dự án chưa được thẩm định kỹ lưỡng. Giờ thì khác, họ phải tính toán đầu ra cho chắc ăn mới dám đến gõ cửa ngân hàng. Tín dụng tăng trưởng chậm và khó khăn như hiện tại không có nghĩa là nền kinh tế vẫn tăng trưởng mà cần ít tiền hơn. Theo quan sát của nhiều chuyên gia tài chính, hiện nền kinh tế không còn cần tiền ngân hàng đến mức phải phụ thuộc vào nó hoàn toàn như trước. Doanh nghiệp và cá nhân đã tìm ra nguồn tiền khác thay thế. Họ đã sử dụng vốn tự có, vay mượn người thân dễ dàng hơn trong điều kiện lãi suất tiết kiệm ngày càng xuống thấp như hiện nay. Thực chất là doanh nghiệp đã tỉnh ngộ. Nếu làm ăn không có lời, thì lãi suất có thấp như hiện thời hay còn thấp hơn nữa thì họ cũng sẽ không vay.
Đó là sự chuyển biến đáng mừng hơn là đáng lo cho nền kinh tế? Bức tranh tăng trưởng tín dụng chủ yếu giải ngân vào các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp – nông thôn, công nghiệp phụ trợ… là khá hợp lý. Tăng tưởng tín dụng đã thực chất hơn!
TÙY PHONG