Ốc đảo Cồn Si (xã Tam Hải, Núi Thành) bây giờ đã có tên gọi khác là Long Thạnh Tây, nhưng tôi vẫn thích gọi hai tiếng Cồn Si mỗi lần có dịp theo chân đồng nghiệp trở về nơi này. Chỉ cách cảng cá An Hòa (xã Tam Giang) chừng hơn cây số đường chim bay và chỉ cần độ 10 phút ngồi đò là cập bến Cồn Si nhưng nơi đây như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi sự yên bình của một vùng quê sông nước bao quanh và bởi cái lặng lẽ vốn dĩ của cuộc sống cư dân ốc đảo bao đời…
1. Trên chuyến đò trở lại Cồn Si lần này, tôi gặp anh Huỳnh Tấn Vinh, một cư dân của ốc đảo, người để lại trong tôi ấn tượng khó quên trong lần đến Cồn Si hai năm trước. Tuổi đã ngoài 50, anh Vinh vẫn quyết “vượt sông” Trường Giang mỗi ngày để đầu quân làm công nhân cho một nhà máy giấy bên Khu công nghiệp Tam Hiệp. Gác lại mái chèo và những tay lưới đã một thời là kế sinh nhai cho gia đình, anh Vinh cũng như nhiều cư dân Cồn Si đang tự bứt mình ra khỏi cái trầm lặng lâu nay của làng để hòa vào cuộc sống sôi động phía bên kia sông.
Còn nhớ hai năm trước, khi Bùi Lê Hoàng Việt Tuấn - cậu em đồng nghiệp quê Cồn Si đưa tôi về thăm làng, trong buổi hoàng hôn nhạt nắng, lóng lánh sóng nước soi bóng những hàng dừa, tôi bắt gặp hình ảnh rất đỗi yên bình của vợ chồng anh Huỳnh Tấn Vinh ngồi đan lưới trước hiên nhà. Tay thoăn thoắt với những sợi cước, ánh mắt dõi về phía hoàng hôn như đợi chờ màn đêm buông xuống để bắt đầu cuộc mưu sinh sông nước của mình. Trên dòng Trường Giang, đoạn qua Long Thạnh Tây này có nghề rớ quay từ bao đời nay là kế sinh nhai của hàng chục hộ gia đình. Cũng từ chiếc rớ quay mà nuôi sống bao thế hệ, con cái được học hành vươn xa khắp nơi. Vợ chồng anh Vinh như hai vợ chồng son bởi con cái đã lớn và có nghề nghiệp nhà cửa ở bên kia sông. Đêm đêm, hai vợ chồng cùng một vài ngư cụ, dong thuyền ra giữa sông - nơi có chiếc rớ quay của gia đình đặt ở đó. Anh Vinh bảo, hai vợ chồng lao động một đêm cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, tạm đủ chi phí cho cuộc sống hằng ngày. Bây giờ con cái đã lớn, bớt một nỗi lo nhưng chuyện lễ nghĩa, đám đình ở đời thì ngày càng nặng hơn. Bởi vậy, dù tuổi đã lớn nhưng vẫn phải vượt sông đi làm công nhân hằng ngày kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thi thoảng rảnh rỗi thì cứ nghề cũ rớ quay làm thêm vừa vui với sông nước lại có đồng ra, đồng vào.
Bám nghề rớ quay trên sông nước Trường Giang ở Cồn Si bây giờ chỉ còn là những người già, bàn chân không thể bước xa khỏi làng được, như vợ chồng ông Phạm Văn Thành và bà Trần Thị Thấn, năm nay đã ngoài tuổi bảy mươi. Vợ chồng ông bà có ba người con, lớn lên, ăn học cũng nhờ chiếc rớ quay của gia đình. Giờ cả ba đã trưởng thành, có công ăn chuyện làm ở tận Sài Gòn, thi thoảng lễ tết mới về thăm nhà, thăm lại Cồn Si. Vợ chồng ông Thành hằng ngày quanh quẩn trong ngôi nhà trống vắng trên ốc đảo, tối đến lại dong thuyền ra sông kiếm con tôm, con cá tự lo cho cuộc sống của mình. Ông Thành bảo, cuộc sống ở Cồn Si rất yên bình, nhẹ nhàng, thư thái, nhưng có lẽ chỉ phù hợp với những người già như ông, còn lớp trẻ thì muốn thoát ra để bươn bả kiếm tiền.
2. Chạm vào mắt tôi trong lần trở lại Cồn Si này là những con đường nhỏ, rất xinh đẹp, chạy quanh co trong làng. Nhưng điều khiến tôi chạnh lòng là bên trong những con đường ấy có khá nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang. Bùi Lê Hoàng Việt Tuấn bảo rằng, nhiều gia đình ở đây vì cuộc mưu sinh đã xa làng đi làm kinh tế mới. Bỏ lại mảnh vườn, ngôi nhà trên đảo. Lại có những gia đình khi người già bám trụ Cồn Si khuất núi, con cái có nhà cửa, công ăn chuyện làm nơi đất khách không thể quay về mảnh đất chôn nhau cắt rốn…, thành ra mọi thứ trở nên hoang phế theo thời gian. Như gia đình Tuấn, ba mẹ đi khỏi làng làm kinh tế mới tận Tây Nguyên. Tuấn theo gia đình lên Đắc Lắc mười mấy năm, rồi học hành, nghề nghiệp đưa đẩy trở lại quê nhà. Mảnh vườn nhỏ, ngôi nhà của ông bà trên đảo Cồn Si mấy năm trước chỉ có bà nội Tuấn trụ bám. Nhưng nay thì bà cũng đã về với tổ tiên. Tuấn từ Tam Kỳ hằng tuần lại đưa vợ con về Cồn Si cho ngôi nhà xưa có chút hơi ấm. Cũng may, người bác ruột của Tuấn năm nay ở tuổi 53 mới vừa cưới vợ, quyết định chấm dứt cuộc đời phiêu lưu qua những nẻo đường trong nghề xây dựng rày đây mai đó để về lại Cồn Si, tính chuyện ăn ở lâu dài trên mảnh đất cha ông. Tôi nghĩ, con số 96 hộ gia đình với hơn 350 nhân khẩu toàn thôn Long Thạnh Tây có vẻ chưa thôi dao động khi liên tiếp vài năm trở lại đây lớp thanh niên nam nữ rời ngôi làng ốc đảo của mình bươn chải mưu sinh nơi khác liên tục tăng. Những người trở về trụ lại quê nhà như ông Bùi Văn Dự (bác ruột Bùi Lê Hoàng Việt Tuấn) chỉ đếm trên đầu ngón tay và có thể xếp vào dân số già.
Rời làng ra đi để thực hiện giấc mơ đổi đời bằng nhiều việc đó cũng là lẽ thường của cuộc sống thời hiện đại. Nhưng ở Long Thạnh Tây - Cồn Si, trong chuyện ra đi và quay về cũng có nhiều điều để bàn. Nhiều thanh niên Long Thạnh Tây một vài năm trở lại đây khi bị cuốn vào cơn lốc kim tiền và vô vàn những biến tấu từ cuộc sống bên ngoài… đã không giữ được phẩm chất thật thà, chơn chất của người Cồn Si từ bao đời. Đã có khá nhiều câu chuyện bi hài, xót xa xảy ra ở ốc đảo này là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức, lối sống buông thả, ăn chơi đua đòi mà một bộ phận không nhỏ lớp trẻ Cồn Si mang về từ cuộc sống phía bên kia sông. Điều này hệt như những cơn lốc cuộn chảy trong lòng con nước Trường Giang vốn êm đềm tự thuở nào, để lại những day dứt khôn nguôi cho bao lớp người Cồn Si một đời bám sông, bám biển…
Cồn Si quả là một miền quê rất đẹp. Nếu ai có dịp đến đây vào buổi hoàng hôn, ắt hẳn sẽ khó có thể cầm lòng bởi những vi vu gió, mang hơi mát trong lành từ hàng dừa nghiêng mình ven sông chạy quanh làng. Cồn Si còn hút hồn người đến bằng những chiếc rớ quay giăng mắc trong óng ánh sóng bạc dưới nắng vàng như mật buổi cuối ngày. Và đẹp xao xuyến bởi những con đường chạy quanh co ken dày hoa dại, những nếp nhà quê biển hơi thấp so với nhà ở nơi khác; rồi những con thuyền của ngư dân bủa lưới trên sông… Cái đẹp của Cồn Si còn ở tấm chân tình mộc mạc người dân nơi đây giành cho khách. Dù chỉ là nụ cười, câu chuyện về cuộc mưu sinh khi bất chợt bạn gặp ai đó trên đường làng hay là một bữa cơm dân dã đều để lại những dấu ấn khó quên. Chính vì những nét đẹp ấy mà từ nhiều năm trước, Cồn Si được đưa vào tầm ngắm trong chiến lược du lịch sinh thái của huyện Núi Thành. Nhưng hẹn hò mãi, dự trù mãi mà Cồn Si vẫn cứ như một dấu lặng giữa trời mây sông nước. Và, người Cồn Si, nếu không làm cuộc ra đi biền biệt thì cũng ngày ngày vượt sông kiếm kế sinh nhai như anh Huỳnh Tấn Vinh và nhiều người. Tôi hỏi ông Phan Văn Thành khi hai bác cháu ngồi hóng gió trước sông, rằng nếu một mai lớp người như ông theo quy luật về với ông bà, Cồn Si sẽ ra sao khi vắng bóng con cháu họ trên ốc đảo này? Ông Thành không trả lời tôi mà chỉ chặc lưỡi, tuồng như nuối tiếc, xa xót điều gì đó như là máu thịt trong ông…
Tôi rời Cồn Si khi màn đêm đã buông hẳn trên ngôi làng này. Chuyến đò rời bến đưa tôi qua sông dường như cũng chòng chành chẳng muốn làm cuộc chia tay. Trên sông, những ngọn đèn nhấp nháy rớ quay như vẽ vào không gian sự huyền ảo của đêm sông nước. Tôi ngước nhìn lên bầu trời, phía cao xa kia là hằng hà sa số vì sao đêm nhấp nháy. Có lẽ, sao trên trời xa tít tắp đêm nay cũng giống như những người con Cồn Si đi xa muôn nẻo, dẫu tất bật cho cuộc mưu sinh xứ người, nhưng vẫn mong ngóng về mảnh đất cố hương. Nhưng cuộc quay về thì vẫn còn xa ngái…