Thời trước, mấy ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán, người quê tôi kiêng cữ nhiều thứ lắm. Người ta kiêng cữ chỉ vì để tránh trong năm mới những điều không hay, không tốt cho bản thân và gia đình.
Cuối năm, dù bận bịu đến mấy họ cũng lo giặt giũ mền chiếu áo quần xong trước Ba mươi tháng Chạp, tắm rửa cho thân thể sạch sẽ cũng thế. Chậm nhất là trước giờ giao thừa, nhà sân phải được quét dọn sạch sẽ. Ngày đầu năm mà dùng chổi quét sợ cả năm tài lộc sẽ bị “quét” hết.
Ngày tết ở quê tôi nhà nào cũng phải có bánh tổ, bánh tét. Thế nhưng trong năm cũ, gia đình nào rủi có người qua đời thì họ không làm bánh tổ vì cho rằng nếu làm loại bánh ấy hài cốt người khuất mặt sẽ bị đen. Do đó lại sinh ra cái lệ rất hay là gia đình đang thọ tang được bà con xóm giềng đem biếu bánh tổ nhiều khi bánh được biếu còn nhiều hơn số bánh các tết năm trước tang chủ thường làm.
Ra đồng đầu năm. Ảnh: HỨA THẠNH |
Người nhà đang thọ tang cữ đến nhà người khác trong mấy ngày đầu năm đầu tháng.
Giờ đón giao thừa mừng năm mới rất quan trọng. Mâm cúng mặn hay chay đều phải được trình bày đẹp. Chén bát dĩa đũa không được sơ ý để số lẻ. Chẳng hạn chén dĩa phải đủ đôi, đũa không dư một chiếc. Thời gian cúng giao thừa phải chờ cháy hết ba cây nhang mới lễ tất, như vậy là có trước có sau, trước với năm cũ và sau cho năm mới. Từ thời điểm này người ta càng kiêng cữ nhiều thứ ít ra cũng tới mùng mười tháng Giêng.
Nửa đêm sau giao thừa đến tinh mơ sáng, người ta chờ nghe tiếng con vật gì kêu trước tiên. Họ mong nghe được tiếng chó, tiếng gà và tiếng chim chèo bẻo, sợ tiếng cú.
Sáng mùng một mọi người trong nhà đều phải dậy sớm, nấu món ăn nào đó để cả nhà “ăn” năm mới. Người nhen bếp lửa đầu năm phải hết sức cẩn thận, lửa phải cháy bùng lên và cháy đều cho đến khi món nấu đã chín, không được tắt đi, nhen lại.
Người ta xuất hành từ chiều mùng một. Có người xuất hành từ trước đó. Ai cũng cữ mặc áo màu đen, màu trắng. Ra đi, họ cữ… gặp đàn bà (!). Trao đổi chuyện với nhau, họ cữ những từ như đau, chết, bệnh, thiếu… Uống với nhau chút rượu mừng xuân, mừng tuổi, họ tránh gọi chiếc ly mà phải gọi là chung.
Lắm người suốt tháng Giêng cữ ăn tôm vì sợ làm ăn thụt lùi, cữ ăn lươn vì sợ tài lộc cả năm bị vuột mất.
Trước tết, người ta đã chọn mời ai đến nhà xông đất. Người được chọn mời thường là các vị cao tuổi nhất trong thôn xóm, là vợ chồng còn nguyên cặp hạnh phúc hoặc người làm ăn phát đạt, học hành, thi cử tốt đẹp.
Thời nay sự kiêng cữ nói chung đã bớt đi nhiều. Ngẫm lại, sự kiêng cữ ngày đầu năm chưa hẳn là mê tín vì người ta chỉ mong gặp toàn điều lành, điều tốt toàn năm cho bản thân và cho tha nhân. Cũng như lời chúc vậy vì hiếm có lời chúc nào thành sự thực.
Tuy nhiên sự kiêng cữ quá đáng đôi khi cũng buồn cười, chẳng hạn cữ tắm giặt, quét tước, sợ gặp đàn bà khi ngày đầu năm xuất hành ra ngõ. Thậm chí cùng là đàn bà nhưng lại sợ… gặp đàn bà!
TƯỜNG LINH