Dấu thơ Lê Thánh Tông trên đất Quảng

NGUYỄN DỊ CỔ 10/10/2021 06:10

Hành trình viễn chinh của vua Lê Thánh Tông trên đất Quảng, ngoài binh đao trận mạc còn lưu dấu 2 bài thơ chữ Hán giá trị: “Hải Vân hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân) và “Thu Bồn dạ bạc” (Đêm ở bến Thu Bồn).

Bức phù điêu vua Lê Thánh Tông được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: internet
Bức phù điêu vua Lê Thánh Tông được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: internet

Duyên khởi dấu thơ

Đất Quảng in dấu thơ vua Lê Thánh Tông gắn liền với công cuộc bình Chiêm. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép rất đầy đủ về sự kiện lịch sử này. Sự việc bắt đầu từ chuyện quốc vương Chiêm Thành Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa vào tháng 8 âm lịch năm 1470. Tướng trấn giữ biên thùy ở châu Hóa là Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp ra Thăng Long.

Để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh và đại thắng, vua Lê Thánh Tông đã triển khai nhiều kế hoạch. Tháng 11 năm 1470, nhà vua hiệu định 52 điều lệnh về việc hành binh. Liền sau đó, vua xuống chiếu đến 26 vạn tinh binh về việc thân hành đi đánh Chiêm Thành. Mùng 6 tháng 11, vua sai Đinh Liệt, Lê Niệm đem thủy quân 3 phủ vệ Đông, Nam, Bắc đi trước. Tiếp tục ban hành 24 điều lệnh đánh Chiêm Thành. Hôm sau, vua tấu cáo ở Thái miếu. Mười ngày sau (16.11), vua thân hành dẫn 15 vạn thủy quân tiến tiếp theo sau. Ngày 18 tháng 12, thủy quân vào đến đất Chiêm Thành. Mồng 2 Tết năm 1471, vua cho rằng khi đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng cần phải luyện tập. Đồng thời vua nghĩ núi sông nước Chiêm có chỗ chưa biết rõ ràng, liền sai thổ tù ở Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ hình thế hiểm dị của nước Chiêm để dâng lên.

Vua thân hành soạn ra Bình Chiêm sách bằng chữ Hán, ban cho các doanh. Gần 2 tháng sau (mùng 1 tháng 3), hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn. Ngày hôm sau, vua liền xuống chiếu đem quân về. Đến ngày 15, vua bèn tự mình viết bài chiếu báo tin thắng trận, sai quan mang về kinh sư bố cáo thiên hạ biết. Đến tháng 6, vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa.

Khi ngự giá khởi hành, trời mưa nhỏ, gió bấc, vua Lê Thánh Tông đã làm 2 câu thơ: “Trăm vạn quân đi đánh cõi xa/ Mui thuyền mưa dội thấm quân ta”. Trong hành trình chiến trận ấy, vua Lê Thánh Tông đã xem địa đồ nước Chiêm rồi đổi lại tên sông tên núi, phải chăng lẽ đó mà những địa danh bản địa xứ Quảng trong thơ Lê Thánh Tông được ghi bằng Hán Việt(?).

Thơ viễn chinh

Trong hành trình ra trận, vua Lê Thánh Tông đã làm ít nhất 16 bài thơ, gồm 15 bài thơ về 14 cửa biển và 1 bến sông mà thuyền quân dừng lại nghỉ chân. Với đất Quảng, vua Lê Thánh Tông đã hạ bút 2 bài thơ là “Hải Vân hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân) và “Thu Bồn dạ bạc” (Đêm ở bến Thu Bồn).

Bài thơ thứ nhất: “Hỗn nhất xa thư cộng bức quyên/Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên/Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền/Di lạc phụng thâm kỳ khoản tái/Khổn thần ái quốc xảo trù biên/Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh/Cảm vọng Ban Siêu đáo Tửu Tuyền”. Ngô Linh Ngọc dịch: “Xa thư gộp một nền chung/Hải Vân, nét gạch khoanh vùng trời nam/Gió ru thuyền Lộ canh năm/Đồng Long đêm lặng, bóng trăng xế tà/Giặc kia đất ải nộp ta/Khổn thần vì nước tính xa mọi bề/Chớ lăm bảo mạng quay về/Tửu Tuyền gặp gỡ Ban kia dám nài”.

Bài thơ thứ hai: “Viễn biệt thần kinh ức khứ niên/Bồn giang kim hữu tải ngâm thuyền/Lô hoa thích thích phiên tình chử/Tiều xướng đê đê cách mộ yên/Hữu khách huề cầm điều tố nguyệt/Hà nhân bả tửu đối phương diên/Sầu lai ngẫu trị điểu phi tất/Thỉ tín kim thân thị Lạc Thiên”. Hồ Ngọc Băng Tâm dịch: “Năm qua tạm biệt thủ đô/ Năm nay lại hóa khách thơ thuyền lầu/ Bến Bồn phần phật hoa lau/ Ca tiều văng vẳng, khói chiều xa xa/ Đàn ai dạo dưới trăng ngà/ Mà ai chuốc chén tiệc hoa mặn nồng/ Cánh chim bỗng cắt sầu buông/ Lòng ta sao giống với lòng Lạc Thiên”.

Trong bài thứ nhất, nhà vua nhắc đến điển cố “xa thư” thể hiện tư tưởng sẽ thống nhất quốc gia. Hình ảnh nhân vật Ban Siêu và địa danh Tửu Tuyền nói lên ý chí chinh phạt của nhà vua. Tửu Tuyền là cửa ngõ thông sang Tây Vực của Trung Quốc. Ban Siêu là vị tướng tài của nhà Hán được biệt phái đi chinh phục các nước Tây Vực trong thời gian dài 31 năm, lúc đi còn trẻ, lúc về đã già. Nhà vua thân chinh nam cương để bình Chiêm cũng chưa đầy 30 tuổi. Ban Siêu chỉ là một bề tôi, còn Lê Thánh Tông là quốc vương nên sứ mệnh càng cao cả. Phải chăng với tinh thần này mà mùng 6 Tết (năm 1471), viên chỉ huy Cang Viễn đã bắt sống được Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa quan Cu Đê nước Chiêm, làm nên chiến công đầu tiên của đoàn quân vua Lê Thánh Tông.

Khác với ý chí “khổn thần” là bề tôi được trao nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới mà khéo trù liệu việc biên cương trong bài thơ thứ nhất, vua Lê Thánh Tông trong bài thơ thứ hai lại là một “khách thơ”, một Lạc Thiên (tên tự của Bạch Cư Dị, có nghĩa vui với trời, vui với tự nhiên). Nhắc đến Lạc Thiên chính là nói đến niềm u hoài, nỗi buồn riêng kín. Tâm trạng này của vua Lê Thánh Tông cũng thật dễ hiểu, bởi khi dừng chân nghỉ đêm ở bến sông Thu Bồn là lúc nhà vua đã rời kinh đô, xa người thân để viễn chinh từ mùa đông năm trước sang mùa xuân năm sau, phải ăn cái tết trên đất địch thủ. Hai bài thơ là 2 con người của nhà vua, một vị thống tướng trận mạc và một thi sĩ cảnh nhàn, nhưng thống nhất trong một hoàng đế văn võ song toàn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu thơ Lê Thánh Tông trên đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO