Để có một thương hiệu dầu tràm mang tên Linh Vũ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận như hiện nay, chị Bùi Thị Nguyệt ở thôn Tây Giang, xã Bình Sa (Thăng Bình) đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, để sản phẩm có mặt khắp cả nước.
Dầu tràm Linh Vũ được bình chọn 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng năm 2016. Ảnh: BIÊN THỰC |
Để có một sản phẩm dầu tràm nguyên chất được Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm thuộc Sở Y tế Đà Nẵng kết luận chất lỏng trong, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc biệt, chị Bùi Thị Nguyện phải tốn rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Lá dầu tràm được thu mua của người dân với giá 4.000 đồng/kg, sau đó được cho vào nồi nấu với lửa đều sau 5 - 6 giờ liên tục để lá chín. Khi đó, tinh dầu trong nồi nấu sôi lên bốc hơi, khí bay theo ống dẫn đến can nhựa được ngâm trong nước lạnh. Nhiệt độ giảm sẽ làm khí nguội tạo thành tinh dầu tràm. Với giá bán sỉ 120.000 đồng/chai 100ml, mỗi tháng chị Nguyệt có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng.
Theo chị Nguyệt, để được kết quả như hôm nay, chị đã từng thất bại nhiều lần với các ngành nghề khác nhau. Sau khi lập gia đình, chị Nguyệt đi làm công nhân may nhưng thu nhập không bao nhiêu. Đầu năm 2013, chị Nguyệt bàn với chồng mở một cơ sở gia công may mặc nhỏ tại gia đình, thu hút 10 lao động tại địa phương với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở đi vào hoạt động được 2 năm, lúc này Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) bắt đầu đi vào hoạt động, thế là lao động tại cơ sở chị lần lượt theo chân vào khu công nghiệp. Vì vậy, vốn liếng đầu tư gần 100 triệu đồng đành bỏ vào kho. Trong khoảng thời gian thất nghiệp, chị Nguyệt ra Huế thăm bà con vào tháng 8.2015. Tại đây, chị được tham quan một số cơ sở nấu dầu tràm. Điều đặc biệt, cây tràm cũng có trên đất Quảng Nam và được thương lái tìm đến thu mua chuyển ra làm nguyên liệu. Vậy là chị chịu khó ở thêm vài ngày nữa để học nghề nấu dầu tràm.
Sau chuyến đi Huế ấy, chị Nguyệt quay về mày mò trên internet để tìm hiểu thêm các công đoạn nấu dầu tràm và chị bắt đầu với 2 lò nấu đầu tiên. Những mẻ dầu tràm tuy thành công như lượng tinh dầu ít hơn do lúc này chị chưa có kinh nghiệm trong việc chọn nguyên liệu. Sau này, khi có một chút kinh nghiệm về cách thức chọn nguyên liệu cây lá tràm nên lượng dầu thu được chất lượng và nhiều hơn. Để mọi người biết đến dầu tràm của mình, chị Bùi Thị Nguyệt đặt nhãn hiệu Linh Vũ. Đến năm 2016 nhãn hiệu Linh Vũ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “ Nhãn hiệu ưa dùng”; Tạp chí Công Thương trao cúp và giấy chứng nhận đầu tràm Linh Vũ được người tiêu dùng bình chọn 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng. Chị Nguyệt cho biết: “Đây là cơ hội và cũng là thách thức không nhỏ, bởi để duy trì sản phẩm uy tín là cả một quá trình. Dự định trong thời gian đến, tôi sẽ chuyển sang nấu bằng điện chứ không bằng thủ công như bây giờ”.
Theo chị Chị Bùi Thị Chi - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Sa, khi mới đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Lúc đó, Hội LHPN xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình cho chị Bùi Thị Nguyệt vay 42 triệu đồng để đầu tư cơ sở sản xuất. Hiện tại, chị Nguyệt đã trả hết số nợ vay. “Trong thời gian đến, nếu chị Bùi Thị Nguyệt có nhu cầu vay vốn để mở rộng cơ sở, Hội LHPN xã sẽ đồng hành với chị trong việc hỗ trợ vay vốn. Chúng tôi đang khuyến khích, không chỉ giúp đỡ hộ phụ nữ làm ăn phát triển kinh tế, mà còn giúp họ khởi nghiệp” - chị Bùi Thị Chi nói thêm.
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC