Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của Duy Xuyên từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản..., nên đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín và giá trị kinh tế.
Nhận thấy khả năng phát triển của cơ sở bánh Lợi Phổ (thôn An Lạc, xã Duy Thành), năm 2017 chính quyền địa phương và các ngành liên quan của huyện Duy Xuyên khuyến khích ông Huỳnh Tấn Ánh đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Đến cuối năm 2020, sản phẩm bánh dẻo Lợi Phổ của hộ ông Ánh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và đang phấn đấu nâng lên 4 sao. Kết quả này góp phần tăng thêm uy tín đối với sản phẩm, tạo cơ hội mở rộng thị trường.
“Ban đầu, cơ sở của tôi chủ yếu sản xuất các loại bánh truyền thống như bánh in bột nếp, bánh bắp, kẹo ú... để bán trong vùng. Dần dà cơ sở mở rộng quy mô sản xuất. Thời gian qua, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 170 triệu đồng, để trang bị thêm các loại máy xay bột, máy ép bánh, lò sấy điện, máy đóng gói sản phẩm..., nhờ đó nâng cao năng lực sản xuất, mẫu mã sản phẩm.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 400 sản phẩm bánh, doanh thu hơn 5,5 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động” - ông Ánh chia sẻ.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Ánh, ngoài các loại bánh truyền thống lâu nay, cơ sở Lợi Phổ còn đầu tư máy móc, sản xuất thêm sản phẩm mới là bánh dừa nướng. Và nay loại bánh này đã trở thành một trong những sản phẩm chủ lực giúp cơ sở duy trì sản xuất và đưa thương hiệu Lợi Phổ đi khắp các vùng miền trong nước.
Thời gian qua, các sản phẩm OCOP khác của huyện Duy Xuyên cũng từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Ông Đoàn Công Minh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, địa phương hiện có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm chổi đót Nhất Tuấn, dầu mè đen xứ Quảng, bánh dẻo Lợi Phổ, bánh tráng Hải An, tượng điêu khắc gỗ vũ nữ Apsara và 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao gồm nước mắm Duy Trinh, khăn lụa Mã Châu, quạt gỗ Ngũ phụng tề phi.
Những năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ cho các chủ thể tham gia thực hiện chương trình OCOP hơn 1,6 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Với số tiền vừa nêu, các chủ thể chủ yếu đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu...
“Năm 2021 này, Duy Xuyên phấn đấu có thêm 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm bột ngũ cốc Duy Anh, mắm ruốc Duy Trinh, trứng gà ác Duy Trinh, gạo tím Duy Vinh. Đồng thời nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao đối với sản phẩm tượng vũ nữ Apsara” - ông Minh nói thêm.
Theo ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được quan tâm hơn đến mẫu mã, bao bì, nhất là áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Duy Xuyên đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối đối tác OCOP… Từ đó, tạo ra những giá trị mới, sản phẩm mới chất lượng hơn, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.