Đầu tư có trọng điểm

QUANG VIỆT - HỮU PHÚC (thực hiện) 26/03/2015 08:33

Hôm nay 26.3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. Nhân dịp này, ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình khẳng định:

Chặng đường 40 năm qua có được thành tựu quan trọng  trước hết, đó là bảo vệ được thành quả cách mạng, xây dựng được nền quốc phòng toàn dân, ổn định chính trị và giữ vững trật tự xã hội; gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách xã hội được chăm lo chu đáo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, mục tiêu đặt ra đến hết năm 2015 còn dưới 6%; tăng tỷ lệ hộ khá, giàu. Với sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế những năm qua, năm 2015 Thăng Bình đặt mục tiêu đạt tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế gần 8.800 tỷ đồng, trong đó dịch vụ đạt 3.822 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng 2.683 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Thăng Bình gắn biển công nhận công trình kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương tại Nhà máy May Thăng Bình. Ảnh: MINH HẢI
Lãnh đạo tỉnh và huyện Thăng Bình gắn biển công nhận công trình kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương tại Nhà máy May Thăng Bình. Ảnh: MINH HẢI

Những năm qua, Thăng Bình đã tạo dựng cơ sở vật chất tương đối vững chắc làm nền tảng phát triển, nổi bật là hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cả giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế... Hệ thống an sinh xã hội bảo đảm phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Nguồn nhân lực tăng cả số lượng và chất lượng. Huyện đã phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn hình thành và hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Nhân dân tin tưởng, đồng thuận vào đường lối, chủ trương của Đảng.

- PV: Đến thời điểm này, lĩnh vực nông nghiệp của huyện đã phát triển mạnh với việc hình thành các cánh đồng mẫu và sản xuất hàng hóa. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả sản xuất của ngành?

- Ông Phan Nghĩa:  Hình thành và phát triển cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung là sự phát triển đúng hướng của huyện. Trong số 34 cánh đồng mẫu được quy hoạch, đã hình thành hơn 10 cánh đồng mẫu, tiêu biểu có các cánh đồng sản xuất lúa giống Tú Ngọc B (Bình Tú) với diện tích 55ha; cánh đồng sản xuất đậu phụng Bình Nam 40ha, cánh đồng Hiền Lương ở Bình Giang 200ha; cánh đồng Mùn ở Bình Chánh 45ha; hay như cánh đồng Quý Hương của Bình Quý 50ha. Trung bình hằng năm, nhiều cánh đồng liên kết với các công ty giống cây trồng sản xuất lúa giống với tổng diện tích hơn 500ha đã giúp tăng 30% giá trị thu nhập cho nông dân. Giá trị sản phẩm trên một héc ta trồng trọt của huyện đạt hơn 60 triệu đồng/năm, đặc biệt có một số diện tích thu hơn 100 triệu đồng. Cùng với đầu tư thâm canh, bảo đảm giống chất lượng, nguồn nước tưới, thì việc cơ giới hóa đồng ruộng, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, giống chất lượng cao được coi trọng.

Trong nuôi trồng thủy sản, giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt hơn 400 triệu đồng/năm cũng nhờ vào sử dụng con giống tốt, biết tuân thủ quy trình kỹ thuật và công nghệ nuôi trồng.

Lãnh đạo huyện tại buổi lễ gắn biển công trình tuyến ĐH4 (Bình An - Bình Quế) nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. Ảnh: Q.VIỆT
Lãnh đạo huyện tại buổi lễ gắn biển công trình tuyến ĐH4 (Bình An - Bình Quế) nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. Ảnh: Q.VIỆT

- PV: Các giải pháp thu hút đầu tư được tích cực thực hiện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Thăng Bình có các định hướng và giải pháp gì tiếp theo trong thời gian đến, thưa ông?

- Ông Phan Nghĩa: Đến thời điểm này, trong số 38 dự án đã và đang triển khai, xúc tiến đầu tư tại huyện, có các dự án lớn, khả quan như Nhà máy Chế biến thức ăn gia cầm của Tập đoàn ISE (Nhật Bản) với vốn đầu tư 50 triệu USD, hay đầu tư  sản xuất điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Arman Hoiding (Nga) với vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD. Thăng Bình cũng đang tập trung phát triển ngành may mặc, chế biến sợi, đồ gỗ mỹ nghệ, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng sạch, chế biến nông - lâm - hải sản sử dụng nguyên liệu địa phương..., trong đó tạo điều kiện để phát triển chế biến thủy sản tập trung. Ngoài ra, chú trọng phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với các sản phẩm đặc trưng như mây tre đan, làm hương, nước mắm, bún phở khô.

Thăng Bình sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thành quy hoạch các cụm - điểm công nghiệp, bố trí quỹ đất sạch để thu hút mạnh đầu tư. Huyện coi trọng đầu tư vào khu vực nông thôn, qua đó vừa chuyển dịch cơ cấu lao động vừa  nâng cao thu nhập hộ gia đình. Địa phương tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế đi đôi tinh giản thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời đề xuất cấp trên nâng Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được thành khu công nghiệp.

- PV: Với điều kiện đặc thù của mình, Thăng Bình tổ chức sản xuất thế nào đối với các vùng đông, trung tâm và phía tây huyện?

- Ông Phan Nghĩa: Thăng Bình có 3 vùng rõ rệt, đều phát triển nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhưng mỗi vùng được xác định quy mô, trọng điểm để hỗ trợ đầu tư và áp dụng các cơ chế phát triển phù hợp. Vùng đông tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản và phát triển làng nghề nước mắm. Ở khu vực này, huyện tập trung các ngành công nghiệp phụ trợ (may mặc, điện tử, cơ khí) tại Bình Nam, Bình Sa, kết nối với Khu công nghiệp Tam Thăng của Tam Kỳ. Huyện nghiên cứu, quy hoạch xây dựng các khu đô thị tại Bình Dương, Bình Minh, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Nam An tại xã Bình Minh. Đối với vùng trung, chú trọng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Huyện đang hình thành các cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất lúa cao sản chất lượng cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng sạch, ngành may mặc, sợi, mây tre, đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu... Phấn đấu lấp đầy các Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên - Quán Gò, phát triển dịch vụ dọc hành lang các tuyến quốc lộ 1, 14E, đường tỉnh, đường huyện, các khu vực trung tâm, thị tứ... Riêng với vùng tây, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi bò lai sind, phát triển cây cao su, cây lâm nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất bún phở khô, bánh đa nem... Đồng thời phát triển các loại hình du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng sông núi, hồ đập.

- P.V: Trân trọng cám ơn ông!

QUANG VIỆT - HỮU PHÚC (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư có trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO