Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp là yêu cầu bức thiết của TP.Tam Kỳ nhằm nâng cao đời sống nhân dân và giải quyết các vấn đề mới là mục tiêu đặt ra tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP.Tam Kỳ vừa qua.
Tín hiệu đáng mừng
TP.Tam Kỳ có 4 xã và 9 phường, song số lượng hộ dân sinh sống bằng nông nghiệp khá lớn, thậm chí một số phường như An Phú, Trường Xuân hay Hòa Hương nông nghiệp chiếm tỷ trọng chính trong nền kinh tế địa phương. Vì vậy, khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, Tam Kỳ đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm chuyển dịch nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị năng suất cao nhằm nâng cao mức sống cho người dân làm nông nghiệp. Một trong những chính sách đáng chú ý là đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007 - 2015. Theo ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, nhờ đề án này, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua đạt được nhiều kết quả nhất định. Năm 2015, nông nghiệp chiếm 2,7% trong tỷ trọng toàn ngành kinh tế thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chủ trương chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sản xuất hàng hóa, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Chẳng hạn, diện tích lúa chất lượng cao hiện chiếm 40%. Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh tại các địa phương: 4ha rau quả thực phẩm tại phường Trường Xuân; 5ha hành, 70ha dưa hấu ở Tam Thăng; 30ha dưa leo, dưa gang ở Tam Phú; 30ha hoa, rau màu ở Tam Ngọc…
Tập trung phát triển chăn nuôi tập trung ở vùng ven đô. Ảnh: ĐIỆN NGỌC |
Để phát triển nền nông nghiệp theo đúng định hướng, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đã được triển khai thực hiện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố đã đầu tư lồng ghép từ nhiều nguồn với số tiền lên đến 197 tỷ đồng cho 4 xã Tam Thăng, Tam Ngọc, Tam Thanh và Tam Phú. Đến nay, bộ mặt nông thôn, nông nghiệp và đời sống người dân của các địa phương đã có sự khởi sắc; trong đó 2 xã Tam Ngọc và Tam Thăng đã được công nhận là xã nông thôn mới. Thành phố cũng đã quan tâm đầu tư hơn 34 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp như cải tạo đồng ruộng, xây dựng các công trình thủy lợi, bê tông hóa kênh mương, đập; tích cực đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp; góp phần quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho bà con nông dân. Đặc biệt, UBND thành phố đã ban hành cơ chế 05 (Quyết định 05, ngày 2.12.2008) về hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị. Giai đoạn 2007 - 2015, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho bà con nông dân là 1,4 tỷ đồng, góp phần cho chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 10 vừa qua, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, HĐND TP.Tam Kỳ cũng đã mổ xẻ những tồn tại, yếu kém và thông qua định hướng, giải pháp phát triển giai đoạn 2016 - 2020 nhằm nâng cao chất lượng nền nông nghiệp thành phố, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Theo đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020, định hướng trong 5 năm đến là hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chú trọng phát triển mạnh sản xuất rau, củ, quả thực phẩm sạch, hoa, cây cảnh. Trong đó, ngành trồng trọt sẽ bao gồm 4 nhóm đối tượng sản xuất chính là xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao (120ha); sản xuất rau, củ quả thực phẩm (21ha); hoa, cây cảnh (9ha); chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn như bắp, đậu phụng (80ha). Với ngành chăn nuôi, tập trung phát triển nuôi bò, gà ở các khu tập trung vùng ven đô, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, thành phố còn đưa ra một số cơ chế, chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho các cá nhân, tổ hợp tác phát triển sản xuất. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đến tính khả thi và hiệu quả của đề án, được coi là đòn bẩy giúp nông dân an tâm đầu tư cũng như có điều kiện để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, lần đầu tiên Tam Kỳ đưa ra chính sách hỗ trợ hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết làm ăn với doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, bế tắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm; xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với cơ cấu ngành nghề của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ, mục tiêu của cơ chế, chính sách mà thành phố thông qua sẽ tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, bền vững cho nền nông nghiệp dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thương mại - dịch vụ nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân. Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, TP.Tam Kỳ cũng đã dành nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 86 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 48,7 tỷ đồng, ngân sách thành phố gần 38 tỷ đồng, ngân sách xã, phường và người dân là 9,4 tỷ đồng. Cạnh đó, ngân sách thành phố hỗ trợ cho người dân đầu tư phát triển nông nghiệp là 5,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lúa cũng cho hay, thời gian tới thành phố sẽ thành lập trung tâm kỹ thuật nông nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân thực hiện các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các loại rau, củ, quả thực phẩm sạch, hoa, cây cảnh.
XUÂN PHÚ