Mặc dù đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách nhưng hiện công tác quảng bá du lịch ở Quảng Nam vẫn chưa bài bản, chưa dành nguồn lực đúng mức để đầu tư và thiếu cả những ý tưởng để tạo ra cái nhìn mới mẻ cho du khách, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Quảng Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm 30 - 35%. Và chỉ trong vòng 6 tháng qua, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt 2 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015. Ngành du lịch Quảng Nam đã vươn ra thế giới thông qua nhiều kênh quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các sự kiện văn hóa, du lịch lớn. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng thừa nhận vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết. Kết quả điều tra mới đây của Sở VH-TT&DL cho thấy Hội An dường như chỉ là điểm đến cuối cùng trong chuyến du lịch của khách khi 95% du khách được khảo sát cho rằng đã thăm thú nơi khác trước khi đến phố cổ và rất ít du khách lên miền tây.
Khách đến Quảng Nam ngày càng gia tăng nên cần có chiến lược quảng bá hiệu quả hơn. Ảnh: T.D |
Giới doanh nghiệp du lịch cho hay nhiều năm qua thiếu các đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường du lịch Quảng Nam một cách thường xuyên và chuyên nghiệp, chỉ có hoạt động nhỏ lẻ là đánh giá cơ cấu khách. Quảng bá, xúc tiến du lịch ít nhiều đã xã hội hóa, nhưng vẫn phát triển theo kiểu “nóng đâu phủi đó” nên chưa thể tạo ra một chiến lược quảng bá dài hạn và rộng khắp. Các sự kiện APEC, cuộc thi hoa hậu hoàn vũ, hoa hậu trái đất hay hợp xướng quốc tế mới đây tại Hội An… vẫn chỉ là chất xúc tác. Các sự kiện văn hóa, du lịch lớn như “Hành trình di sản”, “Cảm xúc mùa hè”… hay nhiều đợt xúc tiến ra thị trường nước ngoài, đón các đoàn famtrip, presstrip; xây dựng các loại sản phẩm quảng bá du lịch (ấn phẩm, phim ảnh, sản phẩm lưu niệm và nhiều sản phẩm du lịch đặc hiệu…) vẫn như “bổn cũ soạn lại”. Thiếu tiền và thiếu cả sự “đổi mới, sáng tạo” nên quảng bá du lịch vẫn không đạt như ý muốn và chưa thể tạo thêm cái nhìn mới mẻ cho du khách...
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay Hội An, Mỹ Sơn dù đã có danh phận nhưng loại hình và sản phẩm du lịch vẫn thiếu sự phong phú, chất lượng không đồng đều và khả năng cạnh tranh thấp. Không ít doanh nghiệp than phiền do thiếu quảng bá nên rất bối rối trong kế hoạch kinh doanh. Thực tế, ngân sách nhà nước đầu tư cho quảng bá du lịch rất ít ỏi. Hiện rất khó để đánh giá có hiệu quả hay không về việc quảng bá du lịch tại Quảng Nam. Nếu căn cứ vào lượng khách (cơ sở để đo lường của quảng bá, xúc tiến du lịch) thì không thể nói việc quảng bá của Quảng Nam yếu và thiếu vì lượng khách năm nào cũng gia tăng đáng kể. Quảng bá phải có địa chỉ, thị trường cụ thể chứ không thể đem tiền “bắn đại, bắn lung tung”. Không phải cứ mở nhiều cuộc xúc tiến, in ra nhiều sách giới thiệu… hay có tiền mà không có kế hoạch thì cũng không thể quảng bá hiệu quả.
Đó là câu chuyện của cơ quan quản lý, còn doanh nghiệp, chuyên gia du lịch có thêm góc nhìn khác. Một phần họ đồng ý với cách nhìn của cơ quan quản lý, nhưng khẳng định rằng chính sự thiếu tiền và thiếu ý tưởng, thiếu cả sự “đổi mới, sáng tạo” nên dù muốn thì quảng bá du lịch vẫn không đạt như ý. Ngay cả khi đường bay Inchon - Đà Nẵng hay nhiều đường bay trực tiếp đến miền Trung đã mở, giới lữ hành và cơ quan chủ quản du lịch Quảng Nam lên kế hoạch quảng bá vào thị trường này nhưng thiếu tài chính nên đành phải chờ đợi. Có kế hoạch, có đề án xúc tiến, có sáng tạo, đổi mới… nhưng không có tiền thì mọi kế hoạch chỉ mãi nằm trên giấy. Mọi cuộc bàn thảo sẽ chỉ để làm vui và quảng bá du lịch sẽ vẫn cứ “nóng đâu phủi đó”!
Theo nhận định của nhiều người, việc ghi danh vào danh sách di sản thế giới chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực gìn giữ các tài sản vô giá này cho các thế hệ tương lai. Nỗ lực bảo tồn, quảng bá giá trị di sản là công việc lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với sự tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, các ban quản lý và doanh nghiệp. Phil Harman - chuyên gia du lịch của Tổ chức Tư vấn phát triển Hà Lan (SNV) cho rằng ý tưởng, kế hoạch quảng bá du lịch Quảng Nam là quan trọng, nhưng rất cần hình thành trên thực tiễn. Cần dựa vào việc phân tích thị trường để đưa ra chiến lược quảng bá. Đưa ra thông điệp truyền thông cho khách hiểu lý do để họ đến, trở lại Hội An, Quảng Nam, thay vì đến nơi khác. Bởi trên thực tế, khoảng 50% chi phí xúc tiến quảng bá bị mất đi. Ngay cả người xúc tiến quảng bá cũng không biết lượng tiền này “biến mất” ở đâu!
Không khó để thức nhận rằng chính việc thiếu tiền và thiếu cả ý tưởng nên quảng bá du lịch Quảng Nam vẫn chưa thể đạt được hiệu quả so với tiềm lực hiện có. Rất cần một chương trình, kế hoạch để thích ứng và việc quảng bá, xúc tiến cần những thông tin chất lượng hơn.
TRỊNH DŨNG