“Rộng thình thình như cái đình Trà Luông”, là câu cửa miệng của nhiều người khi nhắc về ngôi đình mang sắc màu huyền sử, liên quan đến nhân vật Thầy Lánh - người được nhân dân phong thần bởi đức độ cao dày, phép thuật tinh thông. Ngôi đình này từng tọa lạc tại làng Diêm Trà (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành), dấu vết hiện vẫn còn vương trong những lớp đất đá phủ mờ và qua ký ức của người dân địa phương.
Ký ức đình làng
Đang bí đường khi tìm một nhân vật tận mắt chứng kiến ngôi đình Trà Luông “rộng thình thình” thuở nào thì tôi may mắn gặp được ông Trần Hoàn (88 tuổi, trú phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) tại một nhà người quen. Ông Hoàn tình cờ góp chuyện về đình Trà Luông như muốn giải tỏa ký ức, bởi quá lâu không ai đụng đến.
Ông Hoàn kể, lúc 7 hay 8 tuổi gì đó, ông theo cha mẹ đi trốn canh nông của giặc Pháp, có ghé lại ngôi đình Trà Luông tá túc một đêm. Ông nói như vẻ hối tiếc bởi đáng lẽ người ta phải lên núi trốn canh nông còn gia đình ông thì lại chọn vùng ven biển, nơi sát cửa sông Trường Giang với sông Tam Kỳ để chạy đến, địa thế này rất dễ hứng bom, cũng may gia đình không hề hấn gì. Bởi vậy, in đậm trong ký ức ông là ngôi đình “có một không hai, rộng rãi, uy nghi” mọc lên ở vùng cát heo hút Diêm Trà.
“Gia đình tôi chạy đến đây lúc chập choạng tối, được người dân chỉ vào núp ở ngôi đình. Tôi còn nhớ mình ngồi ở chái đình, tựa đầu vào thềm ngủ gà ngủ gật chờ trời sáng. Ngôi đình to, mái cong vút, có những cột gỗ đen sì. Mà người ta đến đây đông lắm, nam phụ lão ấu có cả, thời loạn lạc mà...” - ông Hoàn kể.
Theo ông Trần Chung, Thầy Lánh được nhân dân địa phương thường gọi là Đức Thầy (hay còn gọi là Thầy Thím), được cho là người họ Nguyễn Văn ở Tam Tiến. Tích xưa lưu truyền, tuổi thơ gặp cảnh đau thương vì mồ côi cha mẹ, lớn lên ông có phép thuật tinh thông và dùng để giúp đời. Sau vụ trộm đình làng Trà Luông, ông cỡi mây bay về phương Nam, tiếp tục trợ giúp dân lành. Tại Hàm Tân (Bình Thuận) hiện vẫn còn đền thờ Thầy Lánh.
Đình Trà Luông qua ký ức nhạt nhòa của ông Hoàn được nhiều người biết đến với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Tương truyền, đó là công trình do Thầy Lánh “ăn trộm” ở Duy Xuyên mang về vì thương dân lành không có chỗ cúng tế trang trọng.
Sự việc ngay sau đó bị phát hiện, người dân ở Duy Xuyên mất đình vào tìm thì thấy đúng là công trình này, nhưng bí bầu đã phủ lên xanh um, “đuối lý” nên không dám nhận. Cho bầu bí phủ lên sau chỉ một đêm là phép thuật của Thầy Lánh để “hợp thức hóa” ngôi đình này.
Ngoài chuyện “ăn trộm” ngôi đình, hình ảnh Thầy Lánh còn được kể qua nhiều câu chuyện thực hư với sự mô tả dáng vóc một người phi thường, có tài dụng phép biến hóa khôn lường...
Đi tìm dấu vết
Chúng tôi tìm đến khu vực được cho là nơi tọa lạc đình Trà Luông, đường vào quanh co, nhỏ hẹp, men theo những hàng rào gai tre khô khốc. Rẽ những chùm cây bụi sát hàng rào gai, ông Nguyễn Xuân Thập (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến, hiện trú thôn Diêm Trà) đưa mắt để mọi người nhìn theo và chỉ đến một cái giếng cổ nằm trong khuôn viên ngôi đình.
Miệng giếng sát mặt đất, hình vuông, mỗi cạnh khoảng 1m, chất bằng những viên gạch thẻ xám xịt. Giếng sâu khoảng 3m, đã cạn nước. Cách đó không xa, trên một mô đất tương đối rộng rãi, dưới bóng những cây si già, một công trình được xây dựng kiểu cấp 4, mái hiên lợp tôn khung sắt.
Ông Thập nói sau khi đình Trà Luông bị phá hoại vì sợ giặc Pháp đánh bom, người dân địa phương vẫn thường niên cúng tế tại đây. Năm 2010, người dân chung tiền xây dựng ngôi miếu này làm nơi thờ tự.
Trước tấm bia của ngôi miếu, ông Thập lật một tảng đá nằm vất vưởng rồi phủi sạch đất. Ông nói đây là hòn đá tán của chân trụ đình, trong khuôn viên ngôi miếu này vẫn còn rất nhiều tảng đá như vậy.
Ông Trần Chung (80 tuổi, trú thôn Diêm Điền) cho biết thêm, ông nghe cha mình kể lại đình Trà Luông có khoảng 30 cây cột mít một vòng tay người ôm, có 3 tầng, tầng dưới gồm 3 căn lớn, xây bằng vôi, lợp ngói âm dương. Nhà tự sau đình rất rộng với 7 căn, có thể chứa hàng trăm người vào đồn trú. “Hồi kháng chiến 1, tại ngôi đình này là nơi tổ chức bình dân học vụ” - ông Chung nói.
Ông Bùi Duy Thành (nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Diêm Điền) cho biết, lúc ông còn dạy học và làm hiệu trưởng ngôi trường này (từ năm 1975 - 1989) đã thấy những dãy bàn học sinh được đóng bằng gỗ mít, mặt rộng khoảng 50 phân. Người dân địa phương cho biết, đó là những miếng gỗ mít được xẻ ra từ những cột đình. Những chiếc bàn này hiện nay không còn vì cơ sở vật chất của nhà trường thay đổi sau nhiều lần được đầu tư.
Trường Tiểu học Diêm Điền hiện nay rất khang trang, cũng như vùng cát heo hút này, giờ đây những mái nhà kiên cố san sát mọc lên theo đường bê tông quanh làng. Tại Diêm Điền, dấu vết của đình Trà Luông phủ mờ bụi thời gian trong khoảnh đất là nơi tọa lạc xưa kia, với hướng nhìn ra cánh đồng tôm đang tung bọt nước mịt mù!