Dây dưa nợ nông thôn mới

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN SỰ 05/03/2017 06:43

Việc thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh là một trong những khâu hết sức quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, nhiều địa phương rơi vào tình trạng nợ nần dây dưa, khó xử lý dứt điểm.

PHÁT SINH TỪ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ bản và xử lý nợ đọng thuộc chương trình NTM tại nhiều địa phương vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế…

Phần lớn nợ đọng xây dựng cơ bản tập trung ở cấp xã (ảnh minh họa).Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Phần lớn nợ đọng xây dựng cơ bản tập trung ở cấp xã (ảnh minh họa).Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Nợ đọng lớn

Ông Đỗ Văn Pháp - Chủ tịch UBND xã Quế Bình (Hiệp Đức) cho biết, địa phương là một trong 3 xã được huyện chọn triển khai thí điểm chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình này, Quế Bình chỉ đạt 2 tiêu chí, đến cuối năm 2015, địa phương đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí, chính thức được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2011 - 2015, địa phương đầu tư hơn 43 tỷ đồng cho chương trình, trong đó phần lớn nguồn kinh phí ưu tiên thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu. Qua rà soát và thống kê thì tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của xã khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong đó, phần nợ của ngân sách trung ương, tỉnh, huyện khoảng 2,3 tỷ đồng; còn lại khoảng 1,2 tỷ đồng là phần nợ của xã. Ông Pháp nói: “Từ đầu năm 2016 đến nay, ngân sách cấp trên đã giải quyết xong khoản nợ 2,3 tỷ đồng nhưng còn khoản nợ 1,2 tỷ đồng của xã thì chính quyền địa phương vẫn chưa thể xử lý được do nguồn thu ngân sách ở xã quá ít ỏi”. Ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng số nợ đọng xây dựng NTM tại 3 xã điểm của huyện gồm Quế Bình, Quế Thọ, Bình Lâm là hơn 10 tỷ đồng. Thời gian qua, phần nợ hơn 7 tỷ đồng của ngân sách trung ương, tỉnh, huyện đã trả xong; hiện nay, còn lại hơn 3 tỷ đồng thuộc về phần nợ của những xã vừa nêu thì chưa thể giải quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại hàng loạt nơi là giai đoạn 2011 - 2015 nhiều địa phương thi công kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh quá dàn trải và với nguồn kinh phí khá lớn. Trong khi đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình NTM còn hạn chế; khả năng huy động các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân đóng góp không cao; việc lồng ghép các kênh vốn từ những chương trình, dự án khác cho việc xây dựng hạ tầng nông thôn chưa thực sự linh hoạt và hiệu quả. Mặt khác, công tác quyết toán dự án hoàn thành tại nhiều xã còn rất chậm, đến ngày 30.11.2016 cả tỉnh vẫn còn 184 công trình chưa quyết toán, trong đó Phú Ninh, Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn là 5 địa phương có số lượng nhiều nhất. Thậm chí, có một số công trình không còn hồ sơ để quyết toán.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 62 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm qua Quảng Nam tiếp tục đầu tư gần 2.356 tỷ đồng cho chương trình này, lũy kế giai đoạn 2011 - 2016 toàn tỉnh đã huy động gần 19.275 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó chủ yếu ưu tiên thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì đến cuối năm ngoái tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của những xã tham gia thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2011 - 2015 gần 165,8 tỷ đồng (cấp tỉnh nợ gần 3 tỷ đồng, cấp huyện nợ 67,3 tỷ đồng, cấp xã nợ hơn 95,4 tỷ đồng). Trong đó, nợ công trình đã quyết toán 83,5 tỷ đồng và nợ công trình chưa quyết toán gần 82,3 tỷ đồng. Ông Lê Muộn nhìn nhận: “Nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2015 tại một số địa phương còn nhiều nhưng chậm chỉ đạo xử lý. Đặc biệt, có không ít nơi như Phú Ninh, Đại Lộc, Tây Giang, Thăng Bình, Tam Kỳ để nợ đọng quá lớn, chưa xác định nguồn để thanh toán, nhất là nợ của cấp xã”.

Cần xây dựng lộ trình trả nợ

Theo kế hoạch, năm 2017 này Quảng Nam sẽ chi thêm 2.422 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM và phấn đấu có thêm 9 - 10 xã về đích. Theo ông Lê Muộn, đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thời gian tới lãnh đạo các địa phương cần căn cứ vào định hướng trong quy hoạch xã NTM và đề án xây dựng xã NTM, chỉ đạo các địa phương lựa chọn để ưu tiên làm trước những công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, môi trường, trường học, trạm y tế...

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương nên đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác tối đa các nguồn lực tài chính, đặc biệt là linh hoạt lồng ghép những kênh vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn xây dựng cơ bản tập trung và vốn từ các cơ chế, chính sách hiện hành... để thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là ở thôn xóm gắn với việc chỉnh trang, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, để việc đầu tư xây dựng cơ bản mang lại hiệu quả cao, hạn chế những thiếu sót, sai phạm thì cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chương trình NTM.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các địa phương về việc triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng nếu so với nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước thì khoản nợ đọng gần 165,8 tỷ đồng của Quảng Nam trong xây dựng cơ bản giai đoạn 2011 - 2015 là không lớn, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải khẩn trương đẩy nhanh việc quyết toán những dự án đã hoàn thành, trên cơ sở đó rà soát, xác định chính xác số nợ đọng. Xây dựng cụ thể kế hoạch, lộ trình trả nợ theo hướng ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi dành vốn cho các dự án khởi công mới. Đồng thời sớm phân chia khoản thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất cho cấp xã theo quy định để tạo nguồn cho ngân sách xã chủ động xử lý nợ đọng…

PHÚ NINH TẬP TRUNG TRẢ NỢ

Để giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản giai đoạn 2011 - 2015 thuộc chương trình nông thôn mới (NTM), chính quyền huyện Phú Ninh đã đưa ra một số giải pháp để tập trung xử lý, kiên quyết không để phát sinh thêm kể từ năm 2017.

Nhờ ưu tiên thi công kết cấu hạ tầng nên giờ đây diện mạo nông thôn của Phú Ninh đã thực sự khởi sắc. Ảnh: VĂN SỰ
Nhờ ưu tiên thi công kết cấu hạ tầng nên giờ đây diện mạo nông thôn của Phú Ninh đã thực sự khởi sắc. Ảnh: VĂN SỰ

Nợ nhiều nhất tỉnh

Năm 2010 Phú Ninh được trung ương và tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng huyện NTM. Đến cuối năm 2015, toàn huyện có 8/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn và ngày 31.3.2016 được Thủ tướng Chính phủ công nhận Phú Ninh đạt chuẩn huyện NTM. Trong năm 2016 vừa qua, 2 xã còn lại của huyện là Tam Lộc, Tam Lãnh cũng thực hiện hoàn thành bộ 19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – Trưởng phòng Tài chính & kế hoạch huyện Phú Ninh cho hay, trong giai đoạn 2011 - 2015 tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện là gần 191,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 31.12.2015, giá trị khối lượng thực hiện hoàn thành được nghiệm thu, chấp nhận thanh toán là hơn 176,7 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước hơn 153,5 tỷ đồng, vốn đóng góp của cộng đồng xấp xỉ 23,2 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015 tổng vốn ngân sách nhà nước đã bố trí, thanh toán gần 114 tỷ đồng và số nợ xây dựng cơ bản còn phải trả hơn 39,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương, tỉnh gần 7,8 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 10,5 tỷ đồng; ngân sách cấp xã hơn 21,2 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, trong tổng vốn đầu tư phát triển của kế hoạch năm 2017, ngân sách huyện Phú Ninh đã bố trí hơn 3,4 tỷ đồng để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, giảm hơn 50% số nợ thuộc ngân sách huyện. Còn đối với cấp xã, thời gian tới sẽ cố gắng tập trung huy động nguồn lực từ việc thu tiền sử dụng đất để bố trí thanh toán, giảm nợ theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh.

Trước tình trạng nợ xây dựng cơ bản giai đoạn 2011 - 2015 nhiều nhất tỉnh, trong năm 2016 UBND huyện Phú Ninh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước về tăng cường chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư và xây dựng cụ thể phương án, lộ trình xử lý các khoản nợ, nhất là nợ đọng trước ngày 31.12.2014. Báo cáo tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2016 và triển khai những giải pháp trọng tâm năm 2017 do UBND tỉnh vừa tổ chức, ông Nguyễn Phi Thạnh – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, năm qua chính quyền huyện Phú Ninh đã huy động các nguồn lực để giảm nợ xây dựng cơ bản trong chương trình xây dựng NTM. Theo đó, tính đến ngày 31.12.2016 ngân sách các cấp đã bố trí hơn 11,7 tỷ đồng để thanh toán nợ của giai đoạn 2011 - 2015, giảm 30% tổng số nợ. Trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh bố trí hơn 6,9 tỷ đồng/gần 7,8 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 3,7 tỷ đồng/hơn 10,5 tỷ đồng; ngân sách cấp xã hơn 1,1 tỷ đồng/hơn 21,2 tỷ đồng. Như vậy, hiện nay Phú Ninh còn nợ đọng hơn 27,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương và tỉnh 875 triệu đồng, ngân sách huyện hơn 6,8 tỷ đồng, ngân sách cấp xã hơn 20,1 tỷ đồng. Ông Thạnh nói: “Tuy đã được tập trung giải quyết nhưng nợ vẫn còn nhiều so với khả năng cân đối của ngân sách, trong đó khoản nợ của ngân sách cấp xã còn khá lớn nhưng chậm được xử lý, đặc biệt là một số xã có nguy cơ mất khả năng cân đối trong thanh toán nợ”.

Không để phát sinh nợ

Ông Nguyễn Phi Thạnh cho biết, thời gian tới UBND huyện sẽ quyết liệt chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn đầu tư. Đặc biệt, xây dựng phương án và lộ trình xử lý các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp về huy động vốn để xử lý, khắc phục sớm tình trạng nợ đọng trong những năm qua thì kể từ năm 2017 trở đi Phú Ninh sẽ tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, kiên quyết không để phát sinh thêm nợ đọng. Ông Thạnh nói: “Trong kế hoạch xây dựng cơ bản hằng năm, Phú Ninh sẽ tập trung vốn cho việc thanh toán nợ, trong đó ưu tiên bố trí để thanh toán những khoản nợ thuộc chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư mới thuộc thẩm quyền”.

Cũng theo lời ông Thạnh, sắp tới Phú Ninh sẽ tập trung khai thác quỹ đất theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh cho cấp xã đối với các dự án có quy mô dưới 3.000m2. Cạnh đó, rà soát những tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản gắn liền với đất không còn nhu cầu sử dụng, tổng hợp báo cáo và đề nghị UBND tỉnh quyết định bán, thanh lý theo thẩm quyền, tạo nguồn thu ngân sách. Đồng thời đẩy mạnh tăng thu ngân sách vượt dự toán được giao và chú trọng công tác thu từ nguồn huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp trong việc khai thác đất nguyên liệu. Đặc biệt, UBND huyện sẽ tăng cường khâu quản lý, lãnh đạo, điều hành và chấn chỉnh nghiêm các vi phạm trong công tác quyết toán dự án hoàn thành. Ngoài ra, sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và thường xuyên thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực xây dựng cơ bản để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để những trường hợp vi phạm...

KHÓ HUY ĐỘNG VỐN

Việc huy động vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó khoản đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra…

Thời gian qua, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế (ảnh minh họa).Ảnh: MAI LINH
Thời gian qua, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế (ảnh minh họa).Ảnh: MAI LINH

Không đảm bảo cơ cấu vốn

Trong số gần 2.356 tỷ đồng mà Quảng Nam huy động để xây dựng NTM năm 2016 vừa qua thì vốn ngân sách nhà nước các cấp hơn 1.140 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,4%; vốn tín dụng 1.077 tỷ đồng, chiếm 45,7%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã 38,6 tỷ đồng, chiếm 1,6%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 99,3 tỷ đồng, chiếm 4,3%. Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư cho rằng, việc huy động vốn để thực hiện chương trình NTM trong năm 2016 của tỉnh chưa đảm bảo cơ cấu các nguồn vốn theo quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg (ngày 16.8.2016) của Thủ tướng Chính phủ. Số vốn ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ chiếm tỷ lệ 48,4% trong tổng nguồn huy động là khá cao, bởi theo yêu cầu chỉ chiếm 30%. Trong đó, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đạt tỷ lệ 25,9% là rất cao so với yêu cầu chỉ 6%. Điều này cho thấy khả năng huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách còn nhiều hạn chế.

Cũng theo lời ông Thanh, nguồn kinh phí đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 4,3% tổng số vốn huy động trong năm 2016 là một tỷ lệ khá khiêm tốn so với yêu cầu là 10%. Ngoài ra, vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp và hợp tác xã cũng còn rất hạn chế, chỉ chiếm tỷ lệ 1,6% so với mục tiêu đặt ra là 15%. Ông Thanh nói: “Tỷ lệ đó cho thấy việc thực hiện các chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân chính là các rào cản về chính sách đất đai và tín dụng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận với các điều kiện ưu đãi quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn”.

Tạo chuyển biến bằng cách nào?

Theo quy định, giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu vốn ngân sách nhà nước phải đạt 30% tổng nguồn vốn huy động, trong đó vốn hỗ trợ trực tiếp chiếm 24% và vốn lồng ghép chiếm 6%. Điều đáng lưu ý, vốn ngân sách của tỉnh phải bố trí bằng 1,5 lần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ. Theo kế hoạch trung hạn, từ năm 2016 - 2020 ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ khoảng 1.100 tỷ đồng và ngân sách tỉnh phải chủ động bố trí không dưới 1.650 tỷ đồng (bình quân mỗi năm tỉnh phải chi 330 tỷ đồng). Riêng năm 2017, để đạt mục tiêu đề ra, tổng nhu cầu vốn cần huy động là 2.422 tỷ đồng. Theo cơ cấu, vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 580 tỷ đồng, trong đó phần ngân sách tỉnh phải bố trí tối thiểu 360 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, đồng thời khả năng huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư còn hạn chế thì tỉnh cần chú trọng triển khai các giải pháp lồng ghép nhiều kênh vốn để thực hiện.

Năm 2016, nguồn vốn do các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân đóng góp đều thấp hơn so với mục tiêu đặt ra.
Năm 2016, nguồn vốn do các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân đóng góp đều thấp hơn so với mục tiêu đặt ra.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, quan điểm thực hiện lồng ghép vốn là phải lấy mục tiêu, nhiệm vụ hoàn thành các tiêu chí NTM làm trung tâm. Trên cơ sở đó, lồng ghép vốn các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu, nội dung đầu tư vào dự án của chương trình NTM. Việc lồng ghép phải rõ ràng, kiểm soát danh mục từ khâu lập, phân bổ và giao dự toán kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; phải được thực hiện cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng công trình, từng tiêu chí và ưu tiên đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là tập trung cho những địa phương nằm trong diện về đích năm 2017. Ông Thanh nói: “Quy trình lồng ghép vốn phải được thực hiện từ công tác lập kế hoạch của cấp huyện, trên cơ sở hướng dẫn, giám sát của các ngành ở tỉnh và kết quả lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng ở cấp xã”.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu nguồn vốn tín dụng được Chính phủ xác định tỷ trọng khá cao trong tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM (chiếm tỷ lệ 45% so với giai đoạn trước là 30%) nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu  nhập. Mặt khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan có trách nhiệm cần tập trung hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân cũng như các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và vốn tín dụng đầu tư xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vốn tín dụng phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương...

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dây dưa nợ nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO