Dạy học mãi là nghề cao quý

XUÂN PHÚ 18/11/2016 08:26

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) chia sẻ như vậy về nghề mà mình gắn bó đã hơn 30 năm.

Tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm năm 1984, chàng sinh viên trẻ quê huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) Nguyễn Hữu Thiện cùng cô vợ sắp cưới được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) tiếp nhận và phân công vào công tác tại huyện Núi Thành. Thời đó, nơi đây còn lắm khó khăn. Một số đồng nghiệp ở các tỉnh sau thời gian công tác đã nói lời chia tay mảnh đất này để về lại quê nhà. Song, với vợ chồng thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện, Núi Thành thật sự là “đất lành”. “Ông bà ta có câu “đất lành chim đậu”. Đất Núi Thành này có nhiều thầy cô giáo từ các tỉnh khác đến công tác rồi lập nghiệp. Mình ở đây cũng đã hơn 30 năm rồi. Có một điều khá đặc biệt nữa, hiệu trưởng của 3 trường THPT ở Núi Thành hiện nay đều là người ngoài tỉnh” - thầy Thiện chia sẻ.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện phát biểu trong một lần cùng với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện phát biểu trong một lần cùng với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên.

Niềm vui trường lớp và học trò

Có thể nói, nhà giáo Nguyễn Hữu Thiện đã cống hiến hết quãng đời tuổi trẻ của mình cho quê hương Núi Thành. Và ngược lại, mảnh đất “trận đầu đánh Mỹ” cũng đem lại cho người thầy xa quê này nhiều thứ quý giá trong cuộc đời làm nghề dạy học. Trong mắt đồng nghiệp, các thế hệ học sinh và phụ huynh nơi đây, thầy Nguyễn Hữu Thiện đã để lại hình ảnh một nhà giáo hiền lành và cực kỳ dễ mến. Gắn bó với Trường THPT Núi Thành hơn 20 năm, với những nỗ lực, thành tích xuất sắc và sự cống hiến của mình cho sự nghiệp trồng người, năm 2006, thầy Thiện đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đó là một sự ghi nhận và vinh danh cho những gì mà thầy Nguyễn Hữu Thiện đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục kể từ ngày rời giảng đường đại học.

Cũng trong năm 2006, khi đang là tổ trưởng chuyên môn của Trường THPT Núi Thành, thầy Thiện được Sở GD-ĐT điều động và bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng sở. Với không ít người, đó là trường hợp “vượt cấp”. Song, ở cương vị và nhiệm vụ mới, thầy Thiện đã chứng minh mình hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng. Những tưởng sẽ “yên vị” tại Sở GD-ĐT thì năm 2012, lúc Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) cần có một “thuyền trưởng” mới, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện được Sở GD-ĐT và huyện Núi Thành đặt niềm tin để “chọn mặt gửi vàng”. Vậy là thầy khăn gói về lại Núi Thành. “Là nhà giáo với hơn hai mươi năm giảng dạy trước đó, ước muốn của mình là được gắn bó với trường lớp, với học trò. Bởi vậy, sau 6 năm công tác tại Sở GD-ĐT, được về lại với trường học, có dịp gắn bó với học trò, với mảnh đất Núi Thành là niềm vui rất lớn của mình” - thầy Thiện chia sẻ.

Trở lại trường học trên cương vị hiệu trưởng dĩ nhiên là có không ít khó khăn. Dẫu vậy, được công tác với nhiều đồng nghiệp vốn trước đây là học trò cũ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện cho rằng đó là một thuận lợi rất lớn. Hơn 4 năm qua, thầy Thiện cùng với tập thể Hội đồng sư phạm đã làm cho Trường THPT Nguyễn Huệ có những thay đổi tích cực trong công tác dạy và học, nâng cao chất lượng, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh.

Mãi là nghề cao quý

Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học tại mảnh đất Núi Thành, bên cạnh rất nhiều niềm vui cũng có không ít nỗi buồn, nhưng có lẽ nỗi buồn lớn nhất đối với Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện là hình ảnh người thầy ngày nay không còn đẹp như ngày xưa. Điều này có lỗi của người làm thầy, bởi thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông phản ánh hình ảnh xấu của người thầy này, vi phạm của nhà giáo nọ. Theo thầy Thiện, một thầy giáo nếu vi phạm đạo đức, lối sống sẽ gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cả đội ngũ nhà giáo.

Trước ý kiến cho rằng “tâm huyết với nghề trong nhà giáo trẻ ngày nay có phần phai nhạt, họ không còn hết mình với công việc, chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo như các thầy cô giáo thời trước nữa”, thầy Thiện bảo nhận định này không sai nhưng chưa đầy đủ và chính xác. Bởi, khác với trước đây, áp lực “cơm áo gạo tiền” của con người hiện nay, trong đó có đội ngũ các thầy cô giáo trẻ là khá lớn nên sự nhiệt tình đối với nghề của một số người có giảm. Nhiều học sinh, phụ huynh bây giờ cũng không muốn con em mình theo học ngành sư phạm, vì thực tế sinh viên sư phạm ra trường khó xin được việc làm, đồng lương eo hẹp so với các ngành khác. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều giáo viên ngày đêm bám trường, bám lớp, tận tụy với học trò. Có nhiều thầy cô giáo sẵn sàng giúp đỡ học trò nghèo về tiền bạc, dạy thêm miễn phí. Xã hội luôn có cái nhìn khắt khe đối với nghề giáo, vì vậy mỗi nhà giáo phải luôn tự nhìn nhận lại mình. “Nghề dạy học là nghề cao quý. Người thầy được cả xã hội tôn vinh, kính trọng, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì lẽ đó, xã hội đòi hỏi nhiều ở người thầy là tất yếu” - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam có từ lâu đời và được gìn giữ, phát huy. Mỗi thời mỗi khác, nhưng sự kính trọng đối với người thầy luôn được thể hiện một cách trân trọng. Dù cho ngày nay tình trạng tiêu cực trong ngành GD-ĐT không phải là ít, một số thầy cô giáo bị kỷ luật, song dưới cảm quan của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện, nghề giáo vẫn được xã hội ghi nhận và tôn vinh. Bất luận thế nào, dạy học vẫn mãi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dạy học mãi là nghề cao quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO