Dạy văn - học văn, nhìn từ một cuộc thi

ĐẶNG NAM ĐÔNG 18/04/2013 08:48

Chúng tôi thật sự bất ngờ, thích thú khi dự khán cuộc thi thuyết trình văn học năm học 2012 - 2013 vừa được ngành GDĐT tỉnh tổ chức cho học sinh trung học. Cuộc thi đã phần nào phản ánh câu chuyện dạy văn và học văn trong nhà trường hiện nay.

Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng trao giải Nhất cho các thí sinh.Ảnh: NAM ĐÔNG
Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng trao giải Nhất cho các thí sinh.Ảnh: NAM ĐÔNG

Nuôi dưỡng tâm hồn

Đa số các em chọn đề tài vừa sức để trình bày nên chất lượng cuộc thi theo đánh giá của các thầy cô giáo bộ môn là khá tốt. Một số em không ngại lựa chọn các tác phẩm “gai góc” với các luận điểm giải quyết vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức văn học rộng, khả năng làm chủ văn bản cao mới có thể truyền được hồn của tác phẩm đến người nghe. Khối THCS, có thể kể đến bài thuyết trình của Lê Phạm Quỳnh Trân (học sinh lớp 8, trường THCS Kim Đồng, Hội An) với “Khi chim non rời tổ” từ truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh; hay Bùi Lê Khánh Huyền (học sinh lớp 9, trường THCS Lý Tự Trọng, Tam Kỳ) với “Vầng trăng, sự thức tỉnh diệu kỳ” trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy… Bùi Lê Khánh Huyền chia sẻ: “Văn học là một bộ môn quan trọng đã đem đến, giới thiệu cho chúng em nhiều tác phẩm có giá trị, giúp cho con người gần nhau hơn từ sự lan tỏa nhân văn của tác phẩm”.

Ở khối THPT, nhiều bài thuyết trình đã thể hiện sự tìm hiểu nghiêm túc của thí sinh. Chính vì thế, mức độ cảm thụ tác phẩm được đẩy lên rõ rệt, khiến Ban giám khảo cũng phải ngạc nhiên, thú vị. Trong các bài thuyết trình, nổi lên có “Tiếng hát con tàu” - hành trình đi tìm lời giải cho câu hỏi: Nghệ sĩ - ta là ai?”, được trao giải Nhất, của Phan Nguyễn Thu Sương (trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ). Điểm đáng chú ý, cuộc thi thuyết trình văn học năm nay có nhiều thí sinh mạnh dạn chọn văn học nước ngoài để trình bày. Trong đó, không ít bài thể hiện được sự liên tưởng xúc động giữa tác phẩm và cuộc sống, giữa tác phẩm với bản thân người thuyết trình, tạo nên hiệu quả lan tỏa tốt. Như bài thuyết trình “Thơ Haiku của Basho, khoảng lặng đầy xúc động” của Trần Thị Xuân Quỳnh (trường THPT Cao Bá Quát, Núi Thành). Bài thơ Haiku này nói về chú khỉ con, cũng là hình ảnh tượng trưng cho những em bé nghèo, mồ côi không nơi nương tựa, đang rất cần một mái ấm gia đình: “Mưa đông giăng đầy trời/ Chú khỉ con thầm ước/ Có một chiếc áo tơi”. Trần Thị Xuân Quỳnh bắt gặp ở bài thơ sự đồng điệu về hoàn cảnh bởi em cũng là một cô bé mồ côi. “Em muốn thông qua bài thơ Haiku này bày tỏ cảm xúc của mình về những số phận cùng cảnh ngộ, về cuộc sống xung quanh” - Quỳnh nói.

Trăn trở

Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nhiều bậc phụ huynh đang tỏ ra hết sức lo lắng về chuyện dạy văn, học văn trong nhà trường. Và thực tế, ở nhiều nơi, học sinh tỏ ra “chán” môn học này. Một giáo viên dạy văn tâm sự: “Bản thân chúng tôi cũng đã tìm mọi cách để làm phong phú bài giảng, giúp các em tiếp cận nhẹ nhàng hơn với văn học, tạo hứng thú mỗi giờ học văn… Nhưng thật sự mà nói, tỷ lệ học sinh yêu thích môn văn, muốn tìm hiểu, khám phá tác phẩm văn học chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đây không những là nỗi lo mà còn là nỗi buồn của người dạy văn như chúng tôi”. Cũng có không ít nơi, môn văn bị xem nhẹ, giáo viên dạy cầm chừng, học sinh lơ là không tiếp thu bài giảng… Hệ quả là điểm bài thi môn văn ở các kỳ kiểm tra thấp, khống chế thành tích chung và trở thành một chướng ngại vật khó vượt qua tại kỳ thi tốt nghiệp của các em. “Đặt trong bối cảnh như thế, việc duy trì cuộc thi thuyết trình văn học hằng năm là một trong những động thái tích cực của ngành giáo dục. Cuộc thi này cho thấy học sinh không bỏ môn văn. Khi chúng ta đi đúng hướng và đặt vấn đề phù hợp với tâm hồn các em, bối cảnh các em đang sống, các em sẽ hết mình với văn học” - thầy giáo Trương Văn Quang (trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), giám khảo cuộc thi thuyết trình văn học, khẳng định.

Cuộc thi thuyết trình được tổ chức đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng khả năng giao tiếp của học sinh, giúp các em củng cố tình yêu của mình với môn văn học. Chỉ có điều, dường như sân chơi này chỉ dành riêng cho các em yêu thích môn văn học. Bởi, chẳng hề thấy bóng dáng học sinh dự khán tại các buổi thuyết trình. Thậm chí, nhiều thí sinh lên thuyết trình vào cuối buổi, hội trường chỉ còn lại bàn ghế trống và Ban giám khảo. Ngay cả các thí sinh sau khi xong phần thi của mình cũng đã bỏ về. Cô giáo Trần Ái Nghĩa (trường THPT Nguyễn Huệ, Núi Thành) cho rằng: “Việc dạy văn - học văn trong nhà trường đang gặp nhiều khó khăn. Chúng ta nên xem cuộc thi thuyết trình văn học mỗi năm như một trong những giờ ngoại khóa hấp dẫn để học sinh tiếp cận với văn học một cách nhẹ nhàng và  thú vị. Chính vì thế, việc huy động thậm chí là yêu cầu học sinh đến dự khán mỗi cuộc thi là điều cần thiết”.
Từ một cuộc thi thuyết trình văn học, bao nhiêu câu chuyện đáng bàn về dạy văn - học văn trong nhà trường hiện nay được hé mở. Vẫn thấy sự trăn trở và cả những tiếng thở dài của những thầy cô giáo tâm huyết với nghề...

ĐẶNG NAM ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dạy văn - học văn, nhìn từ một cuộc thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO