Để đại biểu Quốc hội nói "tiếng nói của mình"

B.T (Tổng hợp từ vov.vn) 04/04/2016 08:43

“Các cơ quan có trách nhiệm cần bớt đi những tiêu chí định tính và tăng lên những tiêu chí đo được bằng định lượng để bớt đi ý chí chủ quan khi lựa chọn người ra ứng cử” - TS. Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên trung ương nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: tư liệu)
Đại biểu Quốc hội Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: tư liệu)

Sàng lọc từ cơ sở

Theo TS. Trần Văn Miều, muốn nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, cần thực hiện tốt cơ chế tranh cử. Nhưng cũng phải xác định rằng, cơ chế tranh cử chỉ cho cử tri biết người ứng cử về hình dáng, có trình độ hay không có trình độ, có kỹ năng tiếp xúc, kỹ năng nói trước đông người và kỹ năng phản hồi, chứ chưa đo đếm được chất lượng của ĐBQH trong nhiệm kỳ sắp đến. Mặt khác, trong khi tranh cử, cử tri khó đánh giá được chương trình hành động mà đại biểu đó trình bày.

Chất lượng ĐBQH phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trước hết, đó là các yếu tố chủ quan, bao gồm: phẩm chất, khả năng và giá trị. Những yếu tố này được hình thành trong quá trình học tập, lao động, rèn luyện, nhất là trong nhiệm kỳ tham gia Quốc hội chứ không phải chỉ được hình thành trong thời gian tranh cử và bầu cử. Những yếu tố khách quan bao gồm: cơ chế lựa chọn và giới thiệu người ứng cử, cơ chế hoạt động tranh cử; sau khi trúng cử thì là môi trường làm việc của Quốc hội, chế độ bồi dưỡng và đào tạo năng lực cho ĐBQH, cơ chế giám sát của các cơ quan có trách nhiệm và của cử tri. Các yếu tố chủ quan và khách quan có mối quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau. Do đó, để nâng cao chất lượng ĐBQH, cần có nhiều giải pháp, trong đó rất quan trọng là giải pháp tự học và tự rèn luyện của đại biểu và chế độ bồi dưỡng, đào tạo của Quốc hội. Nhưng trước đó vẫn là sự “sàng lọc” chặt chẽ từ cơ sở, từ cử tri và từ các tổ chức quần chúng nhân dân.

Hỗ trợ hơn là giám sát

Để đánh giá chất lượng ĐBQH tái ứng cử, nhiều ý kiến đề nghị những đại biểu tái cử nên về địa phương cũ để bầu cử. Làm như vậy, cử tri sẽ lựa chọn được những đại biểu khóa trước có uy tín, đại diện được cho mình và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội. Cách làm này loại bỏ được việc thiếu khách quan khi bố trí đại biểu về ứng cử ở các địa phương. Cần kết hợp tốt việc phân bổ đại biểu theo cơ cấu với việc lựa chọn nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là thước đo quan trọng để lựa chọn, giới thiệu và cử tri bầu vào Quốc hội. Nên thực hiện nguyên tắc trong một cơ cấu cần có nhiều người để lựa chọn và giới thiệu. Càng có nhiều người thì càng dễ tìm được người tiêu biểu nhất, như thế tránh được trường hợp quá coi nặng về cơ cấu mà bỏ qua tiêu chuẩn.

Đối với trường hợp những đại biểu ít hoặc cả nhiệm kỳ không phát biểu ý kiến trước Quốc hội, có thể là do họ thiếu tự tin, thiếu năng lực và thiếu kỹ năng nói trước đông người… Tuy nhiên cũng cần đặt lại câu hỏi: Quốc hội và các đoàn ĐBQH đã tạo điều kiện gì để những đại biểu này được nói tiếng nói của mình? Theo TS. Trần Văn Miều, Quốc hội và các đoàn ĐBQH cần có một cơ chế hỗ trợ cho những đại biểu gặp khó khăn trong các kỳ họp của mình. Vậy nên, phải đảm bảo chế độ thông tin sớm cho ĐBQH, hướng dẫn đọc tài liệu, gợi ý những nội dung cần tham gia. Đoàn ĐBQH tạo điều kiện để đại biểu tham gia các hoạt động, khuyến khích phát biểu trong các buổi thảo luận ở tổ và tiếp xúc với cử tri. Từ đó, ĐBQH sẽ có kỹ năng tham gia các hoạt động và kỹ năng nói trước đông người.

B.T (Tổng hợp từ vov.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để đại biểu Quốc hội nói "tiếng nói của mình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO