Ngành du lịch Quảng Nam đặt dấu ấn khi tiếp tục giữ được đà tăng trưởng lượng khách trong nửa đầu năm 2019; tuy nhiên vẫn cần cải thiện nhiều điều để trở thành điểm đến hấp dẫn mà du khách muốn nhiều lần quay lại.
Giữ đà tăng trưởng “lượng”
Sáu tháng đầu năm 2019, ngành du lịch Quảng Nam đón 4 triệu lượt khách (đạt khoảng 55% chỉ tiêu cả năm) và tiếp tục thu hút ổn định “đa thị trường” khách truyền thống từ Tây Âu, Bắc Mỹ đến Đông Bắc Á… Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin: “Lượng khách du lịch của Quảng Nam trong 5 năm qua luôn giữ được đà tăng trưởng khả quan với tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 15,4%/năm”. Một số điểm du lịch ở Hội An chỉ qua nửa năm đã đạt xấp xỉ kế hoạch đón khách năm 2019, đơn cử như khu rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) đã đón gần 450 nghìn lượt khách (đạt 90% kế hoạch năm). Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian qua Việt Nam đang dần vươn lên chiếm lĩnh thị phần về du lịch trong khu vực. Số lượng khách của Việt Nam tính theo đầu người còn dư địa tăng trưởng rất lớn và dường như còn nhiều khả năng tăng trưởng hơn Thái Lan và Malaysia, nơi có số lượt khách tương đương xấp xỉ 80% và 55% dân số quốc gia họ.
Điều khúc mắc của ngành du lịch Quảng Nam hiện nay là chênh lệch lượng khách rõ rệt ở các điểm du lịch. Năm ngoái, Hội An chiếm tới khoảng 77% lượng khách đến Quảng Nam, số ít còn lại đến Mỹ Sơn và rải rác ở một số địa điểm khác. Dễ dàng nhận thấy, hầu hết trong số 4 triệu lượt khách đến Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm đều ghé đô thị cổ Hội An trong khi dù rất nỗ lực nhưng các điểm du lịch khác vẫn “khát” du khách. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, lượng du khách đến Hội An hiện nay nhiều thời điểm đã quá tải và cần nghiên cứu giải pháp để hút bớt lượng khách này về các điểm du lịch phía nam và phía tây của tỉnh thay vì mới chủ yếu chỉ “giãn” ra khu vực ven đô của Hội An như hiện nay.
Cấp thiết cải thiện “chất”
Đô thị cổ Hội An vừa được tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Travel and Leisure vinh danh là “thành phố quyến rũ nhất thế giới” theo lượng tương tác, bình chọn của độc giả. Các “từ khóa” khiến du khách quốc tế ấn tượng, đánh giá cao Hội An được Travel and Leisure mô tả có thể thấy khá bình dị và đôi khi chỉ là thói quen của cư dân bản địa nhưng lại vô cùng cuốn hút trong mắt du khách như: chợ cá lúc bình minh, chèo thúng ở rừng dừa, dịch vụ may đo, ẩm thực đường phố hay đôi khi chỉ là sự thân thiện của người dân. Điều này một lần nữa gợi mở về cách khai thác sản phẩm, nâng cao chất lượng môi trường du lịch mà Hội An nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung đang hướng đến. Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận: “Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng ngành du lịch địa phương vẫn chưa có giải pháp đầu tư chiều sâu để khai thác đúng mức và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá trị cộng đồng bản địa”.
Một tồn tại dù âm thầm diễn ra nhưng ngày càng tác động đến hình ảnh du lịch của Hội An hiện nay chính là tình trạng du nhập văn hóa của dân cư nhiều vùng miền đã khiến các giá trị văn hóa truyền thống vốn là thương hiệu của phố cổ bị phai nhạt. Thời gian qua, không ít du khách đã phàn nàn khi bị các quầy hàng rong tỏ thái độ khó chịu vì hỏi nhưng không mua, chụp hình lưu niệm bị la ó. Với huyện Duy Xuyên, ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho biết: “Phải nhìn nhận thực tế là ngoài nguồn thu từ bán vé tham quan khoảng 57 tỷ đồng/năm từ khu đền tháp thì còn lâu du lịch mới trở thành ngành mũi nhọn của địa phương bởi chưa phát triển thêm được gì đặc sắc”.
Theo ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, nhiều chương trình khuyến mãi của địa phương, doanh nghiệp chưa cập nhật đến trung tâm trong khi ấn phẩm giới thiệu còn khan hiếm, chưa được đầu tư nhiều khiến du khách thiếu kênh thông tin để cập nhật các sản phẩm mới trong khi doanh nghiệp du lịch cũng thiệt thòi.