Để lại những dấu chân

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN 13/08/2023 08:02

Hồi nhỏ, bưng tô cơm nguội ngồi ăn trước hiên nhà tôi thường thắc mắc tại sao má không đẻ tôi sớm hơn một ngày. Tôi sinh ngày 1/1, nếu đẻ trước một ngày thì tôi sẽ lớn hơn tụi thằng Mẫn, thằng Nghi trong xóm rồi. Lớn hơn một tuổi, đi học trước tụi nó một năm cũng oai lắm chứ. Má tôi cười khi nghe tôi nói. Má nói đủ ngày đủ tháng thì chui ra chứ má tính sao được.

 

Nhà thằng Nghi hồi đó giàu nhứt xóm và hiển nhiên ăn đứt nhà tôi. Có lần tôi sửng sốt khi phát hiện ra ông Bao Công, Triển Chiêu nhà thằng Nghi bận áo có màu chứ không phải bận áo đen trắng như ông Bao Công nhà thằng Mẫn.

Nhà tôi hồi đó làm gì có ti vi, chiều chiều tới giờ chiếu phim là ba chân bốn cẳng chạy đi coi ké. Thằng Mẫn cười sặc sụa khi nghe tôi nói Bao Công nhà giàu cũng khác Bao Công nhà nghèo. Nó nói tôi ngu, tại cái ti vi màu chứ ông nào cũng mặc áo giống nhau.

Con sông chảy qua làng Mênh Mông nước trôi êm ru. Chiều chiều, tụi thằng Nghi thằng Mẫn với lũ trẻ xóm trên, xóm dưới tha hồ lặn ngụp. Nhưng tôi thì không được tắm sông thỏa thuê như chúng. Ba tôi cấm tiệt tôi ra sông. Ba nói dưới đó có ma da, coi chừng nó kéo chân thì hết đường về. Tôi biết ba hù vậy thôi chứ chúng nó tắm hoài có hề hấn gì đâu.

Những lúc ba có nhà thì thôi, hễ thấy ba đi ruộng hay không có nhà là kiểu gì tôi cũng chạy như bay ra sông với tụi nó. Tôi bị ba đánh không biết bao nhiêu lần về tội không nghe lời. Ba bắt tôi nằm úp lên chiếc chõng tre, cầm cây roi tre quất ràn rạt lên mông. Vừa quất ba vừa la “sao không nghe lời ba, hả?”. Cùng với mỗi tiếng hả là mỗi lần mông tôi cong lên đau điếng. Tôi khóc tu tu, khi tôi tụt xuống giường thấy mắt ba đỏ hoe.

Ba tôi hiền lắm, chẳng bao giờ nặng nhẹ với vợ con. Đi ruộng về ba thường ngồi dưới gốc cây vú sữa ngoài hiên uống nước chè, hút thuốc. Nhưng khi tôi đi tắm sông thì ba như biến thành con người khác.

Có lần tôi đang bơi dưới sông, ba cầm roi trên bờ đứng sẵn. Tôi vừa bước chân lên bờ bị ba quất túi bụi vào chân. Tôi không thể hiểu tại sao ba lại cay nghiệt với chuyện tôi đi tắm sông như vậy.

Mùa hè nước sông cạn xợt, cát lộ ra đến nửa dòng trắng phau. Tôi bơi một hơi là đến bờ bên kia. Ở làng Mênh Mông, có đứa nào mà không tắm sông? Nhưng ba đánh cứ đánh, tôi cứ trốn đi bơi và không ngừng trách ba mỗi bận ăn đòn.

*
*         *

Tới bữa, tôi thường giằm giằm chén cơm nói với má ước chi được ăn thịt hoài như nhà thằng Nghi. Nghi khoe bữa nào nhà nó cũng ăn cơm với thịt heo, có khi thịt bò, nó ăn hoài thấy ngán. Má gắp cho tôi lát măng kho ớt, bảo có chi ăn nấy đừng đòi hỏi nhiều, mỗi nhà mỗi khác.

Thằng Nghi năm nào cũng có áo mới, cặp mới đi học, không bao giờ phải xin sách cũ, cặp cũ như tôi. Tới giờ ra chơi nó hay móc tiền ra cổng mua một mớ kẹo rồi chia cho tôi và Mẫn. Có bữa, nó còn lôi trong cặp ra mấy cục sô cô la, bảo đồ Mỹ đó. Chúng tôi ngồi dưới gốc bàng ăn ngon lành.

Mỗi bận tôi và Mẫn tới nhà Nghi chơi phải đứng tút dưới ngõ gọi vì sợ mấy con chó hung dữ nhà nó. Lúc đó, một người đàn bà to béo ục ịch sẽ quát tháo um sùm mấy con chó vừa đứng chống nạnh dòm xuống ngõ. Đó là má thằng Nghi.

Thấy chúng tôi, bà ngoắt vào. Dù chưa lần nào la rầy một câu nhưng cả tôi và Mẫn đều cảm giác ớn ớn mỗi khi thấy bà. Tới nhà chơi nhiều lần có điều chúng tôi chưa bao giờ thấy ba thằng Nghi bao giờ. Khi chúng tôi hỏi ba nó đâu, nó im lặng rồi kể má nó nói ba chết rồi.

Nghi hay đầu têu cho chúng tôi leo rào hàng xóm trộm xoài, trộm ổi. Lạ là nhà đứa nào cũng có nhưng của trộm được lại ngon lạ lùng. Cây xoài nhà ông Nên nhiều trái nhất, mỗi tội cây xoài già cao ngất ngưởng.

Ông Nên sống một mình, ngày nào cũng say khật khưỡng. Có bữa chúng tôi chui vào hàng rào thì thấy ông nằm lăn ra hiên nhà mà ngủ. Sợ quá chúng tôi định rút nhưng Nghi nói ổng quắc cần câu rồi chẳng biết gì đâu. Vậy là chúng tôi đùm muối ớt leo lên hái ăn đã đời, chốc chốc lại nghe ông Nên lầm bầm gì trong mơ.

Chúng tôi thường thắc mắc không biết ông Nên có bao giờ tỉnh táo giữa những cơn say kéo dài bất tận. Một bữa chúng tôi đi học sớm thấy ông nằm ngủ bên vệ đường cỏ ướt đẫm sương, ống quần đầy bùn đất. Chúng tôi hè nhau dìu ông về nhà chứ nằm đó chốc nữa nắng lên thì ổng thành cá khô mất.

Từ bữa đó ông mến chúng tôi, bảo thèm xoài thì cứ qua hái chứ đừng chui bờ rào nữa. Chúng tôi đỏ mặt nhìn nhau, vậy là ông biết hết chứ có phải không biết đâu. Tôi hỏi rượu đắng ngắt ngon lành gì mà uống hoài vậy ông. Ông nhìn tôi bảo uống để quên đi, đời có nhiều cái cay đắng hơn rượu nhiều!

*
*          *

Một bữa trưa tan học, Nghi nói với tôi cho nó qua nhà ăn cơm ké một bữa được không, má nó đi gom tiền hụi, tối mới về. Tôi gật đầu nhưng ngay lập tức hối hận vì bữa cơm nhà tôi thường chỉ mấy món rau, họa hoằn mới có bữa cá kho, nó ăn rồi chắc sẽ chê nhà tôi dữ lắm. Má tôi dọn ra dĩa rau luộc, tô nước vắt chanh làm canh, có mấy con cá đồng kho nghệ ba đi ruộng bắt được. Tôi và cơm, mắt không ngừng liếc dòm sắc mặt Nghi. Nó ăn ngon lành, còn xin má tôi bới thêm hai chén nữa.

Buổi chiều Nghi không về nhà mà ở nhà tôi chơi. Nó nằm trên giường ngó ra khu vườn đầy bóng cây nói ước chi nhà nó vui giống nhà tôi, bữa nào ăn cơm cũng ngon như vầy. Tôi trề môi, nhà mày giàu thí mồ mà bày đặt. Nó nói ừ giàu lắm, giàu mà hổng có vui! Tôi cười khùng khục, giọng nó triết lý y chang như mấy ông trong phim.

Thấy ba tôi vác cuốc đi ruộng, tôi nháy mắt với nó đi tắm sông. Nó gật đầu liền. Từ bữa đó, nó hay kiếm cớ qua ăn chực nhà tôi. Mít non kho, dưa mắm, măng trộn, mướp xào… má tôi nấu nó khen lấy khen để, bảo má tôi nấu ăn ngon nhứt làng Mênh Mông. Má cười, mắt hấp háy vui.

 Ít lâu sau, nhà thằng Nghi đột ngột chuyển đi nơi khác sống làm chúng tôi sửng sốt. Người làng nói má nó bể hụi, phải trốn. Tôi và Mẫn nhìn nhau ngơ ngác buồn. Từ đó những buổi tắm sông, đi học, những chiều tha thẩn kiếm ổi trong vườn không còn vui như trước nữa.

*
*          *

Tôi tình cờ gặp lại Nghi trong một quán nhậu. Tôi đang ngồi với đồng nghiệp sau giờ tan ca thì có người vỗ vai hỏi có phải Phong không? Tôi nheo mắt. Cố lục trong trí nhớ cái người đầu trọc, trên tay đầy những hình xăm này là ai. Nghi, Nghi này, không nhớ à?

Khi đồng nghiệp tôi về rồi, Nghi nói nó vừa mới ở tù ra. Tôi kinh hãi nhìn nó. Nó gật, không ngờ đúng không, cả nó cũng không ngờ đời mình lại có những tháng ngày như thế. Tôi nhìn kỹ Nghi, cố hình dung ra thằng bạn bụ bẫm, trắng trẻo ngày nào. Nghi hỏi má tôi khỏe không, nó nhớ hoài nhớ mãi những bữa cơm má tôi nấu. Sau này nó chẳng kiếm đâu được những bữa cơm vui vẻ như thế.

Hết hỏi má, Nghi lại hỏi ba tôi. Nghi nói hồi nhỏ mày bị ông già đánh miết vì cái tội lén đi tắm sông với tụi tao. Tôi gật, mãi sau này má tôi mới kể, anh Ba tôi bị đuối ở khúc sông chúng tôi thường tắm.

Cái chết của anh Ba khiến ba đau đớn suốt quãng đời còn lại. Má biết ba đau nên không bao giờ dám nhắc lại chuyện đó lần nữa. Ba sợ tôi ám ảnh nên nói với má đừng kể chuyện anh Ba chết đuối cho tôi nghe, chỉ nói anh Ba mất do tai nạn.

Còn tôi thì cứ vô tình, mỗi lần đi tắm sông là một lần lại làm ba đau và sợ hãi con sông sẽ nuốt thêm của ba một đứa con nữa. Tôi nói ông Nên chết rồi, cũng mới mấy năm. Sau này nghe người ta kể mới biết đời ông Nên đúng là cay đắng quá. Có khi rơi vào hoàn cảnh của ông mình không thể sống nổi. Cái làng Mênh Mông của mình, lặn sâu vào mới biết có bao nhiêu chuyện đời buồn hiu.

Nghi ngửa cổ tu ừng ực cạn ly bia, rồi đưa tay quệt ngang. Nghi nói hồi nhỏ vậy mà vui, lớn lên thì thấy đời hết vui rồi. Tôi cười, cái thằng triết lý dữ. Nghi nói phải chi má nó giống má tôi thì đời nó đâu như vậy. Má nó chỉ biết ngồi đếm tiền, đêm ngủ cũng ôm chặt túi tiền sợ trộm. Khi rời quê, má bảo nó nghỉ học luôn, phụ bà làm ăn.

Chuyện làm ăn của má nó là chuyên cho người ta vay nặng lãi rồi biểu nó tới kỳ đi đòi. Nó thấy người ta chẳng sợ mình thì cạo đầu, xăm hình rồng rắn cho dữ dằn. Nó làm ra nhiều chuyện mà đôi khi nghĩ lại nó cũng thấy mình bất nhân quá. Má nó giàu dữ lắm, tiền chất đầy trong phòng.

Nhưng ở đời, đâu có chuyện làm ăn bất nhân mà sung sướng mãi. Cách đây mấy năm má nó bị bắt, ở tù, nó cũng ngồi tù theo. Nó ngồi vài năm rồi ra, còn má thì còn ở nhiều năm nữa. Phải chi nhà nghèo, má nấu ngày ba bữa cơm cho nó ăn thì có phải đời vui hơn không?

Đúng lúc tôi đang ngồi với Nghi thì má gọi. Nghi xin tôi cho nó hỏi thăm má vài câu. Má tôi mãi một lúc mới nhớ ra thằng Nghi hồi nhỏ hay qua ăn cơm ké nhà tôi. Nghi nói mai mốt về xin má ít bữa cơm được không. Tôi nghe tiếng má cười giòn phát ra từ chiếc điện thoại, gì chứ cơm cà dưa mắm thì chẳng lúc nào thiếu.

Nghi tắt điện thoại, nói mai mốt về quê, không ở trên này nữa. Kể ra, từ hồi rời làng Mênh Mông đời nó có ngày nào vui nữa đâu, những dấu chân đẹp nhất cuộc đời đã để lại ở làng rồi. Về dựng lại căn nhà cũ, kiếm gì đó làm rồi đợi bà già ra tù rước về ở chung. Nó buồn má nhưng mà cũng thương má vô cùng.

Tôi vỗ vai Nghi, bảo đợi ít ngày nữa về chung với mình, cũng lâu rồi tôi chưa về thăm ba má. Nghi gật đầu liền, về tắm sông một bữa đã đời nghe, chỉ sợ ông già mày đánh. Tôi cười buồn thiu, ước chi ba còn cầm roi đánh tôi như hồi còn nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để lại những dấu chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO