Ngoài được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng theo Nghị định 99, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn được khuyến khích khoanh nuôi tái sinh, phát triển rừng với cơ chế chính sách đặc thù.
Nghĩa vụ với rừng
Dãy rừng Trường Sơn qua huyện Nam Trà My rất phong phú hệ sinh thái rừng, bởi còn nhiều loài cây gỗ quý nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Diện tích tự nhiên rộng, địa hình giáp ranh xa xôi cách trở nên lực lượng bảo vệ rừng không thể có mặt thường xuyên kiểm tra, truy quét. Trước thực trạng này, nhiều năm qua, địa phương triển khai giao khoán cho 647 hộ bảo vệ với diện tích 12.184ha rừng tự nhiên, 6.184ha rừng phòng hộ cho các hộ khoanh nuôi, bảo vệ và giao khoán 14.573ha rừng đặc dụng cho 37 nhóm hộ. Theo UBND huyện Nam Trà My, tình trạng xâm hại rừng tuy xảy ra, song ở các lâm phận có rừng đã giao cho nhóm hộ ít bị xâm phạm. Các khâu khảo sát hiện trạng rừng, vị trí tọa độ thực địa được xác định, cắm mốc cụ thể mới bàn giao cho nhóm hộ bảo vệ. Nhờ đó, người dân biết chính xác từng vạt, khoảnh rừng, tiểu khu của mình.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra tại rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: T.H |
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, đến nay có 14 đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại các lưu vực thủy điện Sông Côn 2, An Điềm 1 - An Điềm 2, Sông Tranh 2 - Trà Linh 3 - Tà Vi, Đăk Mi 4, A Vương - Za Hung - Khe Diên, Đại Đồng, Trà My 1 - Trà My 2, Bắc Sông Bung, Nam Sông Bung, Sông Cùng, Duy Sơn 2 và Đắk Drin. với tổng diện tích được cung ứng gần 300.000ha (chiếm 72% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh). Diện tích này được giao cho chủ rừng là 10 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 5 hạt kiểm lâm trực tiếp chi trả. Gần 20 nghìn hộ dân các huyện miền núi hưởng lợi. Đến nay, 24 đơn vị sử dụng DVMTR có nghĩa vụ nộp hơn 176 tỷ đồng, trong số đó có hơn 100 tỷ đồng đã giải ngân cho các chủ rừng, người dân.
Theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, chính sách đã làm thay đổi ý thức, tập quán của đồng bào, hạn chế thói quen đốt rừng làm rẫy; không phá rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc. Với kinh phí được chi trả, đã tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. “Cái chính của giao rừng là để ràng buộc trách nhiệm cộng đồng dân cư, người dân miền núi xem rừng là tài sản phải giữ gìn” - ông Đức nói. Khi thực hiện chi trả phí dịch vụ, các đơn vị quản lý rừng sẽ có hợp đồng cụ thể với người dân về diện tích, ranh giới, số lượng cây... dựa trên thực địa. Theo các hạt kiểm lâm miền núi, từ năm 2013, Chính phủ chủ trương tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, dẫn đến một số chủ rừng, công ty lâm nghiệp không còn nguồn thu từ khai thác rừng thì nguồn tiền DVMTR giúp cho các đơn vị khôi phục sản xuất, hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng hiệu quả.
Lấy rừng nuôi rừng
Tốc độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra nhờ nguồn tiền DVMTR. Đột phá lớn nhất của chính sách, theo Sở NN&PTNT là ngoài việc tài nguyên rừng được gìn giữ, người dân còn có cơ hội thoát nghèo bền vững, mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt dưới tán rừng tự nhiên. Phương châm “lấy rừng nuôi rừng” được cụ thể hóa. Thực tế, ở những nơi như lưu vực rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, A Vương… do thực hiện chặt chẽ khâu giao rừng thực địa nên từ “điểm nóng” phá rừng đã trở thành điểm sáng giữ rừng. Trước đây, đồng bào đốt rừng làm nương rẫy tái diễn liên tục nhưng từ khi giao khoán đến từng nhóm hộ đã chấm dứt tình trạng này.
Theo các nhóm trưởng nhận khoán rừng ở xã Ma Cooih (Đông Giang), nguồn tiền nhận hàng quý, năm, các hộ trong nhóm đều dùng để đầu tư chăn nuôi, trồng các loại cây dưới tán rừng. Nhiều vụ phá rừng đã được nhóm hộ giao rừng phát hiện, tố giác, nhờ đó đã ngăn chặn kịp thời. Kết quả nghiệm thu rừng trong phạm vi chi trả DVMTR cho thấy, tình trạng khai thác lâm sản, phát rừng làm nương rẫy… giảm mạnh. Theo ông Đức, các nguồn lực đầu tư lồng ghép cộng với chính sách chi trả DVMTR thực sự giúp cho miền núi giảm nghèo bền vững và thực chất. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa cần sự vào cuộc giám sát, theo dõi giao nhận khoán, bảo vệ và vận động người dân giữ rừng của chính quyền địa phương. Mặt khác, bên sử dụng DVMTR phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng góp tiền theo quy định pháp luật, tránh tâm lý chây ì “trả nợ rừng”.
Thông tin vui với người dân miền núi là từ đầu tháng 11, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khó khăn miền núi và cộng đồng dân cư thôn có tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với mức 400 nghìn đồng/ha/năm (quy định hiện hành chỉ 200 nghìn đồng) khi nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã đang quản lý; hỗ trợ trồng rừng bổ sung tối đa 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha cho 3 năm tiếp theo. Và ở các huyện Đông Giang, Tây Giang… ngoài chi trả DVMTR, đồng bào còn được hỗ trợ tiền, con giống phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Đây được xem như cơ chế thông thoáng trong lấy rừng giảm nghèo bền vững.
TRẦN HỮU