(Xuân Nhâm Dần) - Quê ngoại tôi ở vùng B, Đại Lộc. Hồi trước trận lụt năm Thìn, tôi chừng bảy, tám tuổi, tuổi đủ để nhớ như in con đường từ bến sông chợ Phú Thuận về nhà ngoại ở Gia Cốc dài chừng năm cây số rợp bóng cây, râm mát đến độ rêu phủ xanh các bậc cấp vào nhà, cỏ phủ xanh những gốc đa, gốc gạo, mù u... Hạt mù u cho người làm đèn dầu, cho trẻ con trò chơi bắn bi. Trẻ thơ đi bộ năm bảy cây số mà không thấy mệt đủ biết làng quê yên bình dịu mát thế nào.
Tan vỡ không gian làng quê
Khoảng những năm 2000, vì sốt ruột trước cảnh nông thôn đầy những cây tạp không đem lại kinh tế như đa, tre, thầu đâu, bạch đàn…, huyện Đại Lộc ra hẳn một nghị quyết về phá vườn tạp trồng cây kinh tế lấy trái như xoài, bưởi, cam, sầu riêng, măng cụt, ổi xá lị....
Sau một thời gian các cây ăn trái này không lớn nổi, một số cây có lớn như xoài nhưng không cho trái, có thì không đủ cho trẻ con hái ăn chơi. Tất cả đều không hay rằng các cây đó không chịu được mùa lũ lụt Quảng Nam.
Cây nào chịu được nước ngâm cũng không thể cho hoa đậu quả, đơn giản vì Quảng Nam là vùng đất nghịch mùa. Khi hai đầu đất nước mùa mưa thì Quảng Nam khô hạn, và ngược lại, khi Quảng Nam mưa dầm dề thì hai đầu đất nước đang là mùa khô, mùa của cây rụng lá để chuẩn bị qua xuân thì ra hoa kết quả.
Cây giống tốt các nơi về Quảng Nam gặp mưa, lá không rụng được cứ tốt tươi và vì thế không ra hoa đậu quả được. Sự nghịch mùa này khiến cây trái Quảng Nam mãi không có cây gì gọi là đặc sản ngoài trái lòn bon cũng là trái chỉ mọc được nơi gió mùa không đến.
Làng Đại Bường và một số nơi ở Tiên Phước là những trường hợp đặc biệt, được núi che chắn, là một ốc đảo về thời tiết, không bị mưa dầm khi có gió mùa đông bắc nên cây trái có thể phát triển.
Sau chuyện phát động phá bỏ vườn tạp đó, bộ mặt làng quê lại trở nên khô khốc, đi từ Thu Bồn qua Vu Gia tìm bóng cây che nắng là hiếm. Điều này không chỉ xảy ra ở Đại Lộc; Điện Bàn, Duy Xuyên cũng y vậy.
Với ý chí tìm cho ra cây gì, con gì giúp nông thôn mau thoát nghèo đã khiến các địa phương hết trồng keo đến trồng tiêu, rồi trồng điều. Thậm chí một thời cây sắn cũng được đề nghị thay chỗ cho các hàng chè tàu, bụi râm bụt trước sân.
Con người sống trong sự khô khốc và thực dụng đó kéo dài, một rồi hai thế hệ khiến người ta như quên mất thế nào là chất lượng sống, thế nào là môi trường sống có thể giúp con người ta không muốn rời xa nơi đó.
Đâu là mô hình nhà truyền thống?
Nhà ông ngoại tôi có hình chữ L. Nhà trên là nhà ngói 3 gian 2 chái, đủ chỗ đặt 3 giường ngủ, chưa tính gian thờ với bộ phản gỗ mít. Nhà dưới, kết với nhà trên một góc vuông, cũng 3 gian là nhà bếp, phòng ăn cùng nhà kho để lúa và nhiều vật dụng khác. Nhớ như vẫn còn chỗ cho một giường ngủ nữa.
Nơi góc vuông gặp nhau của hai khối nhà ông ngoại tôi làm chỗ ngồi uống trà, nhà không vách, với các hàng lan can ngồi hóng mát. Ngồi ở đó có thể nhìn ra sân trước với lu nước, bụi vạn thọ, bụi trầu không bò lên vách tường, và cũng có thể nhìn ra vườn sau với bụi chuối, giếng nước.
Đây là chỗ mát nhất nhà vì gió ở hướng nào cũng như bị lùa vào cái góc trống đó. Vì khối nhà hình chữ L nên tạo nên một khoảng sân lát gạch thẻ vừa để phơi lúa vừa là chỗ chơi đùa của trẻ con. Quá nhiều kỷ niệm của tôi ở đó!
Ngoài cổng là hàng chè tàu và chiếc cổng là những cây râm bụt đỏ cho hoa quanh năm.
Vấn đề là mô hình kiến trúc nhà hình chữ L đó tôi thấy ở nhiều nhà khác nữa. Rõ ràng đây là kiến trúc nhà truyền thống của vùng Quảng Nam. Nó hòa hợp với môi trường.
Tạo nên nhiều không gian sinh hoạt, sân trước vườn sau đều có thể nhìn thấy ở mọi vị trí trong nhà. Xây dựng cũng không hề cao giá vì là nhà cấp 4. Trong điều kiện mưa bão nhiều thì có thể gia cố nhà bằng nhiều phương pháp.
Thế nhưng mô hình kiến trúc nhà này gần như bị thất truyền. Nông thôn đang giàu lên, người đi làm xa gửi tiền về cho cha mẹ xây nhà nhưng ai làm nhà cũng đối diện với việc không có bất cứ sự trợ giúp nào về kiến trúc.
Cần thay đổi cách nhìn
Ở Quảng Nam thời gian qua, ta thấy Nhà nước đã đầu tư lớn cho nông thôn như làm đường nhựa, đường bê tông nhiều nhưng kèm theo đó nông thôn đang dần đô thị hóa, người dân tranh nhau xây nhà ra mặt đường, dần hình thành những dãy nhà ống bề ngang 5m, như các đô thị.
Không chỉ ở mặt đường, trong các xóm đường nhỏ, cho dù nhà có vườn rộng người dân Quảng Nam cũng thích xây nhà 2 tầng với bề ngang 5 - 6 mét. Xây nhà như người thành phố là sở trường của các đội thợ xây dựng và cũng là mong muốn của nhiều người dân ở nông thôn.
Rõ ràng những ngôi nhà như thùng container mọi sinh hoạt như ăn cơm, tiếp khách đều phải gói gọn trong bốn bức tường, không gian thoáng mát của nông thôn đã không được tận dụng để nâng cao chất lượng sống cho con người, để nhà quê trở nên là nơi muốn trở về hơn hết thảy!
Nhiều người bảo là nông thôn đã hết đất để xây dựng những ngôi nhà có diện tích tối thiểu 300m2 đó. Xin thưa, nếu đừng cố công chường nhà ra mặt tiền các con lộ thì quỹ đất ở nông thôn còn đủ cho mỗi nhà vài ngàn mét vuông. Tất cả chỉ là cách nhìn vấn đề.
Bản vẽ cho nhà ở nông thôn
Chuyện thì to tát, có thể lý luận rất dài về kiến trúc quy hoạch làng quê ở nông thôn, nhanh chóng thay đổi bộ mặt nông thôn trở nên đẹp hơn, đáng sống hơn; nhưng cũng có thể nói thật gọn là: Ở hành lang UBND các xã hãy treo các bản vẽ xây dựng nhà để dân lựa chọn. Kèm theo đó là những đội xây dựng với những bảng giá bảo đảm chất lượng, không phát sinh.
Vâng, chuyện đơn giản vậy mà chưa thấy xã huyện nào làm? Người dân mỗi khi có ý định làm nhà là đối diện với bao phát sinh không hình dung hết. Một nhà ống 100m2 đất làm 2 tầng giờ không dưới 700 triệu đồng, trong khi làm khối nhà hình chữ L nói trên, kể cả việc đổ mái bê tông cũng chưa đến 500 triệu đồng.
Các cấp lãnh đạo đều bàn nhiều đến việc làm đẹp nông thôn, thay đổi bộ mặt nông thôn xin hãy bắt đầu từ việc rất nhỏ này: Treo các bản vẽ xây dựng nhà, có giá từ một 200 triệu đến hơn 1 tỷ đồng cho dân lựa chọn.
Dĩ nhiên đó là những bản vẽ thích hợp cho nông thôn do những kiến trúc sư hiểu biết về nông thôn vẽ nên. Và cũng hãy chú ý rằng mô hình không gian sống của người miền Bắc, miền Nam rất khác với miền Trung, đừng đem mô hình nơi khác về kẻo rồi người ta lại xa lạ ngay trên quê hương mình.