Để sống hay tồn tại?

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/09/2015 08:47

Suốt nhiều ngày qua, dư luận dõi theo chuyện bàn thảo việc tăng lương. Nhiều phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thất bại trong việc tìm tiếng nói chung giữa đại diện giới chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động (với mức đề nghị tăng lương 10 hay hơn 16%). Cho đến trưa hôm qua (3.9), theo báo chí loan tin, phiên họp cuối cùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới thống nhất đề nghị mức tăng bình quân 12,4% (tương đương từ 250 nghìn đến 400 nghìn đồng/tháng, tùy theo vùng).

Dù đã thống nhất nhưng theo phát ngôn của đại diện hai phía (giới chủ và người lao động) dường như vẫn chưa thỏa mãn. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mức tăng 12,4% là vượt quá khả năng chi trả của giới chủ, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, mức tăng lương 12,4% không cao như mong muốn và như vậy là người lao động đã phải chấp nhận chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Nghịch lý hiện nay là nếu nâng lương quá cao thì người lao động được cải thiện mức sống tốt hơn nhưng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì giá thành sản phẩm đội lên, giảm sút năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp có tồn tại, phát triển thì người lao động mới có việc làm, có lương. Ngược lại, người lao động cũng phải làm với năng suất cao hơn thì mới tăng lương được.

Phải đợi đến tháng 10, Chính phủ mới quyết định phê duyệt là có tăng lương 12,4% theo đề nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hay không. Tuy nhiên, ngay cả được phê duyệt tăng lương thì suy tư về điều kiện sống của công nhân và người lao động vẫn chưa dừng lại. Bởi theo Bộ luật lao động 2012 (điều 91) quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Nhưng luật có hiệu lực vài năm rồi mà lương tối thiểu vùng hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và chúng ta không biết cần bao lâu nữa để đáp ứng nhu cầu tối thiểu ấy. Một số chuyên gia phân tích rằng, mức lương trung bình của Việt Nam khá thấp khi so sánh với các nước trong khu vực, chỉ cao hơn Lào và Campuchia (?!). Bỗng nhiên, người viết bài này nhớ lại cách đây hơn 20 năm ra trường với tấm bằng đại học, về làm ở địa phương được hưởng lương khoảng 178 nghìn đồng/tháng. So sánh thời giá lúc đó bằng phân nửa chỉ vàng, thì đến bây giờ lương công nhân có vùng cũng chỉ bằng chừng ấy, được khoảng 2,1 triệu đồng/tháng. Không cần tính chi li để thấy mức lương như vậy có “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” hay không, nhưng rõ ràng đó là tồn tại chứ chưa thể nói là sống tốt, thỏa mãn gì.

Tồn tại, chỉ cần mức tối thiểu của ăn, uống, duy trì hơi thở. Còn sống, phải đâu chỉ là tối thiểu? Và nếu người lao động chưa nuôi nổi chính bản thân họ thì có đâu tới gia đình?

Bài toán đặt ra cho các nhà quản lý chính là tìm ra giải pháp hữu hiệu để hài hòa, làm sao để người lao động có mức lương đủ sống và doanh nghiệp được bảo đảm có lợi nhuận. Để sống hay tồn tại vẫn là một thử thách cho cả doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp ra đời và Việt Nam càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để sống hay tồn tại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO