Đêm ở Đắk Ốc

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG 31/12/2015 07:40

Đêm ở cửa khẩu Đắk Ốc xuống nhanh. Cả cao nguyên rộng lớn le lói ánh đèn điện. Dù vậy, đó là cả một sự thay đổi lớn lao với những người đã từng gắn bó…

Trong ký ức của chị Nguyễn Thị Thanh, cửa khẩu Đắk Ốc trước đây chênh vênh trên đỉnh núi giữa bạt ngàn rừng, năm thì mười họa mới có bóng người qua lại. Đó là những người lính biên phòng làm nhiệm vụ ở vùng biên. Khi đó, chị là cô giáo vừa mới ra trường, chân ướt chân ráo lên đây gieo chữ. “Ngày ấy, từ Đà Nẵng phải ngồi xe đò một ngày mới tới Bến Giằng, qua đò rồi đi xe ôm lên Pà Lừa là hết đường. Từ Pà Lừa, gùi muối, mì chính, cá khô… số thực phẩm cho khoảng một học kỳ - rồi đi bộ cắt rừng khoảng 3 ngày mới tới nơi. Ngôi trường nằm lọt thỏm giữa rừng, nơi chỉ có đồng bào dân tộc và bộ đội biên phòng. Lúc đó, mỗi năm chỉ về xuôi được 2 lần, một lần là nghỉ hè và một lần vào tết” - chị Thanh kể.
Đã 20 năm kể từ ngày ấy, chị Thanh giờ không còn là cô giáo của bản làng nữa mà đã là chủ của một quán tạp hóa lớn nhất ở cửa khẩu Đắk Ốc. Cũng bởi cuộc sống quá khó khăn, giấc mơ con chữ không trọn vẹn, hơn nữa chị bén duyên với một chiến sĩ biên phòng đang công tác ở đây, vậy là buôn bán lặt vặt kiếm tiền đong gạo. Dần dần, quán của chị ngày càng mở rộng, và hiện tại là quán lớn nhất ở cửa khẩu với đầy đủ nhu yếu phẩm, thậm chí cả phòng nghỉ lưu trú cho cánh tài xế đường dài. “Hồi đó dựng cái quán cốt yếu để trao đổi vật phẩm với người dân, lúc thì rau lúc ít thịt rừng, cốt yếu là để ở gần chồng con chứ có bao giờ nghĩ sẽ phát triển đến thế này đâu. Có nằm mơ cũng chẳng nghĩ là điện sẽ được kéo lên tới đây…”- chị Thanh nói.

Cửa khẩu Đắk Ốc mang nhiều kỳ vọng mở ra bước phát triển mới cho kinh tế địa phương cũng như khu vực miền Trung.
Cửa khẩu Đắk Ốc mang nhiều kỳ vọng mở ra bước phát triển mới cho kinh tế địa phương cũng như khu vực miền Trung.

Nói cửa khẩu Đắk Ốc chưa xứng tầm cũng đúng, bởi cơ sở vật chất vẫn đang tiếp tục xây dựng, chưa có gì gọi là trung tâm thương mại ngoài hàng quán nhỏ buôn bán lặt vặt. Khách hàng chủ yếu là người Lào, nơi những bản làng giáp ranh. Họ thuộc nhánh người Giẻ Triêng, di cư từ Việt Nam. Cứ mỗi bận săn được con thú, kiếm được cây nấm linh chi hay lim xanh lại đem đi đổi gạo, nước mắm. Chúng tôi lên tới Đắk Ốc khi một nhóm người Lào mang con heo rừng xuống đổi gạo. “Cứ đến mùa, họ lại vào rừng đặt bẫy. Mùa đặt bẫy của họ kéo dài từ khoảng tháng 7 cho đến cuối tháng 11 thì nghỉ. Khi săn được thú rừng, họ giữ lại cái đầu để treo trong nhà, còn lại đem đi đổi nhu yếu phẩm…”- anh Nguyễn Hồng Cường, chồng chị Thanh giải thích.

Cánh tài xế đường dài tranh nhau món lạ, chỉ một lúc con heo rừng đã được chia sạch. “Ở đây đồ ăn khan hiếm nên mỗi khi có miếng ngon ai cũng muốn. Cánh tài xế ngoài cơm và mì gói ra chẳng còn gì để ăn, giờ được bữa cải thiện, hết nhanh là phải”- anh Cường cười bảo. Có hơn 10 chiếc xe tải chở gỗ từ Lào về đang dừng lưu trú làm thủ tục hải quan. Đã gần một tuần vẫn chưa xong, phòng khách không đủ nên nhiều người lấy ca-bin làm nhà, cơm cháo qua ngày chờ được thông hành.

Người dân huyện Đắk Chưng - Lào trao đổi nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Thanh tại cửa khẩu Đắk Ốc.
Người dân huyện Đắk Chưng - Lào trao đổi nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Thanh tại cửa khẩu Đắk Ốc.

Đêm xuống nhanh, gió lùa tứ phía đẩy màn sương lạnh buốt. Cái lạnh khiến cánh tài xế liên tục nâng chén, vừa để “tiêu sầu” những ngày nằm chờ vật vã, vừa để chống lại cái rét. Là tài xế thường vận chuyển gỗ từ Lào về cho các doanh nghiệp - Huấn kể - Đắk Ốc hiện tại đã thay đổi rất nhiều so với trước, nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây. “Ít ra giờ cũng có cơm mà ăn, có lạnh thì cũng có thể mua chăn mà đắp. Chứ như trước đây, anh nào mới đi lần đầu cũng “dính chưởng” với lạnh thấu xương trên này trong khi ở dưới kia đang nắng như đổ lửa. Đến gói mì còn khó huống gì kiếm cái áo để mặc, cái chăn để đắp?”- Huấn nhăn mặt, đặt ly rượu xuống rót cho người kế tiếp. Ly rượu xoay vòng. Hơi men như làm ấm lòng những người xa xứ.

“Khi cửa khẩu Đắk Ốc thông thương, cự ly vận chuyển từ vùng Đông Bắc Thái Lan đến cảng Đà Nẵng chỉ 600km, trong khi vận chuyển đến cảng Laem Chabanh, ở gần Bangkok phải mất hơn 900km. Việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển đến các nước Bắc Á nếu thông qua cảng biển như: Tiên Sa (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi) đi hết 1.600 hải lý, trong khi thông qua cảng Bangkok đi hết 2.800 hải lý. Nếu so sánh với các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị) thì hành lang kinh tế Đông Tây - EWEC2 thông qua cửa khẩu Đắk Ốc sẽ rút ngắn cả gần 1.000km. Vì vậy, cửa khẩu Đắk Ốc không chỉ khai sáng người dân ở dãy Trường Sơn mà còn mở ra sự đổi thay cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” - bà Lê Thị Thu Bồn, Phó trưởng ban quản lý cửa khẩu Đắk Ốc cho biết.

Đối với một người làm kinh tế, khoảng thời gian 10 năm là quá dài để phát triển. Nhưng, với những gì hiện ra, cửa khẩu Đắk Ốc đang có sự chuyển mình rõ rệt, ít nhất cũng đã mang dáng dấp của một hành lang kinh tế Đông - Tây nhiều hứa hẹn. Giờ, đường lên biên giới đã thảm nhựa, không còn khó khăn như trước. Người dân cả hai phía đều đã nhận ra sự hiện diện của một khu vực thương mại giao thương buôn bán. Không còn cái cảnh ngồi bó gối đếm người mua vui như những năm trước.

“Nói thật, nhiều lúc chẳng để ý là nó đã thay đổi đến đâu, bởi quanh năm suốt tháng chỉ lo vốn ở đâu để làm, vốn ở đâu để xây dựng. Xác định là vùng hứa hẹn có tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng cả tỉnh đâu chỉ có mình Đắk Ốc? Còn bao nhiêu công trình khác cũng cần, không thể chăm chăm một mình ở đây được. Điều đó dễ hiểu. Khó cũng từ đó mà ra. Có muốn làm nhưng chưa có vốn thì cũng chịu chết…” - bà Lê Thị Thu Bồn, Phó trưởng ban Quản lý cửa khẩu Đắk Ốc tâm sự.

Là người gắn bó từ thuở cửa khẩu Đắk Ốc chỉ là một vùng đồi núi hoang vu, hơn ai hết bà Thu Bồn biết rõ những đổi thay đang từng ngày khai mở. Hoạch định là thế, tiềm năng là thế nhưng nếu không có sự đầu tư thì điều đó chỉ mãi nằm trên giấy, vì thế mà người phụ nữ gần như là duy nhất ở đây từng ngày cố gắng đi kêu gọi, tìm nguồn tài trợ giúp cửa khẩu thay da đổi thịt. Bà Thu Bồn khẳng định, khi cửa khẩu Đắk Ốc thông thương trong một vài năm tới không chỉ đời sống đồng bào hai huyện Nam Giang và Đắk Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) được nâng cao mà sẽ là cơ hội lớn cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bởi lẽ, thông thương qua cửa khẩu Đắk Ốc sẽ rút ngắn hơn rất nhiều quãng đường từ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nối với Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Mới đây, ngân hàng ADB, Bộ Giao thông vận tải vừa lên khảo sát lập phương án nâng cấp tuyến đường QL14D dài 74,4km từ Bến Giằng để kết nối với tuyến QL16B của Lào, nhằm tạo thành hành lang kinh tế Đông - Tây thứ hai. Đây là tuyến đường kết nối từ Nakhon (Thái Lan) xuống Pắk Sế, qua Lào đến cửa khẩu Đắk Ốc với tổng mức đầu tư dự toán ban đầu là 130 triệu USD. “Nếu tuyến đường này được đầu tư nâng cấp, mở rộng thì đó là một lợi thế vô cùng to lớn giúp cho người dân cũng như kinh tế khu vực được phát triển. Hiện tại, trên tuyến đường biên giới vẫn còn quá ít dân cư, thiếu các dịch vụ hỗ trợ vận tải như trạm xăng, trạm dừng nghỉ hay trạm sữa chữa máy móc… Nếu được đầu tư đúng mức, tin rằng đó là một bước đột phá cần thiết giúp kinh tế của địa phương cũng như khu vực được nâng cao” - bà Thu Bồn cho hay.

Đêm xuống nhanh hơn, gió thênh thang dạo bước trên bạt ngàn núi. Cái tĩnh mịch đến sớm hơn nơi phố thị, chỉ còn ánh điện nơi phía cuối ranh giới, cánh cửa biên giới đang được những người thợ ngày đêm làm việc. Ở nơi đó, có nhiều gửi gắm, có nhiều kỳ vọng vào một tương lai xán lạn khi cửa khẩu đã mở.

 Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đêm ở Đắk Ốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO