Đèn dầu chong tết

BẢO ANH 24/01/2023 06:08

(VHQN) - Tết này, tôi lại sẽ trở về ngôi nhà xưa của mình, lau chùi, châm dầu, khơi bấc cho hai chiếc đèn dầu cũ, để kịp châm lên ngọn lửa của cũ xưa, của yêu thương ấm áp, của thiêng liêng trước khi dâng lễ phụng rước gia tiên về ăn tết cùng gia đình, con cháu...

Ngọn đèn dầu chứa nhiều hoài niệm.
Ngọn đèn dầu chứa nhiều hoài niệm.

Điện thắp sáng kéo về quê tôi đúng vào dịp tết cách đây tròn 30 năm. Khoảng thời gian từ ấy đến bây giờ đủ lâu để những vật dụng sinh hoạt trong nhà chạy bằng điện trở nên cũ hoặc hỏng phải thay mới đôi ba lần. Đủ lâu để những món đồ “lạc hậu”, không dùng điện, phải lui vào lãng quên.

Vậy mà ở nhà tôi, có tới hai chiếc đèn dầu hỏa, đến giờ vẫn còn nguyên. Và mỗi năm một lần, vào dịp tết, hai chiếc đèn dầu lại được lau chùi sạch sẽ rồi được đặt ở nơi trang trọng và quan trọng nhất trong nhà: một trên bàn thờ gia tiên, một trên bàn thờ Táo quân trên nóc bếp.

Hồi chưa có điện, cây đèn dầu là “trung tâm” của mọi gia đình mỗi khi đêm xuống. Quanh cây đèn dầu, cả nhà xúm xít ăn cơm tối. Quanh cây đèn dầu, cha ngồi tính chuyện lúa má, mẹ ngồi khâu vá áo quần cho bầy con.

Bên cây đèn dầu, trẻ con ê a học bài... Tất nhiên, mọi thứ phải làm thật nhanh, để cây đèn không phải hoạt động quá lâu. Dầu hỏa là hàng hóa thiết yếu, không rẻ và không phải lúc nào cũng có thể mua được, thành ra phải dùng dè sẻn, tiết kiệm.

Trẻ học bài bên ngọn đèn dầu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trẻ học bài bên ngọn đèn dầu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhưng vào những ngày tết, việc sử dụng đèn luôn có... ngoại lệ. Đèn được thắp trên bàn thờ gia tiên thâu đêm suốt sáng, từ khi rước ông bà về ăn tết cho đến khi hết tết. Vì sao ư? Ông bà cô bác quanh năm “sống” nơi âm giới tối tăm, tết là dịp quay về vui vầy cùng con cháu, chong đèn như một cách thi ân thảo thơm, đặc biệt để giữ lửa cho việc hương khói gia tiên trong ba ngày tết.

Hồi ấy, khi đi thăm tết bà con gia tộc, xóm giềng, có một việc không ai không làm, ấy là thắp hương trên bàn thờ của gia đình mình đến thăm. Ống đựng hương và chiếc đèn dầu đang cháy luôn được đặt ở chỗ dễ nhìn thấy nhất trên bàn thờ, để ai cũng có thể dễ dàng lấy hương và đốt lên.

Hương chỉ được đốt lên từ ngọn lửa của chiếc đèn dầu trên bàn thờ, tuyệt đối không đốt từ ngọn lửa nào khác. Đó là ngọn đèn của gia đạo, gia phong, của phước ấm ông bà; hương phải được đốt lên từ ngọn lửa của chính chiếc đèn ấy thì mới tròn tâm, vẹn đạo...

Ngoài bàn thờ gia tiên, đèn dầu còn được hào phóng chong cả ngày lẫn đêm ở gian bếp trong mấy ngày tết. Những năm tháng khó nghèo chưa xa ấy, chiếc bật lửa cũng là của hiếm.

Để có lửa nấu nướng hằng ngày, nhà nào cũng phải ủ bếp, đến bữa thì khui tro ra, nhét một nùi rơm vào rồi thổi cho đến khi ngọn lửa bùng lên. Trẻ con ở quê ngày ấy hình như ai cũng đã từng rất nhiều lần cầm nùi rơm sang nhà hàng xóm xin lửa, nếu bếp nhà mình ủ không kỹ, than lụi mất, không thổi lửa lên được.

Ngày thường mất lửa thì không sao, nhưng ngày tết mà mất lửa thì... xui xẻo cả năm(!). Vậy nên, cùng với ủ than trong bếp thì việc chong ngọn đèn trên bàn thờ Táo quân để giữ lửa là một cách dự phòng rất nên làm.

Cho đến bây giờ, ở nhà tôi, hai chiếc đèn dầu hỏa vẫn được được đốt lên, xuyên tết, bên cạnh đèn điện. Bởi ngọn lửa điện kia làm sao có thể thay thế được cái lung linh, gần gụi; làm sao gợi được bao nhớ thương cũ xưa, ấm áp... của ngọn lửa đèn dầu. Đốt nén nhang trầm trên bàn thờ tổ tiên thời khắc giao thừa, mới thấu hết sự thiêng liêng, ngưỡng vọng tổ tiên ông bà, là sợi dây kết nối thế hệ để con cháu dõi theo mà sống tử tế và được che chở, bình an.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đèn dầu chong tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO