Mùng 3 tết. Khi sương giăng chưa tỏ mặt người, mẹ đã vội trở dậy chuẩn bị quang gánh, để ra chợ. Phiên chợ đầu năm là “mở hàng” lấy hên, để cả năm mua may bán đắt…
Đi chợ ngày đầu năm, với những đàn bà ở khắp vùng miền, là đi để nghe tiếng rổn rảng bán mua, đi để mang lộc đầu xuân về nhà. Thức hàng mang trở về, đôi khi chỉ một gói muối hột – để mua cái mặn mà cho gia đình, vài con cá mương đầu nguồn – để cả năm may mắn, hay có khi chỉ là những câu chúc tụng, hỏi thăm. Chỉ vậy thôi, mà phiên chợ đầu năm không thể dừng được. Mẹ mỗi năm tất tả, để bán, để mua, từ tiếng cười cho đến lời chúc đầu xuân…
Đi chợ đầu năm, nhiều người mang về một gói muối hột. |
Chợ núi, chợ sông, chợ đường; chợ làng, chợ huyện, chợ tỉnh; chợ ngày, chợ phiên, chợ mai, chợ chiều; chợ gạo, chợ nón, chợ heo, chợ gà…, mùa nối mùa đi qua đều chờ phiên chợ đầu năm. Người ta đi chợ thong dong hơn ngày cuối năm. Không có cái chen lấn vội vã cho kịp ngày giờ của những bữa giáp tết. Càng không có cái câu mâu bán buôn của những bữa ngày thường. Những khuôn mặt đàn bà sáng bừng trong nắng lơ phơ đầu ngày mùa xuân. Đi chợ, không phải để bán mua giật giành, mà để đi chơi xuân, trẩy hội, cầu may. Tự bao đời nay, người vùng đầu nguồn Thu Bồn đã có cái tục vậy. Mùng 3 tết đi chợ trong bộ áo quần mới, là để cầu may, chúc tụng. Bà cô lớn tuổi ngày cuối năm ngoái vẫn ráng dành lại một vạt rau quế thơm lừng để sớm Mùng 3 cắt mang ra chợ, đi bán lấy cái may mắn. “Được mùa” nhất là những người làm nghề chài lưới. Mùa xuân, cá theo bầy bơi dưới lòng sông, chọn giờ xuất hành vào đêm Mùng 2, giăng lưới mở hàng là được một mẻ cá đầu mùa. Kinh nghiệm dân gian của người vùng đầu nguồn, ngày đầu năm nếu bắt được mẻ cá mương thì ắt hẳn năm đó làm ăn thuận lợi. Chưa kể, nước sông mùa này dềnh dàng, cũng đồng thời là mùa sinh sôi của sản vật sông nước, nên chợ đầu nguồn Trung Phước (Nông Sơn), thức hàng nào cũng tươi roi rói. Phiên chợ đầu năm, sắc xuân theo chân những bà, những chị ra chợ. Gặp nhau, chúc nhau, thêm một câu hỏi không bao giờ thiếu “đã mua được cá mương chưa” là nét riêng của phiên chợ quê thượng nguồn.
Chợ đầu xuân tấp nập người mua kẻ bán. |
Câu nói dân gian “đầu năm mua muối” vẫn chưa phai lạt trong đời sống, dẫu mùi tết đã ít nhiều phai phôi. Muốn thấy tết, ngửi tết, nghe tết, thì hãy ra chợ. Nếu chợ ngày cuối năm rực rỡ sắc xanh đỏ của hàng quán, nghe ra cả sự hối hả trong từng bước chân đi của người bán kẻ mua, ngửi được bao nhiêu thứ mùi chỉ có vào bữa giáp tết, thì chợ ngày đầu xuân, lại vô cùng thơ thới. Nó vẫn có mùi tết, nhưng là mùi vị của sự thảnh thơi, mùi áo quần mới của người bán người mua, người đi dạo chợ, mùi tươi non của rau ngò mới hái, mùi bánh kẹo đầy chật trong túi áo trẻ con… Và người ta lại mua về những thứ nhà mình không thiếu, như hột muối sống. Từ chợ phiên vùng đầu nguồn đến ngôi chợ miền xuôi, từ buổi chợ quê của vùng thuần nông Gò Nổi đến chợ phố đã hàng trăm năm như chợ Hội An, ở vùng nào của xứ Quảng, ngày Mùng 3 tết cũng đầy ắp tiếng người cười nói, chúc nhau… ở chợ. Và lại hỏi: “Chị đà mua muối chưa?”, như một lời nhắc, hay có khi, còn như một lời chúc, một mong muốn của người đối diện, rằng một năm khởi đầu bằng sự mặn mà. Người xứ Quảng, hay cả người Việt, có lẽ, chỉ mong có vậy. Mặn mà, đậm đà tình nghĩa, mà sống với nhau, xác định ngay từ sự khởi đầu.
Mua cá mương ở phiên chợ cầu may ở Trung Phước (Nông Sơn). |
Lại nhắc chuyện đi chợ. Lại nhớ về những người mẹ. Má mình, hay má chồng, cả cuộc đời, đi qua những bến sông sạp chợ. Hơn ai hết, những người mẹ tảo tần luôn hiểu và yêu quý cái không gian gắn chặt với cuộc đời mình. Nên họ thèm đi chợ, nhớ chợ, dù mới chiều ba mươi đây còn thở không ra hơi vì chuyện bán buôn ngày tết. Chơi tết muôn nơi nhưng sáng Mùng 3 phải đi chợ đầu xuân. Đó là cái nếp, hay có khi, còn là cái lẽ sống. Rằng con người mình, đâu thể nào rời xa được cái chợ. Cuộc đời cũng đã là một cái chợ đó thôi. Thế thái nhân tình đủ cả trong ấy. Đi chợ xuân ngày đầu năm mới, là để dặn mình hãy bắt đầu cuộc đời mình năm này, như bắt đầu một cuộc dạo chợ. Và dĩ nhiên, là với tâm thế của người đi chợ xuân. Thơ thới. Tươi trẻ. Không giật giành rổn rảng.
Dưới cái nắng vàng hoe se se gió đầu xuân, tôi thấy mình đứng trước cổng chợ, chẳng ngỡ ngàng, trên tay cầm một gói muối, như bao người phụ nữ khác.
SONG ANH