Sau khi thi tốt nghiệp THPT sẽ là câu chuyện thi đại học, cao đẳng, trung cấp… Cánh cửa vào đời của những ai vừa tốt nghiệp lớp 12, bắt đầu từ đó. Vẫn là chuyện thi vào trường nào?
Một người quen kể rằng cách đây 3 năm, con anh thi, cả nhà ao ước nó đậu được trung cấp. Thiên hạ sau khi biết, ồ lên, nó thi đậu trung cấp hả? Ồ theo kiểu ngỡ ngàng tưởng là đậu đại học.
Học xong, chỉ một năm sau khi đi làm, nó khẳng định khả năng vượt trội, dẫn dắt luôn nhân viên trong nhóm mà hầu hết là người tốt nghiệp đại học. Làm cho tư nhân, ông chủ chẳng nề hà bằng cấp, phong luôn chức trưởng phòng. Nó vui, bởi gia đình đã tôn trọng chọn lựa của nó. Đam mê, làm đúng ngành mình thích, đó là điều hài lòng với nó nhất trong câu chuyện nghề nghiệp.
Chuyện khác, một nữ sinh thích báo chí, sau đó lại chuyển đam mê qua ngoại ngữ, nhưng gói tiền học phí cao, bèn rẽ sang thiết kế thời trang sau khi trình cho người ta xem một phác thảo về thời trang. Bây giờ bạn đó chỉ chờ có kết quả thi tốt nghiệp là vô học đại học. Hỏi lý do vì sao chọn đến trường thứ 3, câu trả lời tỉnh táo rằng: “con phát hiện ra mình thích nhất là tạo mẫu”.
Có quá nhiều chọn lựa ngành nghề. Trên báo luôn có dòng tít cho bài, đại khái như ngành này đang hot, ngành kia sẽ hot. Dự báo này xuất phát từ xu hướng vận động của xã hội, khi những đòi hỏi không ngừng về nhu cầu, cả những nảy sinh bất ngờ từ phát kiến khoa học, đem lại những cơn chấn động về phương thức tiếp cận một công việc mới, kéo theo làn sóng tìm việc. Điều này tác động ghê gớm đến sự chọn lựa của gia đình và chính thí sinh.
Nhưng, đời không là mơ. Người chọn nghề hay nghề chọn người, đến lúc này chẳng có một thống kê dù tương đối và đưa ra những phân tích. Những định hướng nghề nghiệp là dành cho một nhóm người nếu họ ưa thích khi đã sớm xác định điểm rơi, còn lại đa số, họ đứng ở ngã ba ngã bảy.
Tất nhiên, đến giờ G, ai cũng phải lên tàu và ga đến sẽ đến. Có điều, xuống ga, bạn đi đâu, làm chi và làm thế nào, lại là một câu chuyện không hề ngắn và đơn giản.
Vừa rồi có thông tin nhiều em bỏ thi đại học đi xuất khẩu lao động để đổi đời. Đem cái này quy chiếu vô chuyện chọn nghề là khập khễnh, nhưng rõ ràng cánh cửa đại học không còn quá hấp dẫn với người ta, khi gánh nặng áo cơm, sự thật sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp, đụng chi làm nấy để mưu sinh, đầy ra đó, phản chiếu một góc tâm trạng và hành xử của xã hội.
Đang trong giai đoạn cơ hội mà xã hội tạo việc làm cho người học hành bài bản ra đi làm không dễ dàng, cho nên việc lựa chọn trường, ngành là việc cần cân nhắc. Nhưng, đọc được mình muốn chi, để có thể từ đó đi suốt cuộc đời bằng nghề đã chọn, hoặc nếu có trái nghề, thì nó vẫn tạo cho mình một phông kiến thức phù hợp với đam mê sở thích, là việc không uổng phí.
Đi học bây giờ, đúng là khổ. Chừng 25 năm trở về trước, khổ nhất là cơm áo chứ không phải áp lực chuyện học, dù lúc đó mỗi lớp đại học tuyển vào không bao giờ quá 50, thậm chí 40 sinh viên. Bây giờ một rừng áp lực bủa vây, khi vào đại học không khó, miễn là có tiền.
Nhưng học xong thì đi đâu? Nhưng không thể không học, bởi có học chi cũng là kiếm một cái nghề để sống. Xã hội chuộng bằng cấp, hư danh là thùng thuốc nhuộm loang lổ đau khổ với bao người. Sự mất cân bằng giữa thực tế đào tạo và nhu cầu xã hội, tạo ra những cơn đau âm thầm ở bao lớp người trẻ. Học, thi, thi, học. Không nén nổi tiếng thở dài…