(QNO) - Năm nay, thời tiết có phần thuận lợi nên hoa đót đua nhau nở sớm. Những ngày giáp Tết, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) đi huyện Đông Giang, Tây Giang, nhiều người tranh thủ bứt đót để có một cái tết no ấm.
Phơi đót. Ảnh: Nhật Duy |
Năm nay, mùa đót thuận lợi đem lại niềm phấn khởi cho bà con Cơ Tu vùng cao Nam Giang bởi giá đót trên thị trường cao hơn hẳn mọi năm. Ngay từ tờ mờ sớm đã nghe người làng í ới gọi nhau vào rừng. Nét mặt phấn khởi, chị Alăng Thị Lành, một trong số người đi bứt đót chia sẻ: “Hiện tại đót có giá, làm đót không phải bỏ công trồng chăm sóc, chỉ siêng năng đi chặt là kiếm được nhiều tiền nên ai cũng ham. Đến nay mình đã bứt được trên 500kg đót tươi, bán được 3 triệu đồng. Phải cố gắng làm để dành dụm tiền xoay xở trong gia đình, mua quần áo, giày dép cho con đón tết”.
Sau mùa nương rẫy, đồng bào Cơ Tu thường vào rừng tìm kiếm nguồn lợi để có cái ăn, cái mặc. Tùy theo từng mùa, rừng lại cho "lộc” khác nhau. Dịp này, bên cạnh khai thác đót, không ít người dân nơi đây còn đổ vào rừng săn lùng nấm linh chi để bán tết, bởi nấm linh chi trở nên khan hiếm và có giá cao ngất ngưỡng.
Với cây đót, không chỉ là nguồn thu đáng kể của đồng bào miền núi mà còn là món lộc rừng của người dân miền xuôi, nhất là vùng Đại Lộc. Hằng năm, cứ đến mùa đót người dân các địa phương của huyện Đại Lộc cũng nô nức đi bứt đót, đa phần là để nhập cho các cơ sở sản xuất chổi đót.
Vừa ra khỏi rừng với bó đót kiếm được nặng khoảng hơn 30kg được vác trên đôi vai chai sần và đôi tay tứa máu vì bị lá đót cắt, anh Lương Vũ, một người dân sống ở xã Đại Phong (Đại Lộc) chia sẻ: "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt, đót nhiều nhưng khai thác cực quá phải đi hết rừng này sang rừng khác mới mong hái được”. So với mọi năm, thời tiết năm nay thuận lợi nên đót sinh trưởng mạnh và đời sống của hàng trăm người dân cũng nhờ nguồn lợi phong phú đó mà cải thiện. Bình quân mỗi ngày mỗi người có thể bứt được từ 30- 40kg đốt, với giá bán tươi 6.000-6.500 đồng/kg, trung bình mỗi người kiếm được ngày công khoảng 200.000-250.000 đồng/ngày. Vụ khai thác đót có thể kéo dài trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ thời điểm cây đót trổ bông, tức bắt đầu từ thời điểm tháng Chạp trở đi.
Thu mua đót tươi. Ảnh: Nhật Duy |
Dịp tết, nguồn “lộc rừng” góp phần nuôi sống những người con của núi rừng và cư dân các vùng lân cận, đồng thời cũng góp phần đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ đối với những tiểu thương chuyên mua đót. Dịp này, rất đông tiểu thương từ dưới xuôi cũng tất tả ngược nguồn để thu mua đót tươi vừa được người dân khai thác bán kiếm lãi.
Ông Phan Định (thôn Thuận Mỹ, Đại Phong, Đại Lộc), một tiểu thương cho hay: thời tiết năm nay thuận lợi, đót được mùa nên những ngày này bà con đã kéo nhau đi hái đót về bán cho các tiểu thương dưới xuôi lên thu mua. Bình quân 1kg đót tươi chỉ có giá 6.000-6.500 đồng, song nếu phơi khô, giá thành hơn 25.000 đồng/kg. Mỗi mùa như vậy, tôi thu mua được hàng chục tấn đót để phơi khô, chủ yếu cung cấp cho các cơ sở sản xuất chổi đót trên địa bàn Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… Dịp này, người đi phơi đót thuê cho tiểu thương cũng tấp nập bởi mỗi cơ sở thu mua, trữ đót với số lượng lớn đều cần nhiều nhân công để phơi và sơ chế đót trước khi cung cấp cho các cơ sở làm chổi. Việc phơi đốt thuê cũng giải quyết được ngày công lao động nhàn rỗi ở nông thôn với ngày công từ 100-150.000 đồng/ngày/người.
Cây đót - nguồn “lộc rừng” cũng là một trong những cây xóa đói giảm nghèo tự nhiên của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, cây đót ở vùng rừng núi Quảng Nam hiện vẫn còn là cây mọc tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả; việc thu hoạch nguồn lợi này còn mang tính tự phát, chưa có định hướng để người dân khai thác hiệu quả nhằm tạo ra giá trị cao.
H.LIÊN - N.DUY