Đi qua những mùa lũ

LÊ TRÂM 12/11/2017 07:33

Như người mang sẵn mạng Thủy, số tôi cứ gắn bó với… lũ lụt(?). Nhà chuyển đi chuyển lại ba lần, toàn trúng vùng đất thấp. Căn nhà của tôi ở bên bờ sông Ly Ly là điển hình của câu chuyện dài kỳ về các mùa lũ dữ. Ở đó hơn 10 năm, xen giữa là một cuộc chiến tranh, nên sự ám ảnh càng thêm dữ dội. Vùng đất thấp ven sông, tách biệt hẳn so với các cụm dân cư khác, làng tôi trở thành “vùng sâu vùng xa” dù rằng chỉ cách đường Một có hai, ba cây số tính theo đường chim bay!

Giúp nhau chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo. (Ảnh minh họa)
Giúp nhau chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo. (Ảnh minh họa)

Thời trước và sau những năm 1960, nhà cửa còn tạm bợ, chủ yếu là nhà vách phên bằng tre, mái lợp rơm rạ hay tranh săng, nền nhà thấp lè tè nên dường như quanh năm nhìn ra sông là đã thấy… lụt rồi! Mỗi nhà mỗi ghe, mấy cặp dằm, cứ đến mùa hè là lo đi mua dầu rái tận trên chợ Đồn về trét lại ghe chuẩn bị đối phó với lụt lội. Chừng đôi năm là phải đan lại ghe mới. Phải dòm chừng các bụi tre có nhiều tre chắc để kiếm cho được cặp be ghe. Rồi chuẩn bị tre để làm nan. Để đan một chiếc ghe cần khá nhiều nan. Đan ghe là một công trình lớn ở xóm tôi. Ai “lên” được một chiếc ghe mới coi như yên tâm với những mùa lũ sắp tới. Sau ghe là… giàn hoặc gác. Gọi là gác cho oai thực ra đó chỉ là những thanh tre cột ngang tầm kèo nhà, trên ấy ai khá thì lót bằng ván gỗ, thường là những tấm ván được xẻ từ các cây thầu đâu trồng trong vườn. Không có gỗ thì thay bằng sạp tre hoặc các thanh tre, miễn sao có chỗ để người già và trẻ em ngồi là được. Phần còn lại để chứa trăm thứ hằm bà lằng từ lúa gạo, đậu, giống, thúng mủng giần sàng các thứ.

Mỗi năm, dự đoán theo mức độ lớn nhỏ, nhanh hay chậm của cơn lũ mà chuyển đồ đạc lên sớm hay trễ, riết rồi cũng trở thành kinh nghiệm đối phó với lũ. Đã thành thói quen, mùa lũ về, cái xóm nhỏ chừng như thêm sự kết dính mới. Người ta quan tâm xem nhà ai có người già, nhà ai có người đau ốm hay sinh đẻ sẽ được ưu tiên trước, nghĩa là nếu lụt lớn thì sớm chuyển về các nhà cao hoặc có gác chắc chắn, nếu nước lớn quá thì chuyển vào tận làng Đồng Tràm, vùng cát cao không bao giờ ngập lụt. Với nhà ai neo người thì bà con hàng xóm xúm nhau chuyển giúp đồ đạc, heo quéo. Mùa lũ sẽ nghe nơi này nơi kia í ới hỏi thăm nhau rằng nước đã vô tới đâu rồi, lúa má heo quéo ra làm sao. Khi thấy nước có khả năng lên cao là các nhà có trâu bò “đánh” vào tận bờ đê cao hoặc vào luôn Đồng Tràm tránh lũ. Đi kèm theo là cỏ hoặc rơm để trâu bò ăn trong suốt những ngày tránh nạn. Có khi phải chuyển cả heo gà đi nữa.

Mùa lũ về mọi sự liên lạc chủ yếu trên ghe. Thực sự cần thiết mới chèo ghe qua sông nhưng đến khi nước “khỏa gành” là thôi, coi như chấm dứt chuyện sang sông. Chỉ đến khi nước “bình”, nghĩa là nước dừng lại, không lên, không xuống, mới tính chuyện rủ nhau chèo ghe đi chợ. Thường là nhiều nhà rủ nhau đi chung hoặc riêng nhiều ghe để cùng đi chợ Đồn. Khi nước đã phủ trắng làng, đường lên chợ Đồn đi bằng “đường nước” gần hơn rất nhiều. Đi chợ Đồn mùa lụt vừa là công chuyện vừa là niềm vui của cả xóm. Vì thế có người dù không mua sắm gì vẫn cứ hăng hái cho mượn ghe hoặc chèo ghe “không công” để đi chợ. Có người lên trên ấy không đi chợ mà tình nguyện ở lại chỗ để “giữ ghe” giùm. Với họ, hình như được đi như thế đã sướng lắm rồi! Mùa lũ, còn có dịp để bắt cá, bắt rắn, nhử chim hay diệt chuột. Có năm, mùa màng khá chút đỉnh thì rủ nhau “đụng” con heo vừa vừa để chia nhau. Nhưng thường rất hiếm bởi ngày ấy còn rất nghèo. Sau này về nơi ở mới đông đúc hơn nhưng sự “kết dính” như khi ở làng cũ không còn nữa, nhiều khi nghĩ cũng tiếc.

Đi đôi với chút “sáng” trên thì mỗi khi lũ về phải chịu cơ cực trăm bề. Nhất là những lần lũ về quá nhanh và lũ về trong đêm thì nhiều khi trở tay chẳng kịp. Khi lũ quá lớn, nghĩa là lút gác và tệ hại hơn là lút nóc nhà thì mọi chuyện đã vượt khỏi tầm tay con người. Mọi chuyện chỉ còn biết phó thác cho trời! Một mùa lũ dữ năm Thìn – 1964 đã cuốn trôi đi bao nhiêu trâu bò, lúa má xóm tôi. Nhà cửa trong xóm cái đổ sập cái bị trôi mất, phải mấy năm sau mới dần dần khôi phục được. Với nhiều người, phải mất khá nhiều năm sau mới hoàn hồn! Và sự ám ảnh thì cứ dai dẳng với không ít người. Sau này, nhà cửa kiên cố hơn nhưng cùng với tốc độ phá rừng nhanh đến chóng mặt, sự tác động của việc xả lũ của các thủy điện khiến các cơn lũ diễn biến phức tạp, khó lường và thiệt hại cũng lớn hơn rất nhiều. Các cơn  lũ các năm 1999, 2000, 2007, 2009... đã gây bao nhiêu thiệt hại về mùa màng, nhà cửa, bao nhiêu người đã chết và mất tích oan uổng. Đi qua bao mùa lũ mới thấy rằng trước kia dù mọi thứ còn tạm bợ nhưng việc đối phó với các cơn lũ có vẻ bài bản và khá hợp lý còn bây giờ xem chừng mọi chuyện còn đang rất bấp bênh và nhiều bất trắc bởi sự khó lường của lũ. Sự biến đổi của khí hậu cộng với những tác động lớn của con người vào thiên nhiên đang rất cần những lời giải đáp hợp lý hơn.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi qua những mùa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO