Quảng Nam từ một tỉnh đói nghèo đã từng bước trở mình với biết bao đổi thay trong đời sống người dân. Khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, lằn ranh giữa cái nghèo với sự khá giả dần trở nên mờ nhạt khi toàn xã hội đồng hành, cùng chung tay xóa đi khoảng cách đó.
Đẩy lùi cái khó
Bây giờ đến Bắc Trà My, muốn tới những xã xa xôi nhất không phải là việc khó, bởi những con đường nhựa hay bê tông đã nối liền đến nhiều bản làng. Từ một huyện miền núi thuộc diện đói sau ngày giải phóng, dù hiện nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao (49,63%), nhưng để có được kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu không ngưng nghỉ của địa phương có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này. Cùng với sự trợ sức từ trung ương và tỉnh, Bắc Trà My bằng nội lực đã đồng hành với người nghèo và trên con đường chung đó có bước chân của cán bộ, đảng viên địa phương.
Các cơ sở giáo dục ở miền núi được xây dựng ngày càng khang trang.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Năm 2011, nhận được sự trợ sức từ tập thể Văn phòng HĐND&UBND huyện Bắc Trà My, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (thôn Dương Thạnh, xã Trà Dương) mới đủ lực để thoát nghèo. Chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính, nuôi một lúc 6 người con đang tuổi ăn học, bà Hòa chỉ dám nghĩ đến “mỗi bữa con được ăn no là mừng” chứ đâu dám nghĩ tới chuyện thoát nghèo. Chỉ từ con heo nái được hỗ trợ ban đầu, bà Hòa và chồng đã gầy lên thành đàn; vợ chồng còn chăm chỉ trồng trọt, sản xuất, lấy ngắn nuôi dài, lấy thu hoạch tái đầu tư sản xuất, số dư chắt chiu tiết kiệm... Cùng với sự quan tâm giúp đỡ, động viên thường xuyên của cán bộ Văn phòng HĐND&UBND huyện, gia đình bà Hòa dần ổn định cuộc sống, nay đã hết nghèo. Hay gia đình ông Võ Văn Kiểm (thôn Đông Phú, xã Trà Đông), từ xuất phát điểm “hộ nghèo nhất xã”, bây giờ nhà cửa được sửa sang khang trang, con cái được chăm lo học hành đến nơi đến chốn khi ông thoát cái nghèo. Trong tay ông Kiểm giờ đã có 1 bò mẹ và 2 bò con từ sự hỗ trợ con bò cái sinh sản của Phòng Tài nguyên & môi trường huyện. Cũng như hộ bà Hòa, gia đình ông Kiểm còn được hỗ trợ nhiều mặt từ ưu tiên bố trí đất sản xuất, giúp vốn làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi… của cán bộ Phòng Tài nguyên & môi trường huyện. Ông Hoàng Thanh Thanh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường huyện Bắc Trà My nói: “Tất cả hộ nghèo mà đơn vị đồng hành từ năm 2011 đến nay đều đã thoát nghèo bền vững. Kết quả này có được từ sự đồng tâm của tập thể cán bộ, đảng viên đơn vị, cùng với ý chí, quyết tâm thoát nghèo của người nghèo. Muốn đồng hành với hộ nghèo, mình phải là người bạn, hiểu rõ nguyên nhân khiến họ nghèo. Rồi trao đổi xem nguyện vọng họ muốn làm gì để bàn bạc tìm hướng đi tốt nhất và trợ sức. Đồng hành không chỉ là đưa con bò, con heo rồi để họ làm gì thì làm, mà phải đi cùng họ cả quá trình, giúp về cả vật chất lẫn tinh thần để họ vượt qua được cái nghèo”.
Xã bãi ngang chuyển mình
Tam Thăng là xã diện khó khăn duy nhất còn “sót” lại của TP.Tam Kỳ. Dù vậy, Tam Thăng vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 chỉ còn 1% số hộ nghèo. Con số chỉ tiêu này đã nói lên tất cả, khi mà cách đây 40 năm, hộ nghèo đói chiếm đến hơn 2/3 số hộ dân của Tam Thăng. Bây giờ, chương trình bãi ngang ven biển, nông thôn mới, cùng với hàng loạt chính sách khác đầu tư đồng bộ, diện mạo Tam Thăng đã đổi khác. Hệ thống giao thông liên xã phủ kín, một cây cầu bản đã nối liền thông thương giữa Tam Thăng với xã Bình Nam (huyện Thăng Bình). Trạm y tế, trường học, chợ đều được xây dựng mới và tiến tới đạt chuẩn. Người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người nghèo nhận được sự quan tâm, trợ sức của cả cộng đồng nên đời sống không còn quá khó khăn như trước. Bà Phạm Thị Thúy (thôn Vĩnh Bình) chia sẻ: “Chị em tôi đều đơn thân lại hay bị bệnh nên cuộc sống khó khăn. May nhờ có sự giúp đỡ của thôn, xã nên chúng tôi có nhà để ở, có thẻ bảo hiểm y tế để thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, khám bệnh xin thuốc. Xã, thôn cũng hay tới thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nên chị em tôi sống đỡ vất vả hơn trước nhiều”.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết: “Chỉ nói từ năm 2000 đến nay, Tam Thăng đã có sự đổi thay không nhỏ. Bộ mặt của xã chuyển biến tích cực qua từng năm, từ cơ sở hạ tầng đến đời sống nhân dân. Hàng loạt chính sách từ trung ương, tỉnh đến thành phố đều tập trung giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân địa phương. Từ nay trở đi, số hộ nghèo còn lại của Tam Thăng sẽ được tập trung hỗ trợ sản xuất để thoát nghèo. Đồng thời xã đang kêu gọi đầu tư mạnh vào Khu công nghiệp Tam Thăng, với kỳ vọng giai đoạn 1 sẽ giải quyết được việc làm cho hơn 10 nghìn lao động của xã và các xã lân cận”.
Hướng tới an sinh bền vững
Không thể nào kể hết những chủ trương, chính sách mà hộ nghèo hay hộ dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đã thụ hưởng, nhưng chắc một điều rằng, tất cả chính sách đó đều vì mục tiêu giảm đói nghèo và hướng đến an sinh xã hội bền vững. Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: “Hàng loạt chính sách an sinh về y tế, giáo dục, văn hóa... đã tác động mạnh mẽ đến công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; sự quan tâm đầu tư cũng tăng bậc. Nếu ở giai đoạn 2006 - 2010, tổng nguồn kinh phí thực hiện các chính sách an sinh cho toàn tỉnh chỉ là hàng trăm tỷ đồng, thì giai đoạn 2011 - 2015, mỗi năm mức kinh phí đầu tư 1.600 tỷ đồng. Hàng loạt chính sách chung, riêng, đặc biệt là chính sách đặc thù của tỉnh như cấp thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn học sinh sinh viên, tín dụng cho hộ nghèo, cấp bù kinh phí cho người dân tộc thiểu số khám chữa bệnh, lo cho cán bộ phụ trách giảm nghèo ở xã, gần nhất là chính sách khuyến khích giảm nghèo bền vững... đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh và bền vững, hướng đến đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài”.
Nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội không còn là việc của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của tất cả ngành, đoàn thể và cộng đồng. Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học đều được kêu gọi kết nghĩa, giúp đỡ xã nghèo, thôn nghèo miền núi hay các địa chỉ khó khăn cụ thể. Sự trợ giúp không đơn thuần chỉ là giúp cái ăn cái mặc mà giúp về sinh kế, giúp cho những hộ nghèo khó có điều kiện làm ăn, có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Sự trợ giúp dần đi vào thực chất, sau khi xác định nguyên nhân (nghèo do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đất đai hay thiếu lao động...) sẽ đi vào trợ giúp từ gốc, nhưng kiên quyết loại trừ nguyên nhân chây lười lao động. Sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội đã giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến nay chỉ còn 12%, và một số địa phương như Tam Kỳ hay Hội An phấn đấu năm 2015 sẽ không còn hộ nghèo.
DIỄM LỆ