Hôm qua, truyền thông lại đưa tin chùa Cầu phải “kêu cứu” vì xuống cấp nghiêm trọng mà chưa tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả. Từ chuyện này lại nghĩ tắt ngang đến những sự kiện liên quan việc thi hành Luật Di sản trong nhiều năm qua, cho thấy một vấn đề nhức nhối diễn ra lâu nay, đó là nhiều khi do những quy định không rõ ràng trong luật và cả thiếu vắng vai trò của các nhà chuyên môn đã dẫn đến việc vi phạm rất phổ biến ở nhiều địa phương.
Đối với các di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, ai cũng biết giá trị của nó chính là ở chỗ gắn liền với những vấn đề lịch sử lẫn nhân văn mà nó chứa đựng. Những xâm hại các di tích như xây dựng lấn chiếm khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia thành Điện Hải (Đà Nẵng) trước đây, đập phá để xây dựng lại đền thờ Lý Chiêu Hoàng (Hà Nội)… đã vô tình hay hữu ý cắt đứt mối liên hệ của một giai đoạn lịch sử đối với di tích đó. Có trường hợp như khi trùng tu đình Hải Châu, thờ các tiền hiền khai canh làng Hải Châu Đà Nẵng - được nhiều sắc phong từ triều Nguyễn, theo thiết kế của Bộ VH-TT trước đây đã hầu như xóa bỏ hoàn toàn kiến trúc nguyên gốc, thay vào đó là những mô tip nhà rường “bánh ít” rất xa lạ với kiến trúc đình làng ở miền Trung từ thời Lê, Nguyễn. Một di tích lăng mộ các danh nhân xây dựng theo kiến trúc thời Tây Sơn theo phong cách Quảng Nam, khi trùng tu lại biến đổi theo kiểu lăng mộ các vua chúa nhà Nguyễn ở kinh đô Huế với các hoa văn, họa tiết không phù hợp theo kiểu lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia cũng rất thường gặp gần đây. Khi chúng tôi nêu thắc mắc, một quan chức địa phương đã trả lời rằng nếu không thuận theo thiết kế ấy thì sẽ không được... cấp kinh phí, vì thiết kế đã được duyệt!
Gần đây, GS.Phan Huy Lê cho biết: “Khi soạn thảo các dự án luật, ban soạn thảo chỉ lấy ý kiến UBND các tỉnh/thành và các Sở VH-TT-DL theo hệ thống ngành dọc, hoàn toàn không tổ chức lấy ý kiến các cơ quan nghiên cứu khoa học, các hội chuyên ngành và các chuyên gia...”. Chính điều đó đã tạo ra các khiếm khuyết của luật và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm thường thấy trong việc bảo vệ di tích.
Thậm chí, có trường hợp khi lập đồ án quy hoạch cho một khu di tích cấp quốc gia, theo Luật Di sản, cần phải báo cáo với Bộ VH-TT-DL hoặc Cục Di sản, là các cơ quan quản lý di tích theo quy định của luật, nhưng rất tiếc các đề xuất ấy lại không được các địa phương quan tâm!
Người viết từng chứng kiến cảnh sau khi có thông báo phân bổ vốn đầu tư trùng tu các di tích đến cấp huyện, thị xã thì lập tức đã có mặt các đơn vị thi công được chỉ định (là một đơn vị xây dựng dân dụng) đến hiện trường đo vẽ và lên thiết kế. Đơn vị này lại phải “chạy cho được” giấy chứng nhận năng lực trùng tu di tích. Trên thực tế họ chẳng có năng lực gì về trùng tu và chẳng hiểu gì về Luật Di sản!
Một điều đáng tiếc nữa, từ khi có Luật Di sản năm 2001 và Luật Di sản sửa đổi năm 2009 đến nay, mặc dù các vi phạm trên thực tế không phải là không ít, song việc áp dụng xử phạt lại khá hiếm hoi. Chính những bất cập đó, số phận các di sản vẫn tiếp tục chông chênh...