Ngoài sự bào mòn của thời gian, thiên tai, các di sản văn hóa luôn gặp phải những thách thức trong “vòng đời” của mình. Không hề dễ để các di sản thích ứng, thích nghi với làn sóng phát triển đang mạnh mẽ mỗi ngày… Câu chuyện ghi nhận từ các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của xứ Quảng với những nỗi lo đang lớn dần trong việc bảo tồn các giá trị.
Văn hoá vùng cao luôn có sức hút đặc biệt và cần phải được bảo tồn. Ảnh: A.L.Ngước |
ĐỐI DIỆN THÁCH THỨC
Những khó khăn không chỉ tồn tại với địa bàn vùng núi – nơi các di sản văn hóa gần như bị xếp sau cùng trong các cuộc phát triển. Ngay như các Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An hay Mỹ Sơn, những nỗi lo về ngày mai của di sản, vẫn không hề ít…
Lo tìm truyền nhân
Ở vùng cao, vai trò của cộng đồng làng được xem như thước đo giá trị chủ thể của di sản trước dòng chảy của thời cuộc. Yếu tố đó sẽ quyết định sự “tồn vong” của di sản. Nhưng, khó khăn lớn nhất ở vùng cao trong việc giữ giá trị di sản không phải ở chỗ thiếu trách nhiệm của cộng đồng, mà còn ở ý thức của lớp trẻ - những chủ thể kế cận của di sản trước nguy cơ mai một không ngừng. Theo già làng Clâu Blao (ở thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang), lâu nay người Cơ Tu luôn tự hào về loại hình nghệ thuật nói lý - hát lý của đồng bào mình, nhất là sau khi loại hình văn hóa này trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vào năm 2015. Là một loại hình nghệ thuật ứng khẩu rất độc đáo của đồng bào Cơ Tu, nói lý - hát lý có vai trò thông tin đến người nghe về câu chuyện, sự việc, mở lời giới thiệu, hoặc giải quyết mâu thuẫn nội bộ bằng những hình ảnh ví von đầy tính ẩn dụ, nhẹ nhàng và kín đáo. Trong câu lý bao giờ cũng ẩn chứa nhiều lớp nghĩa lý rất sâu xa, gợi lên những sắc màu về không gian cuộc sống cộng đồng vùng cao gắn liền với thiên nhiên và tín ngưỡng. Vì thế, lý lẽ càng nhiều tầng nghĩa càng thể hiện về tài năng thông minh, sự khôn khéo của người nói lý - hát lý. Bởi vậy, muốn đối đáp lại đầy đủ “cái lý” của người nói - người hát, người nghe phải tự lập luận sắc bén cho riêng mình để không hiểu sai ý của người muốn nói. “Xuất phát từ những yếu tố đó, cộng với nghệ thuật nói lý - hát lý được thể hiện theo kiểu ứng khẩu linh hoạt và không có bài mẫu chung nên gây rất nhiều khó khăn trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chưa kể nhiều người trẻ bây giờ, không chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ người lớn tuổi, khiến nghệ thuật nói lý - hát lý có nguy cơ thất truyền”, già Blao nói.
Chùa Bà Mụ - một trong những di tích văn hóa Hội An đang được trùng tu tôn tạo. Ảnh: L.T.Khang |
Cũng như nói lý - hát lý, điệu múa trống chiêng, kiến trúc điêu khắc, nghệ thuật chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm… cũng dần vắng bóng người trẻ. Điều đó khiến nhiều người lo ngại rằng, chừng vài chục năm nữa, khi các cụ cao niên đã lần lượt trở về với ông bà, thì liệu di sản của đồng bào có bị quên lãng, biến mất? Nói như thế để hình dung, bây giờ, ở nhiều vùng, hiếm hoi lắm mới thấy đồng bào diện trang phục truyền thống để cùng vui với hội trống chiêng trong dịp cưới hỏi.
Ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang từng chia sẻ rằng, văn hóa của đồng bào vùng cao đang bị “sân khấu hóa” vì du lịch, vì sự cách điệu của một vài chủ thể ngày nay. “Trước sự giao thoa văn hóa như hiện nay, chúng ta phải biết tự giữ mình. Sa đà quá, vô tình sẽ tự đánh mất chính mình, đánh mất những giá trị di sản của đồng bào mình” - ông Bằng nhấn mạnh. Thực tế, khi chứng kiến điệu múa của đồng bào miền núi trong các dịp lễ hội mang tính chất “trình diễn”, nhiều người dễ dàng nhận ra rằng, môt số tiết tấu của trống chiêng, cũng như vũ điệu truyền thống đang dần được cách điệu khác so với nguyên bản. Chưa kể, ở nhiều làng bản, đồng bào vô tư “mượn” chất liệu trang phục hiện đại để làm… phong phú, mới lạ cho trang phục truyền thống của mình!
Những biến động không thể dừng…
Và nếu câu chuyện miền núi lắm trăn trở về sự hẫng hụt với lớp người truyền thừa của chủ thể di sản, thì ngược lại, ở đồng bằng, sự xuất hiện cư dân chọn cách sinh sống bằng “lợi ích” di sản mang lại ngày càng nhiều. Hội An là một điển hình cho sự tìm tới ngày mỗi cao của các cư dân khắp nơi. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An chia sẻ, đây là một câu chuyện không thể dừng được trong chuỗi hành trình phát triển của Đô thị cổ Hội An. Ngay cả trong quá khứ, ông Trung nói, văn hóa Hội An phong phú chính từ các thành phần dân cư khắp nơi tìm tới và gầy dựng nên. “Không có luật nào ngăn cản người ta tìm tới Hội An sinh sống. Nhưng vấn đề là, hãy nhớ ngay thời chúa Nguyễn, triều đình đã dùng những thương nhân người Hoa để làm nên câu chuyện về thương mãi của Hội An hay thậm chí cho phép lập nên các phố người Hoa, người Nhật..., mang theo văn hóa phong tục tập quán của mình. Tôi luôn nghĩ là đô thị hóa ở Hội An không giống như những vùng khác, tức là trong câu chuyện biến động dân cư có sự hòa nhập rất lớn với vùng đất này của bản thân người tìm tới. Con đường hình thành đô thị thương cảng Hội An khác hẳn với các nơi. Bây giờ thử ngẫm lại, tôi nghĩ đã có sự lặp lại của 500 năm trước, chỉ khác một điều, người dân trước đây tìm tới Hội An định cư, còn bây giờ, người ta tìm tới Hội An để mua hàng, hay thuê kinh doanh… Và cái khó là ở đây” - ông Trung trầm ngâm. Rất nhiều câu chuyện ứng xử về kinh doanh lẫn văn hóa của Hội An hiện tại đã ít nhiều ảnh hưởng đến “dáng vẻ” thuần hậu của vùng đất này. Khi một lượng lớn dân cư gốc không còn sống trong phố cổ, sự tiếp nhận về người mới chưa được chuẩn bị, đã gây khó cho việc bảo tồn văn hóa phố cổ.
Biến động dân cư chỉ là một trong những cái khó mà Hội An đang phải đối mặt trong chuỗi câu chuyện bảo tồn các giá trị văn hóa của mình. Hàng loạt khó khăn tiềm ẩn phía sau sự phát triển xem chừng đang rất mạnh mẽ này. Ông Trung chia sẻ thêm, Hội An có nỗi lo về thiên tai như hầu hết vùng đất khác đang gặp phải, trong đó, câu chuyện ngâm lụt hằng năm chưa phải chuyện lo nhất. “Lụt của chuyện từ xưa giờ của Hội An ngay lúc hình thành vùng đất, vì đây là vùng hạ lưu. Borri đã từng viết về sự hồ hởi của người dân Faifo mỗi khi đến mùa lụt đó sao. Nhưng bây giờ, không phải lụt mà là lũ. Người Hội An quen sống chung với lụt, và bây giờ thì tìm cách sống chung với lũ. Bảo tồn di tích gỗ và gạch cũng phải có cách thức để thích nghi. Nhưng đó chưa phải là chuyện duy nhất về thiên tai. Nỗi lo biển lở đang hiện diện từng ngày, ít nhất đã phá vỡ cảnh quan chung về một nơi hội tụ nhiều điều kiện phát triển du lịch như Hội An” - ông Trung nói thêm.
Thiên tai không phải là điều chỉ có di sản văn hóa thế giới Hội An gặp phải. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, Quảng Nam là vùng đất thường xuyên bị bão lụt, và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn di sản của vùng đất. “Từ lụt bão đến độ ẩm không khí đều là yếu tố ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc cổ. Lụt gây xói lở, ảnh hưởng đến nền móng kiến trúc, trong khi đó, bão thì khỏi phải nói thêm, mức độ hư hại có thể không đong đếm được sau mỗi cơn bão” - ông Tịnh nói. Chưa kể, đội ngũ nhân lực chuyên môn về ngành bảo tồn di sản văn hóa vẫn là câu chuyện khó từ các cấp địa phương đến tỉnh. Ông Nguyễn Chí Trung nói, ngay cả ở Hội An hiện tại, việc tìm kiếm đội ngũ kế cận với những hiểu biết chuyên môn về di sản vẫn còn khó. Đã đến lúc phải có một đội ngũ bảo tồn chuyên nghiệp, không chỉ là với các di sản văn hóa đã được định danh. Đồng quan điểm này, ông Hồ Xuân Tịnh bộc bạch: “Thực sự vẫn chưa có người chuyên nghiệp có kinh nghiệm với công tác bảo tồn. Ở các địa phương, hầu như đều có người làm công tác văn hóa, kiêm nhiệm thêm công việc bảo tồn bảo tàng, kiến thức hạn chế vì không được đào tạo chuyên môn. Bản thân chủ nhân của công trình di tích cũng không có kỹ năng để bảo tồn nó theo cách khoa học”. Cả câu chuyện kinh phí dùng để bảo tồn vẫn chưa bao giờ ngừng là trăn trở, thách thức của quá trình giữ gìn và phát huy di sản.
THÍCH ỨNG TRƯỚC THAY ĐỔI
Nhận diện được những nỗi lo cũng chính là lúc cần phải tìm ra những phương cách để di sản thích ứng với vòng xoáy phát triển.
Dệt ở vùng cao - di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: A.L.Ngước |
Là người có nhiều tâm huyết với di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Co, Ca Dong, Xê Đăng,… nhạc sĩ Dương Trinh - Chi hội trưởng Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số và miền núi (Hội VHNT tỉnh) cho rằng, tại địa bàn các huyện miền núi Nam - Bắc Trà My, nhiều lễ nghi truyền thống, phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào đang bị lai căng trước sự giao thoa mạnh mẽ từ cuộc sống hiện đại trong những năm gần đây. Ngay đơn giản việc đám cưới, trước đây đồng bào các dân tộc đều thực hiện theo lễ nghi truyền thống cộng đồng, nhưng nay đã “chuyển” sang theo hình thức phổ thông như đồng bào Kinh. Chưa kể, lớp trẻ khác dân tộc lấy nhau, chung sống theo lối sống hiện đại đã vô tình “quên lãng” các giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ tiếng nói, trang phục, cho đến đời sống sinh hoạt, tâm linh. Chính vì thế, để di sản văn hóa của đồng bào miền núi không bị biến dạng, mai một trước sự giao thoa, theo nhạc sĩ Dương Trinh, rất cần duy trì tổ chức các lễ hội cộng đồng làng, cũng như có cơ chế đầu tư mở các lớp truyền dạy về chữ viết, tiếng nói cho con em đồng bào đang bị “lai hóa”, giúp các em tự hào về cội nguồn, dân tộc mình.
Nghệ nhân dân gian Bh’riu Nga (ở thôn Aliêng, xã A Ting, huyện Đông Giang) cũng đề xuất nên duy trì lễ hội cộng đồng, lễ hội truyền thống của đồng bào miền núi. Bởi không đâu xa, chính không gian lễ hội sẽ giúp lớp trẻ nhìn thấy được câu chuyện của di sản văn hóa, khơi dậy lòng tự hào về nét đẹp trong đời sống hàng ngày của đồng bào mình. “Như lễ hội đâm trâu, nếu bỏ đi đột ngột cũng sẽ kéo theo nhiều vấn đề, những hệ lụy sau này. Bỏ đâm trâu, vô tình chúng ta bỏ dần nhiều lễ nghi, phong tục tốt đẹp có giá trị văn hóa cao mà chỉ trong lễ hội truyền thống mới có. Hơn nữa, vai trò của già làng trong cộng đồng là rất quan trọng, phát huy được vai trò đó, là chúng ta đã giữ được ít nhiều giá trị di sản của mình trước nguy cơ mai một” - ông Nga nhấn mạnh.
Quảng Nam gần như là tỉnh thành đầu tiên trên cả nước có một đề án bảo tồn di sản văn hóa, trong đó cụ thể đến từng mức đầu tư kinh phí đối với việc bảo tồn tu bổ di tích. Ông Hồ Xuân Tịnh chia sẻ, văn hóa từ trước giờ luôn có sự biến đổi, vấn đề là chúng ta phải kiểm soát được sự biến đổi đó. “Những hoạt động cộng đồng cần được tổ chức rộng rãi và phong phú hơn dưới nhiều hình thức. Ý thức về giá trị văn hóa dân tộc cần được truyền dạy ngay từ thuở bé, điều này lại liên quan đến giáo dục. Ví dụ ngay ở chuyện lễ hội truyền thống, bao giờ cũng có hai mặt, nếu mình không biết cách bảo tồn đúng nguyên trạng thì sẽ dẫn đến việc biến tướng. Từ một tập tục thành hủ tục, ranh giới rất mong manh. Có những biến đổi theo chiều hướng có lợi và cũng có những biến đổi bất lợi. Vậy thì cần phải có bản lĩnh mới có thể chọn lọc những điều hay ho để giữ và có các kỹ năng phòng vệ trước những biến đổi trái chiều” - ông Tịnh nói. Và luôn giữ quan điểm điều đóng vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn di sản văn hóa phải là con người, ông Nguyễn Chí Trung nhấn mạnh, di sản văn hóa giống như sức khỏe của người già, cần phải được đảm bảo “thăm khám” thường xuyên. “Và nó cần những bác sĩ có tay nghề. Tôi luôn nghĩ phải có một đội ngũ chuyên nghiệp về bảo tồn di tích, di sản văn hóa. Đặc biệt, với tốc độ phát triển như Quảng Nam hiện tại, nên chăng việc hình thành những chính sách thích ứng với từng vùng đất cụ thể, quy hoạch đánh giá từng di sản cũng như một cơ quan quản lý di sản thống nhất” - ông Trung cho biết.
Những lo ngại cho một tương lai, hẳn không thể tránh được, nhất là đối với thứ ký ức đã hiển hiện trong một thời gian dài. Ngay từ lúc này, thêm một động thái tích cực với di sản văn hóa, đã góp xua đi đôi phần lo lắng trong ngàn thứ rào cản để di sản văn hóa tồn tại lâu dài.
TỰ HÀO VỐN LIẾNG QUÊ HƯƠNG
Giữa những lo lắng, “vốn liếng quê hương” dần mai một, có những người vẫn “sống chết” để giữ và phát huy giá trị truyền thống, tạo nên nét văn hóa độc đáo.
Văn hóa vùng cao luôn có sức hút đặc biệt và cần phải được bảo tồn. Ảnh: A.L.Ngước |
Bền bỉ giữ làng
Mấy hôm nay, người dân thôn Thanh Nhất (Cẩm Thanh, TP.Hội An) hồ hởi vì quyết định khá “lạ” của chính quyền xã. Bởi, nơi này sẽ không xây dựng một thiết chế mới mang tên nhà văn hóa – như bao địa phương đã từng làm và lãng phí, mà bắt đầu phục dựng lại đình làng Thanh Nhất. “Đây là sự quyết liệt bắt đầu từ những người già của làng. Tại sao không thể mang lại sức sống cho một thiết chế cũ mang bản sắc của địa phương, mà phải xây dựng một công trình khô khan mới? Đây cũng chính là hướng của Hội An trong vài năm tới, đưa yếu tố tín ngưỡng của cộng đồng dân cư để làm nên tính cố kết cộng đồng – thứ quan trọng nhất để bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể” - ông Trung nói.
Miền núi, trong những “khoảng tối” tưởng chừng không còn cách nào khác để giữ lấy giá trị di sản văn hóa của đồng bào trước nguy cơ mai một, thì ở một số làng bản của đồng bào Cơ Tu, Co, Xê Đăng… vẫn còn những con người thầm lặng cùng cộng đồng ngày đêm tìm hướng bảo tồn và đưa những tinh hoa của cha ông đến với bên ngoài. Trong số hiếm hoi điểm sáng cộng đồng ấy, phải kể đến dân làng Agríh (xã A Xan, huyện Tây Giang) - nơi còn lưu giữ gần như nguyên vẹn nghề dệt truyền thống Cơ Tu từ nhiều năm nay. Agríh cũng là ngôi làng đầu tiên ở địa phương thành lập được câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ trong thôn nhằm vừa tạo thêm thu nhập, vừa góp sức gìn giữ nghề dệt truyền thống. Theo chị Pơloong Thị Choói, một thành viên CLB dệt thổ cẩm ở Agríh, trước đây, khi chưa thành lập CLB, phụ nữ trong thôn chỉ thỉnh thoảng mới ngồi dệt thổ cẩm, thời gian còn lại đều dành cho công việc nương rẫy. Nhưng từ hơn 2 năm nay, cứ mỗi buổi tối, các chị em lại cùng ngồi bên khung dệt bằng gỗ dưới “ngôi nhà chung” được thanh niên trong thôn dựng lên cạnh gươl làng, để dệt ra các sản phẩm truyền thống độc đáo. “Ngôi nhà chung này”, vì thế vừa là không gian để chị em ngồi dệt thổ cẩm, vừa là nơi để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm cho khách hàng. “Hồi xưa, phụ nữ chỉ dệt để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, nhưng bây giờ, dệt thổ cẩm có thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm cho khách hàng. Nếu chăm chỉ, một người mỗi tháng cũng kiếm từ 2 - 3 triệu đồng” - chị Choói chia sẻ. Để tạo sự đa dạng, phong phú cho sản phẩm làng nghề, cũng như đẩy mạnh nâng cao chất lượng thương hiệu thổ cẩm Agríh, bên cạnh tìm những mẫu mã mới, các chị em trong CLB còn học cách phối màu chỉ, tạo những họa tiết độc đáo theo vòng cườm, giúp mở rộng thị trường tiêu thị. Dù vậy, theo chị Choói, hoa văn kết hợp tông màu chuẩn đỏ - đen theo lối kết hợp truyền thống vẫn được chị em phụ nữ ở Agríh lưu ý, nhằm giữ nguyên bản nét thổ cẩm Cơ Tu. Ngoài ra, lồng ghép trong các buổi dệt thổ cẩm, các chị em phụ nữ ở Agríh cũng tranh thủ truyền đạt giúp các em gái trong thôn biết cách ngồi dệt, tạo ra một sản phẩm thổ cẩm độc đáo.
Và cuộc tìm kiếm “tử tế”
Trong câu chuyện về những thách thức vô hình mà các giá trị di sản văn hóa gặp phải, trong đó, văn hóa phi vật thể gần như luôn phải đối diện với nỗi lo tồn vong của mình. Và những cuộc tìm kiếm truyền nhân một cách tử tế đã truyền một dòng năng lượng mới để người ta xây nên niềm tin về sự hiện hữu vững chắc của những giá trị này. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, để có những thế hệ chịu đi theo một loại hình văn hóa truyền thống, thì phải để cho họ nhìn thấy tương lai của các loại hình này. Và đó chính là điều Hội An luôn dành rất nhiều ưu đãi cả về kinh phí lẫn nhân lực để phục hồi những giá trị văn hóa cổ truyền, từ cả các làng nghề truyền thống lẫn các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Trong khi đó, ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, bên cạnh khôi phục làng nghề dệt truyền thống tại các thôn bản đồng bào Cơ Tu, những năm qua địa phương còn tạo điều kiện hỗ trợ giúp các nghệ nhân truyền dạy điệu múa cồng chiêng cho các em thiếu nhi; vận động người dân góp sức xây dựng gươl tại hầu hết khu dân cư tập trung; cũng như tìm hướng cụ thể giúp truyền nối nghệ thuật nói lý - hát lý qua các thế hệ; đồng thời gắn công tác bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch và cộng đồng làng Cơ Tu ở Tây Giang.
Ở cộng đồng vùng cao, những cái tên như: Hồ Văn Dinh, Dương Lai (Bắc Trà My); Y Kông, Bh’riu Nga (Đông Giang); Kêr Tic, Clâu Blao, Bh’riu Pố (Tây Giang);… vẫn luôn được nhắc đến như cầu nối giữa các thế hệ người làng, với bao niềm tự hào và lòng tôn kính về những công sức đóng góp của họ cho công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể suốt hàng chục năm qua. Như già Hồ Văn Dinh, người đã dành hơn nửa cuộc đời của mình để gắn bó với nghệ thuật múa hát cồng chiêng Ca Dong và là nghệ nhân duy nhất ở Bắc Trà My còn tâm huyết truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, nghệ thuật đánh cồng chiêng Ca Dong cho thế hệ trẻ tại địa phương. Hay như già làng Y Kông, người truyền cảm hứng cho đồng bào Cơ Tu khôi phục nghề điêu khắc kiến trúc ở gươl, phù điêu trang trí nhà mồ, nói lý - hát lý. Ông cũng là người đầu tiên ở Đông Giang tự làm chiếc quan tài cổ Cơ Tu kỳ lạ và mở không gian văn hóa Cơ Tu để đón du khách ghé thăm.
Chính từ những con người như vậy, niềm tin về bản sắc của một vùng đất sẽ tiếp tục được níu giữ, tôn vinh.
LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN