Nửa thế kỷ qua đi, cho dù vật đổi sao dời nhưng hình ảnh về ngôi trường mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ở thôn Đại Đồng (xã Tam Lộc, Phú Ninh) và 11 sinh linh bé bỏng đã nằm xuống do bom đạn của địch tại ngôi trường này không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những người sống cùng thời.
Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi được thành lập vào ngày 2.9.1965 tại thôn Đại Đồng, xã Kỳ Phước (nay là xã Tam Lộc, Phú Ninh) theo sự chỉ đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Bắc Tam Kỳ và Tiểu ban Giáo dục tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian này, thầy cô giáo của huyện Bắc Tam Kỳ đã về các vùng giải phóng vận động phụ huynh cho con em theo học trường giải phóng. Trường có 2 phân hiệu, trong đó phân hiệu I đặt tại xóm Tiểu Tây, Tiểu Bắc và xóm Bộng thôn Đàn Trung, xã Kỳ Ngọc (nay là xã Tam Dân, Phú Ninh) do thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải trực tiếp phụ trách. Ban đầu, các lớp học được tổ chức tại nhà dân, sau đó thầy trò tự xây dựng lớp học tại khu vực Hố Mây, dưới tán rừng, nằm sâu trong hẻm núi. Phân hiệu II đặt tại xóm Rừng Ran, xã Kỳ An và xóm Phái Bắc, thôn Đại Đồng do Phó Hiệu trưởng Đỗ Xuân Ân phụ trách. Lớp học là căn nhà dân bỏ hoang sửa chữa lại, nằm cạnh khu rừng. Trong lớp học có dải giao thông hào đi ra các hầm trú ẩn tránh bom pháo được đào sâu dưới lòng đất. Mỗi ngày chia làm 3 ca học sáng - chiều - tối. Học sinh nhà ở xa trường, ngoài việc chuẩn bị dụng cụ học tập, áo quần còn phải mang theo 15 - 20kg gạo, vài lon lương khô, võng dù, mũ tai bèo, áo đi mưa, dép cao su và các vật dụng cần thiết khác để tự lo liệu về ăn uống, sinh hoạt trong một tháng. Tuy tuổi đời mới 12, 13 tuổi, xa gia đình, phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nhưng hầu hết học sinh biết sống tự lập và có ý thức tự giác rất cao trong học tập. Do hoàn cảnh chiến tranh nên chương trình giảng dạy chỉ có các môn Toán, Lý, Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Sĩ số mỗi lớp 35 - 40 học sinh. Năm học 1965 - 1966 có 7 lớp Năm, 1 lớp Sáu. Năm học 1966 - 1967 có thêm 4 lớp Sáu. Năm học 1967 - 1968 có thêm 1 lớp Bảy. Qua gần 3 năm tồn tại nhà trường đã thu nhận được gần 400 học sinh, đến nay có không ít người đã trưởng thành, nhiều người là sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhà khoa học, giảng viên, kỹ sư, bác sĩ đã và đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, trường học, các doanh nghiệp, nhưng cũng đã có 5 giáo viên và 73 học sinh mãi mãi nằm xuống do bom đạn quân thù.
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Hải (ngoài cùng bên phải) cùng bà Võ Thị Phạnh - người dân địa phương và các cựu học sinh bên Bia di tích Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Đ.NGỌC |
Bà Võ Thị Phạnh, 92 tuổi, trú thôn Đại Đồng, người chứng kiến sự hình thành và hoạt động của trường cho biết: “Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi được thành lập trong điều kiện hết sức khó khăn, học sinh chủ yếu là con em địa phương vùng đông, đi học phải mang theo gạo, khoai, sắn. Ngoài giờ lên lớp, các cháu, các em còn giúp đỡ nhân dân thu hoạch hoa màu và làm công tác dân vận như cán bộ cách mạng thực thụ”. Từ năm học 1965 - 1967, trường thành lập Đội vũ trang phục vụ chiến đấu và xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương.
Trong số 11 học sinh Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi bị sát hại năm 1965 có 9 người con của xã Tam Thăng gồm Phạm Bân, Lê Đình Cư, Châu Dân, Huỳnh Văn Khanh, Phạm Não, Cao Nhựt, Phạm Râng, Nguyễn Thạnh, Lê Văn Trí và Dương Văn Giáo (xã Tam Phú, Tam Kỳ) cùng Huỳnh Văn Đào (Tam Phước, Phú Ninh). Ghi nhận thành tích của thầy và trò nhà trường trong những năm chống Mỹ, Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo QĐ 2378/QĐ-UB ngày 9.8.1999 của UBND tỉnh. Trước Tết Ất Mùi 2015, thầy và trò Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi năm xưa đã đến đặt bia, thắp hương tưởng nhớ 11 học sinh bị sát hại bởi bom giặc. |
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm khu Trung Trung Bộ (tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) ở tuổi 18, chàng thanh niên Nguyễn Hải (sau này là Phó Chủ nhiệm Khoa ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài Trường Đại học Khoa học Huế) được Tiểu ban giáo dục Quảng Nam phân công làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi. Thầy Nguyễn Hải cho biết, ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thầy và trò nhà trường đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn trăm bề để dạy tốt, học tốt. Tất cả cố gắng đó cũng chỉ vì các em học sinh thân yêu, những người chủ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, đau thương đã ập đến vào trưa 12.11.1965 khi địch ném bom tại phân hiệu trường thôn Đại Đồng làm 11 học sinh bị sát hại. Sau khi tổ chức đấu tranh vạch trần tội ác của giặc và an táng học sinh, trường di chuyển vào thôn Đàn Trung, xã Kỳ Thịnh, cách chỗ học cũ khoảng một cây số. Lãnh đạo cấp trên đã về động viên toàn trường cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì giảng dạy và học tập, xây dựng nhà trường trở thành “pháo đài chống Mỹ” trên mặt trận văn hóa - giáo dục. Ngày 19.3.1967, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, tại chợ Cẩm Khê, xã Kỳ An (nay là xã Tam Phước, Phú Ninh), nhà trường tổ chức lễ tiễn 31 học sinh lên đường nhập ngũ đợt 1 vào đơn vị V18 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Học sinh tòng quân đợt này bước lên “cầu vinh quang” và đọc lời thề “Vì Tổ quốc quyết hiến dâng tuổi trẻ. Vì quê hương không ngần ngại hy sinh”. Đặc biệt, chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ngày 20.12.1967 toàn bộ thầy cô giáo và đa số học sinh của trường đã hăng hái đăng ký tòng quân, trường chính thức giải thể.
Để tưởng nhớ thầy cô - những người đã từng đồng cam cộng khổ đứng lớp truyền thụ cái chữ cho các em học sinh, không ít người trở thành thương bệnh binh, liệt sĩ; thầy giáo Tô Uyên Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm khu Trung Trung Bộ đã có những vần thơ đầy nước mắt về mái trường xưa: Cô giáo không còn chân đứng giảng/ Và trường xưa, Mỹ đốt đã lâu rồi/ Tóc đã bạc, phút giây bạc trắng/ Tim già nua lỗi nhịp đập mau...
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC