Di tích ngoài phố cổ Hội An: Thiếu quản lý, chăm sóc

ĐỖ HUẤN 22/02/2013 08:09

Di tích ngoài phố cổ là khối tài sản vô giá của Di sản văn hóa thế giới thế giới Hội An. Đầu tư tôn tạo di tích ngoài phố cổ không chỉ bảo vệ, giữ gìn di tích của cha ông truyền lại, mà còn phát huy những giá trị văn hóa quí báu, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Song thực tế, các di tích hiện xuống cấp do thiếu quản lý, chăm sóc.

Miếu Thần Nông bị chiếm dụng không gian để buôn bán. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Miếu Thần Nông bị chiếm dụng không gian để buôn bán. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, từ năm 1999 - 2012, có 180 di tích của nhà nước đã được tu bổ với kinh phí đầu tư trên 70 tỷ đồng. Chính quyền cũng đã hỗ trợ tu bổ hơn 150 di tích tư nhân và tập thể với kinh phí gần 8 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau. Số lượng di tích được tu bổ không chỉ tập trung trong khu phố cổ mà trải đều ở các vùng ven thuộc các xã phường. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, quan tâm đầu tư tôn tạo, phục hồi di tích ở các xã phường, lãnh đạo thành phố vừa muốn bảo tồn, giữ gìn khối tài sản vô giá của cha ông để lại, vừa muốn phát huy những giá trị đặc sắc của từng di tích nhằm phục vụ tham quan, phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng ngoại vi phố cổ. Song thực tế hiện còn khá nhiều di tích chưa được sử dụng, phát huy đúng mục đích, thậm chí còn gây ảnh hưởng xấu đến di tích và cảnh quan môi trường xung quanh.

Theo ông Tống Quốc Hưng - Phó trưởng Phòng VH-TT TP.Hội An, ở vùng ven, ngoài một số ít di tích được cộng đồng sử dụng phát huy tương đối hiệu quả thì hầu hết các đình làng, miếu xóm chưa được quản lý, sử dụng và phát huy đúng mức. Nhiều ngôi đình làng được đầu tư bạc tỷ, trùng tu tôn tạo xong cũng chỉ mở cửa hương khói một năm vài ba lần trong các dịp cúng tế theo lệ làng rồi im lìm đóng cửa quanh năm. Vì vậy, nhiều di tích, trong đó có những di tích mới tu bổ đã bị xuống cấp, mối mọt, dột nát như miếu Tổ nghề yến Thanh Châu – miếu Ông Tiến, lăng Trà Quân, đình Đế Võng, đình Đại Càn Tân Hiệp, đình ấp Tu Lễ (Cẩm Phô)...

Không gian, cảnh quan xung quanh - vẻ đẹp sống động, kết nối di tích với cuộc sống cư dân và khách tham quan thì bị xâm lấn vô tội vạ. Miếu Thần Nông bị chiếm không gian để buôn bán, dùng vật dụng che chắn tùy tiện làm mất mỹ quang. Tình cảnh này còn có thể thấy ở nhiều di tích khác như miếu Hà Tân, mộ Chu Kỳ Sơn, mộ Trần Ngọc Sơn, Văn Thánh miếu Cẩm Phô, Hội An Tiên tự, miếu Xuân Quang, miếu Ngũ Hành Cẩm Phô...  dưới nhiều thực trạng đáng quan ngại. Có di tích “bỗng dưng... thành nhà kho” vì chất chứa trong lòng đủ loại hàng hóa, vật dụng. Có di tích không ai chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh nên phải “gồng mình” gánh chịu nhiều thứ phế thải khác nhau... Nhiều di tích giếng xưa, mộ cổ cũng bị chiếm dụng hoặc tịch liêu, hiu quạnh như giếng Tứ Tộc, giếng trước nhà 685 Hai Bà Trưng, giếng đá Trà Quế, giếng Đùi, mộ ông Nguyễn Văn Điển, khu mộ kiến trúc Pháp ở khối Bàu Đưng (phường Thanh Hà) và đặc biệt là mộ Cai phủ tàu Chu Kỳ Sơn (ở phường Sơn Phong) – một di tích có giá trị khá đặc biệt liên quan đến quá trình hình thành, phát triển thương cảng Hội An đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Chưa hết, hệ thống bia di tích cách mạng ở vùng ven cũng thiếu sự quan tâm chăm sóc. Phần nhiều bị bong tróc chữ, xuống cấp tường rào, cỏ dại mọc um tùm, không đảm bảo vệ sinh, thiếu thẩm mỹ và giáo dục. Trong số đó có những bia di tích có ý nghĩa rất quan trọng như: bia Cây Thông Một ở Tân An – nơi ghi dấu sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của Quảng Nam, bia Vườn Xã Tiếp ở Cẩm Thanh – nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng của quân dân Hội An trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bia Chiến thắng thôn Trà Quế, cầu Phước Trạch...

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa văn hóa Hội An cho biết, mặc dù thời gian qua đơn vị đã có nhiều cuộc làm việc, tiếp xúc để đôn đốc nhắc nhở, thậm chí UBND thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh nhưng đến nay tình trạng thiếu quản lý, chăm sóc di tích vẫn chưa được cải thiện. Lực lượng cộng tác viên bảo vệ di tích ở các địa phương cũng được chính quyền thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí với mức 150 - 200 nghìn đồng mỗi người/tháng (trừ các di tích là nhà thờ tộc, mộ tộc) nhưng chưa thật sự phát huy hết chức trách, thiếu nhiệt tình, chủ động trông nom chăm sóc, chưa báo cáo kịp thời tình trạng di tích bị xuống cấp, bị xâm hại...

Thiết nghĩ, ngoài trách nhiệm của chính quyền thành phố và ngành chuyên môn, chức năng thì từng địa phương, từng chủ di tích và cả cộng đồng dân cư phải thường xuyên nêu cao ý thức trách nhiệm, tăng cường hợp lực mới mong bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của các di tích - vốn tài sản quí hiếm mà các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng và truyền lại đến hôm nay.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di tích ngoài phố cổ Hội An: Thiếu quản lý, chăm sóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO