Không phải đi tìm huyền thoại cho “đất” nào cả. Mà cho chính mình, cho con người đấy thôi. Tập bút ký Đi tìm huyền thoại cho đất của Nguyễn Nhã Tiên (NXB Hội nhà văn, 8.2015) gồm 45 bài, được viết trong nhiều năm tháng, hầu hết đã đăng trên nhiều báo và tạp chí trên cả nước là một cuộc truy tìm lại những mảnh vỡ của sự vĩnh hằng, được ghi chép bằng tiếng nói mơ hồ mà có thực của dòng tâm thức. Đó là sắc mây một buổi chiều Mỹ Sơn quên và nhớ tím thẫm của thời gian đã mất lang thang trôi về hòa với tiếng cổ cầm trên dốc bến Ngự để dừng lại ngậm ngùi bên dấu xưa Tiên Điền rồi lan xa - tìm đến với… mật ngôn trên xứ sở sông Hằng… Trên nhiều vùng đất đã qua và nhiều nơi chợt đến, ở trong nước hay nước ngoài, có cảm giác như tác giả chỉ muốn bày tỏ tâm trạng, tâm thế, tâm thức của mình trước cuộc đời này, còn những “thông tin” mà thể loại bút ký đòi hỏi chỉ là một loại “tá dược” bắt buộc. Đó là cách chọn lựa trong phương thức diễn đạt mà đó cũng chính là phong cách riêng của Nguyễn Nhã Tiên: chất thơ đậm đà của một nhà thơ khi viết văn xuôi. Nói khác đi, đó là tình cảm và sắc thái tình cảm của người viết trước đối tượng thẩm mỹ.
Điểm chung nhất của tập bút ký là sự nỗ lực lôi kéo con người ra khỏi thói quen tiếp cận thế giới bên ngoài theo quán tính cũ mòn. Ví như, đến Mỹ Sơn không chỉ để chiêm ngưỡng một phế tích mà là để lắng nghe, để tìm lại tiếng thời gian đã mất. Và trên những nẻo đường khác, cũng để tiếp nhận những mùi hương, chào đón những sắc màu, nếm trải những vị ngọt ngào - cay đắng… bằng tất cả sự mở rộng cánh cửa ngũ quan. Để làm gì, nếu không là trả lại cho sự vật cái nhìn hồn nhiên nguyên sơ. Cũng có nghĩa, đó là phương pháp, phương tiện, phương thức dẫn những đứa con đi lạc trở về với nguồn cội…
Là nhà thơ, Nguyễn Nhã Tiên hiểu rõ việc của mình. Và một trong những công việc (đồng thời là trách nhiệm đối với tiếng mẹ đẻ) là tạo ra chữ mới từ những xác chữ: “… gọi câm…” (trang 9 - Mỹ Sơn quên và nhớ). Hay như: “… hoa trở thành tiếng nói tịch ngôn…” (trang 111 - Thương nhớ hoa đào)… Hoặc là nỗ lực thay đổi chức năng của từ, ví như biến danh từ thành động từ hoặc là danh động từ: “Ngay cả tiếng thơ Aryan cho đến lời kinh Veda sương khói thì cũng tràng giang như âm vang dòng sông Hằng truyền thuyết…”. Thêm một ví dụ: “… hầu như năm nào bão lụt đến mùa trút xuống là làng tôi theo từng ấy năm gầy guộc lại” (trang 302 - Đi tìm huyền thoại cho đất)…
Có thể tìm thấy những nỗ lực ấy ở nhiều trang văn khác trong tập sách.
Tôi xin bày tỏ chút “bất đồng ý”. Rằng, cái ưu của tập bút ký này là sự buông cương cho cảm xúc, đồng thời nó cũng chính là cái nhược. Có nghĩa là, sự tự do trong cảm xúc nên được kiềm chế lại một chút. Để cho những chữ hiện ra trong trạng thái yên tĩnh hơn, giản dị hơn. Dường như đó cũng là cái đích của mọi nỗ lực sáng tạo nghệ thuật.
Ở trên, đã nói là: Không phải đi tìm huyền thoại cho “đất” nào cả, mà chỉ cho riêng mình. Nếu nói “ngược” lại, thì chính là đi tìm điều gì đó, cái gì đó… cho đất. Bởi vì, đất là người. Người là muối của đất. Vì vậy, không nên phân chia, không nên “nói chẻ hoe” theo cái thói quen của phân tích lý tính. Chính cái thói quen tai hại này của phương Tây duy lý đã đẩy xô cả nhân loại đến trước bờ vực của sự xa rời bản thể: từ khoảng 2500 năm qua với sự ra đời của các thánh nhân để khai thị về ý nghĩa cuộc nhân sinh trên con đường đi tìm hạnh phúc cho con người, mà sao càng ngày, con người càng bỏ quên nguồn cội (!?). Và trên con đường ấy, một trong những việc làm quan trọng nhất của người cầm bút có trách nhiệm đối với cộng đồng là đi tìm lại những huyền thoại đã mất. Dù được hay không…
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT