Đi tìm sản phẩm ikat

TẤN VỊNH 16/07/2017 07:42

Nhiều tộc người thiểu số ở các nước Đông Nam Á sở hữu kỹ thuật dệt ikat, tức là kỹ thuật “nhuộm bao sợi” để làm nên các sản phẩm thổ cẩm mang đậm sắc thái dân tộc và bản địa. Vải ikat đã được sử dụng trong may mặc, thời trang của Philippines, thậm chí xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu giới thiệu trang phục truyền thống dân tộc.

Cụ bà nghệ nhân Cơ Tu truyền dạy kỹ thuật dệt hoa văn gợn sóng cho thợ dệt trẻ tại làng dệt Công Dồn. Ảnh: T.VỊNH
Cụ bà nghệ nhân Cơ Tu truyền dạy kỹ thuật dệt hoa văn gợn sóng cho thợ dệt trẻ tại làng dệt Công Dồn. Ảnh: T.VỊNH

Ikat là kỹ thuật buộc bao sợi rồi nhuộm để khi dệt sẽ tạo hoa văn trên vải. Người ta dùng dây nhựa hay xơ thực vật, lá cây buộc bao chặt từng phần sợi. Khi nhuộm những chỗ được bao sẽ không bị nhuốm màu. Quy trình buộc và nhuộm lặp lại nhiều lần với các vị trí buộc dây thay đổi và với các màu nhuộm khác nhau sẽ tạo cho sợi có nhiều đoạn màu sắc khác nhau. Khi dệt, nếu dùng sợi đa sắc làm sợi dọc hoặc sợi ngang, tấm vải sẽ có họa tiết ikat đơn (ikat sợi dọc hoặc ikat sợi ngang); nếu dùng cho sợi dọc và cả sợi ngang thì được loại ikat đôi. Ikat đôi ở vùng Tenganan ở Bali, Indonesia đặc biệt tinh xảo. T’boli, tộc người thiểu số sinh sống ở tỉnh Sonta Catabato Mindanao (Philippines) còn bảo lưu và phát triển kỹ thuật dệt ikat. Sản phẩm dệt ikat của dân tộc này đã mang đi giới thiệu nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là các cuộc trình diễn nghề dệt khu vực Đông Nam Á. Hiện tại có khoảng 100 nghệ nhân ở hai làng Tablo và Lamdalag biết kỹ thuật dệt vải ikat. Khách du lịch thường đến tận làng để tìm hiểu kỹ thuật dệt vải ikat và mua một số sản phẩm như khăn quấn đầu, túi thổ cẩm, váy, áo, tấm choàng, áo vét, áo khoác. Các sản phẩm thổ cẩm này có giá khá đắt, khoảng 100USD/mét.

Một trong những đặc trưng của ikat, giúp dễ nhận biết các hoa văn được thực hiện theo kỹ thuật này là các họa tiết thường không sắc cạnh mà có viền mờ xung quanh. Điều đáng nói là kỹ thuật dệt này trước đây khá thịnh hành ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nhưng nay hầu như đã thất truyền, chỉ còn lại ở một làng Cơ Tu tỉnh Quảng Nam - đó là làng dệt Công Dồn (Nam Giang). Để có được những mô típ hoa văn gợn sóng trên vải thổ cẩm, người thợ dệt phải qua nhiều công đoạn. Đồng bào lấy sợi bông vừa xe còn nguyên màu trắng nhúng một vài lần vào nước cây ta râm để biến sợi thành màu xanh chàm, người Cơ Tu gọi là tơ viêng. Khi sợi khô ráo, chúng được treo trên giàn phơi sợi, tiến hành các thao tác, tạo ra loại sợi đặc biệt dùng để dệt hoa văn gợn sóng. Người ta lấy lá a yâng, một loại cây trong rừng có lá dài như lưỡi kiếm và mỏng, bao vào sợi vải xanh đã nhuộm rồi tiếp tục mang nhúng vào thuốc nhuộm nhiều lần để sợi chuyển màu đen (tăm). Với cách làm này, chỗ sợi được bao bằng lá a yâng có tác dụng làm cho sợi giữ nguyên màu xanh mà không bị nhuốm đen trong quá trình nhuộm màu. Sau khi nhuộm, trên một đoạn sợi cùng có hai màu chàm xanh và màu đen lẫn lộn, tạo ra hai sắc độ đậm nhạt khác nhau. Khi dệt, người ta bố trí chỗ sợi có màu xanh chàm liền kề với nhau để hiện ra hoa văn có hình thù rất độc đáo và lạ mắt trên nền đen của vải thổ cẩm - mà ta hay gọi là “hoa văn gợn sóng”.

Thiếu nữ Cơ Tu diện chiếc váy có hoa văn gợn sóng.
Thiếu nữ Cơ Tu diện chiếc váy có hoa văn gợn sóng.

Điều đáng quan tâm là trong khi các sản phẩm dệt ikat của các nước Đông Nam Á còn tồn tại, phát triển thì các sản phẩm dệt vải bằng cách “nhuộm bao sợi” của Việt Nam đã trở thành của hiếm, độc bản. Bởi vì, chỉ những người thợ dệt Cơ Tu ở làng Công Dồn còn nắm giữ bí quyết, kỹ thuật dệt vải có hoa văn gợn sóng vì họ còn bảo lưu nghề trồng bông dệt vải. Các nơi khác đã thất truyền, không nghệ nhân nào còn biết dệt hoa văn gợn sóng. Ngay cả đồng bào Cơ Tu cũng rất ít nghệ nhân biết cách làm, sản phẩm này cũng đang dần mất. Muốn đi tìm nó thì chỉ thấy trong kho hoặc trưng bày trong tủ kính ở các bảo tàng. Thiết nghĩ, chúng ta cần tôn vinh các nghệ nhân dệt (công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú), giúp đỡ cho bà con kinh phí thực hiện dự án khôi phục, phát triển, bảo tồn làng nghề thủ công ở miền núi để những tinh hoa của nghệ thuật trang trí nói chung, hoa văn gợn sóng với kỹ thuật nhuộm bao sợi (ikat) nói riêng được lưu truyền, làm đẹp cho bản làng. Trong khuôn khổ Festival di sản tại các địa phương, cần mời một số nghệ nhân dệt từ các nước như Philippines, Indonesia đến Việt Nam giới thiệu, trình diễn nghề dệt nói chung, kỹ thuật dệt ikat nói riêng để giúp nhiều người có cơ hội hiểu biết hơn giá trị của sản phẩm này, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi giữa các nghệ nhân. Đối với các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở miền núi Quảng Nam, những việc làm này càng có ý nghĩa và mang tính cấp thiết khi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi tìm sản phẩm ikat
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO