"Địa chỉ đỏ" trong lòng thân nhân liệt sĩ

DIỄM LỆ 05/05/2015 08:59

Vùng B Đại Lộc 40 năm sau ngày đất nước thống nhất đã khoác lên mình màu xanh sự sống. Chiến tranh đã lùi xa, đau thương không còn hiện hữu, nhưng vẫn còn đâu đó những liệt sĩ (LS) mà hài cốt còn nằm hoang vu trong lòng đất mẹ, chưa thể về bên người thân, đồng đội. Mỗi ngày trôi qua, những cuộc tìm kiếm vẫn lặng lẽ, âm thầm trong rừng sâu, trên núi cao. Và có những con người cũng thầm lặng như thế suốt nhiều năm qua, giúp biết bao gia đình tìm được người thân, giúp cho hài cốt bao đồng đội được đưa vào nghĩa trang.

Ông Phan Thanh Dũng và Phan Văn Sáu, những “địa chỉ đỏ” trong lòng thân nhân liệt sĩ. Ảnh: D.L
Ông Phan Thanh Dũng và Phan Văn Sáu, những “địa chỉ đỏ” trong lòng thân nhân liệt sĩ. Ảnh: D.L

Được sự chỉ dẫn của Phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc, chúng tôi tìm về với những “địa chỉ đỏ” luôn được nhắc đến khi có đoàn tìm kiếm hài cốt LS về vùng B Đại Lộc. Các cựu chiến binh Phan Thanh Dũng (xã Đại Thạnh), Phan Văn Sáu (xã Đại Chánh) bây giờ là những nông dân chân lấm tay bùn, ấy vậy mà khi huyện giới thiệu có người đến tìm hài cốt LS, hai ông không ngại bỏ ruộng bỏ vườn, đùm cơm gói áo đưa thân nhân LS vào núi vào rừng tìm hài cốt. Còn gia đình, vợ con của hai ông không vì thế mà lấy làm phiền lòng, ngược lại còn tận tâm giúp chồng, cha chăm sóc, lo lắng từng chỗ ngủ, bữa ăn, viên thuốc cho thân nhân LS khi họ phải ở lại dài ngày trong nhà. Việc những gia đình ở miền Bắc vào tìm hài cốt LS phải ở lại cả tháng trời, ăn ở trong nhà hai ông là chuyện bình thường. Có lúc vợ con ông Dũng, ông Sáu còn phải chăm sóc khi họ ốm đau. Và không phải thân nhân nào đi tìm hài cốt LS cũng có hoàn cảnh khá giả, có thể tự lo chi phí được. Thế nên mới có những gia đình đi tìm kiếm hài cốt LS khiến ông Dũng, ông Sáu không thể nào quên, bởi họ quá nghèo, nhưng vẫn lặn lội từ các tỉnh phía Bắc vào Quảng Nam tìm cho ra hài cốt người thân để được yên lòng.

Ông Phan Thanh Dũng (SN 1952) thời chiến tranh làm giao liên, còn ông Phan Văn Sáu (SN 1943) làm du kích, rồi xã đội trưởng, nên 2 ông thuộc làu những con đường rừng núi dẫn đến các căn cứ quân sự như E38, D1, D2…, các bệnh viện đóng chân ở vùng B Đại Lộc như Y10, B2, 76, 91, 79. Năm 1977, toàn tỉnh cũng như huyện Đại Lộc có chủ trương quy tập mộ, hài cốt LS vào các nghĩa trang. Và các ông được xã Đại Thạnh (cũ) tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị ở huyện đi tìm mộ. Hai ông cùng các đơn vị bắt đầu những ngày trèo đèo lội suối đi tìm hài cốt LS, quy tập về nghĩa trang Đại Thạnh, sau này tách thành 2 xã, có thêm nghĩa trang Đại Chánh. Theo lời ông Dũng, ông Sáu, các ông đã cùng đồng đội tìm kiếm, quy tập hơn cả nghìn hài cốt LS vào 2 nghĩa trang, trong đó phần lớn là LS chưa rõ họ tên.

Từ năm 1998, bắt đầu có những thân nhân LS ở miền Bắc vào Quảng Nam tìm mộ LS, và ông Dũng, ông Sáu lại được huyện Đại Lộc tin tưởng giới thiệu làm người dẫn đường. Ông Dũng tâm sự: “Trước khi đi tìm mộ, tôi nói trước với gia đình LS là tôi biết rõ đường đi dẫn đến địa điểm các đơn vị hay bệnh viện được gia đình và đồng đội cung cấp. Tìm được hay không, vấn đề quan trọng là thông tin cung cấp phải chính xác”. Với kinh nghiệm tìm mộ LS bao nhiêu năm, ông Sáu nói: “Khi tìm ra mộ, nhất định bên cạnh hài cốt phải có những vật dụng làm tin đó là bộ đội, như dép cao su, dây nịt, vải dù, áo mưa của Liên Xô cũ”.

Tính đến nay, với sự tận tình của mình, ông Dũng và ông Sáu mỗi người đã giúp hơn 70 gia đình ở miền Bắc tìm được mộ người thân. Bên cạnh những gia đình đủ điều kiện đưa hài cốt LS về quê an táng, có một số trường hợp được gửi lại ở nghĩa trang xã Đại Thạnh, Đại Chánh nhờ các ông chăm sóc khói hương. Ông Dũng không thể nào quên câu chuyện đi tìm mộ anh trai của ông Thân Văn Thọ (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Dù đang vào mùa mưa, theo tên tuổi, đơn vị chiến đấu, bệnh viện nơi hy sinh, ông Dũng không ngần ngại dẫn ông Thọ và đồng đội của anh trai vào núi tìm. Hơn một tuần ăn ở trong núi, mộ của LS đã được tìm thấy, nhưng trúng ngay đợt mưa lớn, khi về đến nhà ông Dũng thì gặp lụt, giao thông chia cắt. Vậy là hơn một tuần tiếp theo, người nhà và đồng đội LS tiếp tục ăn ở lại nhà ông Dũng cho đến khi nước rút mới chuyển hài cốt về Bắc Giang.

Còn ông Sáu, nhớ nhất là vào năm 2008, có 3 mẹ con ở ngoài Bắc cùng đồng đội vào tìm mộ LS, được huyện giới thiệu đến gặp ông. Lúc đó ông Sáu đang làm nhà nhưng cũng bỏ hết công việc để đi tìm giúp. Thấy người mẹ tuổi cao, ông khuyên bà nên ở nhà ông đợi tin, ông đi cùng 2 người con trai và đồng đội của LS là được. Nhưng bà không chịu, nhất quyết phải cùng đi. Người mẹ tuổi cao nên khi lên núi, hai người con phải thay nhau cõng. Hành trình tìm mộ vì thế mà từ dự kiến 2 - 3 ngày đã kéo dài cả tuần, mọi người phải ăn đồ khô, rau rừng, ngủ võng. Khi tìm được mộ, người mẹ nấc nghẹn, ôm hài cốt con trai vào lòng, rấm rứt không nói nên lời. “Đi tìm mộ LS cũng chỉ là do cái tâm mà làm, thấy được niềm hạnh phúc, xúc động đến nói không nên lời của thân nhân LS mới thấy hết được việc mình làm ý nghĩa ra sao. Chẳng lẽ mình còn đây, đồng đội đã hy sinh vẫn còn nằm đâu đó chưa thể về bên gia đình, mình lại không giúp được. Tuổi tôi dù đã cao, còn chút sức lực nào tôi sẽ cố gắng để các LS được đoàn viên cùng người thân, đồng đội” - ông Sáu bày tỏ.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Địa chỉ đỏ" trong lòng thân nhân liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO