Mỗi cuốn địa chí được ông và các cộng sự viết ra được ví như những đường cày chăm chỉ trên con đường xa vạn dặm. Viết địa chí - với ông không chỉ là một cái nghiệp.
Ông bảo, tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào của một người con vùng đất Ngũ phụng tề phi của xứ Quảng đã giúp ông luôn hứng thú và say mê với những cuốn địa chí dày hàng ngàn trang đã được xuất bản. Ông là Nguyễn Liệu - bút danh Thạch Phương.
Hạnh phúc là trên từng chặng đường đi!
“Cuộc đời tôi là những chuyến đi dài ngày. Viết địa chí khác viết báo, viết văn. Muốn có được đầy đủ số liệu về một địa phương, tôi và các cộng sự phải cày nát vùng đất đó. Nói theo cách của người Quảng mình là ăn dầm nằm dề ở đó. Địa chí nghe thì khô khan, đầy số liệu nhưng không phải đâu, ẩn đằng sau đó là những cung tầng văn hóa, những lối sống, là tình cảm con người của một địa phương. Chính điều thú vị đó đã luôn là niềm hứng khởi để tôi có thể hoàn thành tốt nhất quyển sách của mình mà không nề hà bất cứ điều gì cả!”. Ông cười một cách sảng khoái rồi đưa mắt nhìn sang người phụ nữ ngồi bên cạnh: “Đời tôi may mắn vì có bả. Chỉ có bả mới chịu đựng được việc đi dài ngày của tôi và chỉ có bả mới có thể hiểu được tôi cần gì, muốn gì khi ngồi đây làm việc với các cộng sự”.
Ông Thạch Phương bên tủ sách quý của mình. |
Ở tuổi 87, đôi vợ chồng nhà viết địa chí Nguyễn Liệu - Trần Kim Điệp khiến không ít người ngạc nhiên bởi sự minh mẫn, khỏe mạnh và tình cảm họ dành cho nhau. Hơn ai hết, ông biết rằng những tháng ngày ông lặn lội ở các vùng đất để viết địa chí, ông luôn có một hậu phương vững chãi là vợ mình. Đó chính là lý do ông muốn bắt đầu câu chuyện đời mình bằng tình yêu này.
Ông dân gốc Điện Thọ, là một trong những thế hệ học sinh miền Nam được học trên đất Bắc. Tại ngôi trường Đại học Tổng hợp Văn, ông đã gặp gỡ và kết duyên với cô gái đất võ Bình Định - Trần Kim Điệp. Sự gắn bó đời mình với một con người đã đưa đẩy ông đến với nghiệp văn chương. Hơn 5 năm làm việc ở Viện Văn học - ông học hỏi được nhiều điều khi có cơ duyên cùng làm việc với những người đáng kính như: giáo sư Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu Hoài Thanh… Năm 1976, ông cùng vợ khăn gói vào Sài Gòn và bắt đầu cuộc mưu sinh tại mảnh đất này. Giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn một thời gian dài, ông nghiệm ra rằng mình cần phải làm điều gì đó cho quê nhà và những mảnh đất ông đã đi qua. “Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng tôi và các cộng sự viết trong 11 năm. Hồi đó, tôi được ban tổ chức bố trí cho một căn phòng 20m2 trên đường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng. Cứ ban ngày đi khắp nơi để thu thập số liệu, ban đêm về ngồi tổng hợp, sắp xếp lại. 11 năm, tôi ra vô giữa Sài Gòn và Quảng Nam như đi chợ. Rồi cũng xong cuốn địa chí 2.000 trang. Có người không hiểu thì ngạc nhiên hỏi tại sao một cuốn sách 2.000 trang mà mất đến 11 năm? Tôi trả lời: Đó là khoảng thời gian quá ít để viết về một vùng đất như Quảng Nam - Đà Nẵng. Điều tôi và các cộng sự may mắn chính là đã có được sự giúp đỡ tận tình từ những người Quảng tâm huyết, chân tình, thuần hậu”.
Làm việc khoa học, nghiêm túc và yêu từng mảnh đất mình đã đi qua, đã khiến cái tên Thạch Phương được nhiều người trong giới viết địa chí biết đến. Lần lượt, những cuốn địa chí về Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh được ông và các cộng sự thực hiện, được đông đảo công chúng đón nhận và xem như những tư liệu quý.
Trả nợ ân tình
“Hôm rồi nghe Điện Bàn lên thị xã, lòng tôi cứ nôn nao chi lạ. Cách đây một năm thôi, nghe vậy là tôi ra sân bay về quê liền, nhưng giờ sức khỏe không cho phép. Không thể về quê được nên nhiều khi ngồi ngẩn người ra buồn mất nửa ngày…”(Thạch Phương) |
Tại bàn làm việc trên tầng 3 của ngôi nhà màu trắng ở số 71 đường Hồ Bá Kiện (quận 10, TP.Hồ Chí Minh) những ngày này, ông vẫn miệt mài với hàng đống tài liệu về vùng đất Điện Bàn. Bà Trần Kim Điệp - vợ ông bảo: “Dạo này mắt ổng mờ lắm rồi, mới hôm rày vừa đi bệnh viện ôm về một đống thuốc, tôi và các con khuyên thế nào cũng không chịu bỏ công việc. Ổng bảo ổng viết cho xong cuốn địa chí của huyện Điện Bàn thì ổng không viết nữa. Đó không chỉ là công việc ổng yêu thích mà còn là món nợ ân tình ổng muốn trả cho quê hương mình”.
Địa chí huyện Điện Bàn được Huyện ủy Điện Bàn nhờ ông chấp bút từ năm 2012, đến nay quyển sách đó đã đi được hơn một nửa chặng đường. Điều trăn trở duy nhất của ông chính là không thể trở về và tự mình chạy xe qua các vùng đất quê hương, để sờ vào những dấu vết còn lại, để tận mắt thấy được những đổi thay của vùng đất này. “Hôm rồi nghe Điện Bàn lên thị xã, lòng tôi cứ nôn nao chi lạ. Cách đây một năm thôi, nghe vậy là tôi ra sân bay về quê liền, nhưng giờ sức khỏe không cho phép. Không thể về quê được nên nhiều khi ngồi ngẩn người ra buồn mất nửa ngày, mà biết phải làm sao. Đành phải cặm cụi đọc thật kỹ tất cả tài liệu cũ mới mà lọc ra những tư liệu chính xác nhất. Món nợ ân tình này với quê hương, tôi phải trả bằng bất cứ giá nào”. Giọng ông nghe buồn chi lạ.
Đến nay Thạch Phương viết tất cả 26 cuốn sách. Trong đó có những cuốn Thạch Phương viết riêng và được nhiều người biết đến như: Văn hóa Dân gian người Việt Nam Bộ; Địa chí Bến Tre; Địa chí Bà Rịa Vũng Tàu; Nhớ chị Ba Định… Những cuốn địa chí được viết chung như: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng; Từ điển Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh... |
Vốn là bạn rất thân của cố giáo sư Hoàng Châu Ký, ngay từ những ngày tháng còn chung sức viết cuốn Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, ông luôn tâm niệm đã làm thì phải làm cho ra hồn. Chứ không thể cái kiểu viết sách là để kiếm tiền. Ông kể rằng chính cái tính cầu toàn của ông đã khiến nhiều người e ngại nhưng thay vì đó ông và các cộng sự của mình lại có được uy tín trong giới viết khảo cứu, địa chí. “Ông Ký hồi còn sống bảo tôi: Ông đừng có cầu toàn quá, ông mà nằm xuống không có ai làm thay cho ông đâu. Giờ ổng đi chơi xa rồi, tôi vẫn phải miệt mài với đống tài liệu này. Tôi không yên tâm khi viết cho quê nhà mà không tìm hiểu kỹ càng, một cuốn địa chí có thể nằm mãi trên kệ sách vì nó không là sách giải trí người ta đọc để mua vui. Sách địa chí là nơi lưu giữ tinh hoa lịch sử, văn hóa, con người của một vùng đất. Đời tôi dạo chơi nhiều, nhưng với sách luôn luôn là một cuộc chơi nghiêm túc và khoa học” - ông lại hào hứng sẻ chia.
Không chỉ được biết đến là nhà viết địa chí, ông còn là chủ nhân của tủ sách gia đình hơn 5.000 cuốn với rất nhiều sách quý. Tủ sách này cũng đã được trao giải nhì trong Cuộc thi tủ sách gia đình năm 2010. Ông bảo, bây giờ vẫn duy trì mỗi ngày đi bộ khoảng 1km, đạp xe tại chỗ 500 vòng, sẵn sàng đón tiếp tất cả bạn trẻ nào quan tâm đến lịch sử, văn hóa, địa chí của các địa phương. Và món nợ ân tình với Điện Bàn là cuốn địa chí hơn 1.000 trang sẽ được hoàn thành trong năm nay. Với ông, vậy là đủ một đời người dặm trường.
HOÀNG DUNG