Địa lợi và thiên thời

H.X.H 19/11/2019 13:57

Quảng Nam và Đà Nẵng trở thành 2 đơn vị hành chính riêng biệt kể từ năm 1997, vậy mà đến nay vẫn chưa thể “tách rời” vì nhiều lý do. Không chỉ bởi lịch sử đã từng gắn hai nơi thành một, mà trong tầm nhìn phát triển chung của khu vực miền Trung, mối liên kết ấy càng bền chặt.

Ở khía cạnh đời sống xã hội, gợi ý đưa thuyền xuất bến từ cảng Đà Nẵng chở khách ra tham quan Cù Lao Chàm (Hội An) cũng đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trong năm 2019 và “sôi nổi” không kém chuyện đầu nguồn Vu Gia – Thu Bồn có nguy cơ ô nhiễm gây lo ngại đến chất lượng nước phía hạ nguồn Đà Nẵng. Nạo vét sông Cổ Cò hai bên cũng phải ngồi lại, đã nhiều năm nay. Ở góc độ liên kết vĩ mô, quy hoạch cảng biển, sân bay, địa ốc… của nơi này đều ít nhiều “dính dáng” đến nơi kia. Hai hội thảo liên tiếp về quy hoạch Đà Nẵng hồi đầu tháng 11 nhưng địa danh Quảng Nam không ít lần được nhắc đến, là một thí dụ.

Liên danh Sakae Corprate Advisory – Surbana Jurong (Singapore) vừa đưa ra những đề xuất liên quan đến cảng biển, sân bay, đô thị… trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045. Theo dõi thông tin tường thuật của báo chí, nhận thấy để “chốt” phương án phát triển cho Đà Nẵng trong thời điểm này thật… không dễ, vì giới nghiên cứu có quá nhiều quan điểm khác biệt. Nhưng đó là chuyện của riêng Đà Nẵng. Điều đáng quan tâm là nhiều đề xuất của nhà tư vấn thấy có dáng dấp của địa phương lân cận.

Như trong cấu trúc đô thị, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển 4 lĩnh vực du lịch biển, công nghệ cao, logistics, kinh tế biển; trong kinh tế biển, có 2 nơi được nhắc tên để kết hợp là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong quy hoạch cảng biển, không chỉ có câu chuyện “nội bộ” của Tiên Sa - Liên Chiểu (Đà Nẵng), mà Chu Lai (Quảng Nam) và Chân Mây (Thừa Thiên Huế) cũng được cân đong đo đếm. Vì theo nhà tư vấn, chỉ trong vòng 100km quanh Đà Nẵng mà có đến 3 cảng lớn (Chu Lai, Tiên Sa, Chân Mây) liệu có khủng hoảng thừa?

Tất nhiên, những người đề cao vị trí “địa lợi” của Đà Nẵng thì luôn bảo vệ thành phố cảng. Mô tả hình tượng nhất có lẽ là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, rằng “tại sao phải nhường thế mạnh vận tải hàng hóa cho 2 cảng bạn”.

Khó có nơi nào “địa lợi” như Đà Nẵng: đủ điều kiện liên kết quốc tế (với Myanmar, Thái Lan, Lào qua Hành lang kinh tế Đông - Tây), liên kết vùng (trọng điểm miền Trung). Nhưng Quảng Nam lại có “thiên thời”, được minh chứng qua những quan điểm kết nối vừa đề cập. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là “nhường”, mà câu chuyện liên kết cùng phát triển phải được đặt lên hàng đầu, win - win (cả hai cùng thắng).

Vì thế, nếu Quảng Nam còn được “nhắc” đến nhiều lần nữa, xem như cơ hội để xứ Quảng cùng cất cánh càng hiển lộ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Địa lợi và thiên thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO