Dịch chuyển

LÊ TRUNG VIỆT 29/06/2014 12:41

Lại chuyển nhà. Có đứa bạn giỡn là tôi chuyên buôn bán bất động sản chứ làm báo chí chi. Tôi để ý, mỗi lần chuyển, là tâm trí chuyển theo, mệt mỏi và bằng phẳng hơn chút, nói gọn là ù  lì hơn, tự dưng có cái vòng như Tôn Ngộ Không dùng gậy vẽ vòng tròn để anh em sư phụ nhà đó cấm bước ra ngoài cứ láng cháng trong đầu, ẩn dụ là  rỗng, cho mình cái lý là biết thêm một người rồi thì cũng vậy thôi. Những biến cố đời sống liên tục khiến tôi oải như đất bệ gặp mưa dông, lúc sầu đời nhất lại nhớ triết gia Trần Đức Thảo mà qua lời thuật của Tô Hoài là không muốn quen thêm người nào nữa. Nhưng đó cũng chẳng qua là nói chơi, đời trùng trùng duyên khởi, tham sân đầy người, đâu có tránh được.

Dịch chuyển là bán và mua. Tôi nhớ lần anh Khương dắt tôi đi gặp ông Hai nhà ở đường Tiểu La ngó qua quán nhậu gà chỉ. hỏi ngày động thổ sửa nhà ở đường Tôn Đức Thắng, ông Hai cười cười rồi phán: “Chú mi phải ba lần làm nhà, nhà ni ở chẳng ấm lưng đâu”. Sổ sách ông tra cho tôi là cuốn vở chằng chịt chữ Nho. Năm đó ông hơn 80 tuổi, chắc bây giờ đã về với ông bà. Nghe vậy hay vậy, ra khỏi cửa là tôi quên ngay. Chỗ tôi ngồi bây giờ đây là lần thứ ba. Nhớ nhất vẫn là chỗ đầu tiên, ở đâu chừng một năm, lại treo chữ bán nhà. Mua nhà để vợ làm ăn, cứ nghĩ đường to, xe pháo giai nhân tài tử dập dìu, ai ngờ chỉ toàn dân đi cà phê sáng, chiều nhậu, tối karaoke như bò rống, thêm mấy ông choai choai đánh lộn như phim, nện đá rào rào, cả xóm kêu như nhà cháy mà công an thì chắc đang theo dõi tình hình ở phường khác.  Dân mình có cái lạ,  treo cái bảng bán nhà là thông báo tôi cần bán, vậy thôi, nhưng phần lớn không muốn ông thợ cắt chữ vậy mà phải là nhà bán, với lý sự nhà là chỗ cưu mang che chở mình, bán đi, thành ăn mày, nên phải bán nhà để thu lợi tìm chỗ khác.

Chuyện làm nhà cũng vậy, cứ ngó hai nhà liền kề, biết ngay ai làm trước kẻ nào làm sau, bởi ông làm sau sống chết cũng phải nhô hơn ông trước một phân cũng được chứ quyết không bằng với chúng nó. Đó là thói cạnh tranh vặt vãnh ăn vào máu của người Việt. Một ông ăn bún buổi sáng cự lại: “Ngu, tau giàu, nhiều nhà, bán nhà chơi đó, được chưa? mê tín chi mà cứt lộn lên đầu”. Tôi gật, nhưng cũng không thoát vòng cương tỏa nổi, bèn nghiến răng nhà bán. Thì bán, treo bảng hai ngày, một đêm mưa gió, có hai người xông vào, đi đứng kiểu đại gia, tuột xuống bếp, lên trên, hỏi: “Bao nhiêu?”. Tôi có một nguyên tắc từ ngày có vợ: Chuyện tiền bạc mua bán, tôi không đụng vào, giao hết, mỗi lần mở miệng giá cả, có cảm giác như có thằng nào đó đang chỉ mặt mình cười chê, nên nói năng như ăn trộm bị bắt quả tang. Vợ tôi hét: “850”. Ông kia nói: “Bớt không?”. “10 triệu đồng sang tên”. Gật cái rụp, chồng tiền cọc 50 triệu đồng ngay. Tôi xé tờ giấy từ sổ tay, lia mấy dòng, ông đút túi ra về. Vợ tôi nhìn tôi sững sờ, sung sướng đến kinh ngạc, ngỡ như mơ, bán lời được vài trăm, lại nhanh như điện. Tôi cũng không kém phần đắc ý. Trời cho, trời cho.

Sự đời khó lường, trời cho đâu không thấy, thành trò chơi. Chỗ ở tiếp theo, vướng họa liên tục. Treo bảng hai năm, mới bán được. Chuyện bán được ra sao, dài dòng, thâm u lắm chuyện khó nói, ngay cả chuyện mua cái nhà này đây cũng liêu trai u linh, tóm lại là trời chỉ đâu ta gật đó.  Rã rời với áo cơm bệnh tật giày vò nhiều năm liền, cơ quan tôi toàn người đa cảm, nhắn, vào Sài Gòn đi, tìm đất quận 9 mà ở, bán rẻ, lại có một chỗ ngồi ở tòa soạn ngay. Tôi nghe quận 9, toàn thân nổi gai ốc. Năm 2010, trong chuyến từ miền Tây lên, bạn rủ về nhà ở quận 9. Lúc đó tầm 7 giờ tối. Triều cường ngang bụng, ánh đèn nhờ nhờ cũng đủ làm tôi thấy nước đen chính hiệu nước cống, ngứa như ăn lộn trái đùng đình. “Giang hồ” Đà Nẵng thì hối ra đi ra đi, kèm theo câu “rủ nhậu cho dễ”.  Những ngày phóng viên sôi sục xuống tàu đi Hoàng Sa, tôi âm thầm lội đi tìm nhà trên mạng, bên báo, rúc vào ngõ ngách Đà Nẵng. Ôi thôi, còn hơn ma trận. Nhà nát như hũ tương bể, đường vào mà lỡ gặp bà nào vòng ba quá cỡ thì mình bị ép như con gián, nhưng hô giá như trời thần, lại nói “hướng này tốt lắm, may mắn lắm, an ninh tốt, hàng xóm hiền hòa, gần chợ gần trường gần bệnh viện”. Tôi cười trong bụng, cái nghề tuyên truyền khiến đời tôi ê ẩm rồi, bớt nói đi, bán bao nhiêu ? Nói cứng: Đúng giá. Tôi quay lui, mấy ngày sau thấy điện thoại rung: mua không ? Không mua cho mi kinh. Nhà ngon lành thì giá cao như  đèo Hải Vân, mắt tôi còn tốt nhưng nhìn lên chỉ thấy mây mù. Cầm mấy đồng bạc đi mua nhà, nhớ thơ Trần Dần, cảm thán thân mình không ra chi, nhưng cứ đi, đi đâu không biết cứ lên hàng đầu. Nhiều người bảo: Mua nhà là duyên, cứ kiên nhẫn. Kiên nhẫn đây có thừa, nhưng thử tưởng tượng nóng 39 độ, rúc hơn 10 ngày, cứ tầm 7 giờ là xuất phát đến 6 giờ tối, quăng quật cơm bụi, càng đi càng thấy xa, tòa soạn thì réo bài vở, nghĩ có chết thì cũng chết rồi, phải đi, nhưng tối về nằm, thân xác mỏi như ước mơ. Đến chiều hôm sau, chân đưa đến một cái kiệt. Nhìn nhà, một luồng điện chạy qua người tôi, nói láo sét đánh chết liền, rằng chắc chắn là đây, điểm G là đây rồi. Biết nói chi nữa. Phía trước là chi, trời biết chứ mình làm chi tỏ. Tôi đang ngồi chỗ mới mà viết đây, điện thoại réo, giọng Tuấn đanh gọn: “Xuống ngay, có mực tươi từ Hoàng Sa mới về, nhớ mua cồn và đá, có bia rồi” . Chạy thôi. Kệ mẹ sự đời…

Dịch chuyển là thay đổi. Tôi dám cá cược là ông nào sinh ra đã có nhà, cả đời chỉ ở ngôi nhà đó đến chết, thì chưa thấm hết phận làm người, bởi chưa từng mang gương mặt di cư, lúc bơ vơ vong gia thất thổ lênh đênh đổi chác bán mua bởi cái số mình như giẻ rách vì nhà cửa, thì mặt mình nó di cư ra khỏi mình, mặt thiên hạ di cư vào mặt mình khi ước mơ giá như mình có được ngôi nhà như thằng đó, di cư đến quên cả lối về mặt thật, nói như thơ Trần Quang Quý. Tôi biết mình không bị tự huyễn, bởi cuộc trăm năm nấm đất vuông tròn, chỉ tha thiết mong là danh bạ điện thoại không thêm ông bác sĩ nào, bởi hai đứa con đừng chơi ông già nó, cứ canh lúc 10 giờ đêm khi mình bắt đầu say đừ, thế mà nó sốt, quanh năm lấy bệnh viện làm nhà…

LÊ TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch chuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO