Sau hơn 20 năm, con đường công nghiệp hóa đã tạo lực đẩy phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo Quảng Nam…
Sức sống công nghiệp
Ô tô chở hàng hóa, nguyên phụ liệu cuốn bụi mù vào ra cảng Tam Hiệp, Kỳ Hà. Tàu cập - rời cảng kéo những hồi còi dài. Hàng trăm container được bốc dỡ, chất đầy trên bến cảng. Lượng hàng hóa qua các cảng biển tại khu vực này ngoài kính nổi, dăm gỗ, vật tư, thiết bị ô tô, linh kiện điện tử… đã có thêm nhiều mặt hàng mới. Thaco - con sếu đầu đàn Khu kinh tế mở Chu Lai đã có một năm sản xuất, lắp ráp ô tô tăng kỷ lục với số lượng sản xuất hơn 94.000 xe, tăng đến 34,5% so với năm 2015 và 116.300 xe đã được bán ra. Lượng hàng hóa nhập khẩu toàn tỉnh năm 2016 đạt hơn 1,68 tỷ USD, chủ yếu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp tại Chu Lai (1,32 tỷ USD), chiếm 78,3% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu dự Lễ ký kết Dự án phát triển các thành phố loại 2. Ảnh: MINH ĐỨC |
Không khí sôi động của Tam Hiệp, Khu phức hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải hay cả Khu kinh tế mở Chu Lai… giúp diện mạo công nghiệp Quảng Nam ngày càng sinh động. Nếu sự có mặt của Thaco, kính nổi, Soda, CCI, Dacotex Hải Âu xanh… đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho vùng phía nam thì Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc ở phía bắc cũng không kém với các nhà đầu tư lớn, thương hiệu mạnh như bia VBL, Giày Rieker, Inax, Uni - President, Midori Anzen… Ngoài hai đầu bắc - nam như những “thỏi nam châm” thu hút các dự án đầu tư thì những vùng đất khác của tỉnh cũng đã bắt đầu sôi động với những dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
Phát triển công nghiệp đã tạo dựng nên bức tranh kinh tế sôi động tại Quảng Nam. Ảnh: NAM KHA |
Theo Sở Công Thương, mạng lưới rộng khắp của 6/9 khu công nghiệp, gần 70 cụm công nghiệp đã thu hút gần 500 dự án đầu tư và hàng ngàn dự án công nghiệp khác có mặt tại Quảng Nam, mỗi năm tăng thêm 15.000 việc làm mới cho người lao động đã cho thấy sức sống của công nghiệp. Năm 2016, GRDP đã tăng đến 14,73%, thu ngân sách hơn 20 nghìn tỷ đồng, thuộc vào nhóm 15/63 tỉnh, thành điều tiết ngân sách về trung ương kể từ năm 2017, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 200.000 lao động… là những con số khẳng định thành quả của quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam.
Thực chất của sự tăng trưởng
Không thể phủ nhận, công nghiệp hiện dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam vẫn đang ở nấc thang thấp. Nhưng, nếu so sánh tổng thu ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng, kinh tế chủ yếu thuần nông, hơn 300.000 người thất nghiệp… ở năm đầu tái lập tỉnh với nền công nghiệp chiếm đến 35,4% cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất tăng bình quân 19%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm hơn 50% tổng số lao động và thu ngân sách đạt kỷ lục như hiện nay sẽ thấy công nghiệp đã tạo ra bước đột phá như thế nào trong công cuộc phát triển kinh tế. Nông - lâm - ngư nghiệp từng chiếm vị trí trọng yếu nền kinh tế Quảng Nam đã buộc phải “thoái trào” khi chỉ còn chiếm 11,9% so với 88,1% của phi nông nghiệp hiện nay...
Tăng thu ngân sách bao nhiêu không quan trọng bằng việc chuyển mấy trăm ngàn lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tăng thu nhập, giải bài toán giảm nghèo. Đây mới chính là hiệu quả của sự phát triển bền vững. (Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu) |
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng tăng thu ngân sách bao nhiêu không quan trọng bằng việc chuyển mấy trăm ngàn lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tăng thu nhập, giải bài toán giảm nghèo. Giả sử Quảng Nam không thể cân đối được ngân sách thì trung ương sẽ bù đắp. Nhưng nếu không giải quyết hàng năm mấy chục ngàn lao động, không có thu nhập từ doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ không bền vững. Sự quan trọng nhất của phát triển công nghiệp chính là tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Chuyển động của đời sống nhân dân quan trọng nhất từ hiệu ứng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sau cùng mới tính đến bài toàn ngân sách thành công. “Tôi đã từng không hỏi doanh nghiệp mỗi năm nộp ngân sách bao nhiêu mà chỉ quan tâm tới việc ngày càng có thêm bao nhiêu công nhân bậc cao, bao nhiêu tiền lương chuyển cho người lao động. Doanh nghiệp cứ trả lương vô túi người lao động mỗi ngày thêm gia tăng đều đều, mới chính là giải quyết được bài toán kinh tế, tạo nền tảng chắc chắn cho xã hội. Nếu không có sự kiên trì chuyển đổi cơ cấu kinh tế công nghiệp thì chắc chắn nền nông nghiệp vốn không có lợi thế, sẽ không thể tạo dựng được diện mạo Quảng Nam như hiện nay. Tuy nhiên, công cuộc công nghiệp hóa nhanh hay chậm đều phải dựa vào lực đẩy của thị trường chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà nước” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
Cuộc “trường chinh” kinh tế của Quảng Nam đã thực sự hiệu quả. Hình ảnh dòng người Quảng Nam vội vàng khăn gói về quê, thắp nén hương cho ông bà, cha mẹ ngày tết lại vội vã chen chúc lên những chuyến xe đò hành phương Nam tìm kế sinh nhai dần ít đi. Khắp các con đường làng đã tấp nập xe máy đưa công nhân vào công xưởng… Trong tương lai, Quảng Nam sẽ gia tăng nhiều dự án công nghiệp và cơ hội đổi đời, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, cuộc chuyển đổi này là một quá trình không đơn giản và dễ dàng. Nhưng đó là con đường duy nhất giúp Quảng Nam thành công. Sẽ khó tìm thấy thành công nếu chỉ phát triển kinh tế hộ. Hàm lượng giảm nghèo rõ nét đã cho thấy thực chất của công nghiệp hóa tại Quảng Nam.
NAM KHA