Nhiều bệnh dịch truyền nhiễm từ động vật lây sang người, trong đó có dịch Covid-19 đang bùng phát, là cơ hội để các cấp chính quyền, tổ chức quốc tế tuyên chiến mạnh mẽ với tệ nạn săn bắn, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD).
Xây dựng môi trường cho ĐVHD
Tại Quảng Nam, dưới sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đã tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập, các loài động vật quý hiếm như voi, voọc chà vá chân xám, sao la … được xây dựng môi trường sinh sống khá an toàn.
Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, để công tác bảo tồn, cứu hộ ĐVHD chuyên nghiệp, từ năm 2019 đến nay, đơn vị phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức tập huấn về nhận dạng loài ĐVHD cho cán bộ kiểm lâm làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, pháp chế với mục đích nâng cao năng lực về nhận dạng, định danh các loài thú rừng. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ, dự án Trường Sơn Xanh, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), đã tổ chức tham vấn các ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch hỗ trợ bảo tồn voọc chà vá chân xám, phát triển sinh kế cho người dân thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành). Ngoài ra, triển khai các hoạt động bảo tồn voi tại huyện Nông Sơn.
Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019 đến nay đã có hàng trăm cá thể ĐVHD được giải cứu thành công, trả về với thiên nhiên. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 cơ sở với 751 cá thể/47 loài, trong đó có 12 cơ sở nuôi ĐVHD thông thường và loài khác với 616 cá thể và 6 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm với 135 cá thể/36 loài.
Sau khi các nhà nghiên cứu cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ ĐVHD, ngành kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi, nhà hàng, tiểu thương tiêu thụ ĐVHD. Đồng thời, bắt buộc các nhà hàng, quán nhậu ký cam kết không tiêu thụ thú rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cách để người dân “tẩy chay” với thịt thú rừng là phải truyền thông liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Thông điệp xuyên quốc gia
Từ khi Bộ Tài nguyên – môi trường bày tỏ lo ngại về nguy cơ đe dọa sức khỏe từ việc nhập nuôi ĐVHD, giữa tháng 2.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu các ngành liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân về bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03 ngày 20.2.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu tháng 2 đến nay, lực lượng nâng tần suất tuyên truyền bảo vệ thú rừng; các cấp chính quyền triển khai ký cam kết và thực hiện “5 không” (không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng trái phép ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD). Lực lượng liên ngành của tỉnh kiểm tra đột xuất các nhà hàng, quán ăn, chợ, địa điểm kinh doanh, khu dân cư, các hộ đang nuôi nhốt ĐVHD, qua đó phát hiện một số trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã chính thức có thông cáo báo chí với nội dung kêu gọi chấm dứt buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trong toàn khu vực. Theo WWF, sự lây lan của Covid-19 và các dịch bệnh tương tự như SARS, MERS trong những năm gần đây đã cho thấy sự nguy hiểm của việc buôn bán và tiêu thụ thịt ĐVHD đối với sức khoẻ con người.
Giám đốc điều hành của các văn phòng WWF khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng kêu gọi chính phủ các nước ở Đông Á và Đông Nam Á tiếp bước Trung Quốc ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc tiêu thụ và buôn bán ĐVHD. Đông Nam Á nổi tiếng là nơi cung cấp sản phẩm các loài hoang dã và là nơi trung chuyển các sản phẩm này tới thị trường Trung Quốc. Thịt ĐVHD có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại. Nhưng số người ăn thịt ĐVHD lại rất phổ biến trong khu vực.
TS.Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quốc gia WWF - Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam cần có những hành động quyết liệt tương tự để ngăn chặn các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép, đồng thời cấm vĩnh viễn tiêu thụ ĐVHD, bao gồm cả cấm tiêu thụ thịt thú rừng và sử dụng các bộ phận của chúng làm thuốc. Đã đến lúc chúng ta ngừng biện minh rằng sử dụng ĐVHD là thói quen lâu đời khó bỏ. Sức khỏe của người dân, sự ổn định về kinh tế, hệ số tín nhiệm quốc gia và an sinh xã hội cần được đặt lên hàng đầu”.