Dịch lở mồm long móng bùng phát ở Tây Giang: Nỗ lực dập tắt mầm bệnh

MAI NHI 19/09/2013 08:37

Trước sự hoành hành của vi rút gây bệnh, ngành thú y đang tập trung mọi nguồn lực để nhanh chóng khống chế và dập tắt sự lây lan của dịch lở mồm long móng (LMLM) ở huyện miền núi Tây Giang.

  • Dịch lở mồm long móng bùng phát tại xã A Vương (huyện Tây Giang)

Chủng vi rút mang độc lực cao

Như Báo Quảng Nam điện tử đã thông tin, những ngày gần đây dịch LMLM bùng phát trên đàn gia súc ở xã A Vương (Tây Giang). Chỉ trong một thời gian ngắn, mầm bệnh đã khiến 77 con bò và 6 con trâu của 40 hộ dân trên địa bàn 3 thôn (A Pát, Tà Ơn, Bhốclố) bị nhiễm dịch nặng, trong đó có 4 con bò đã chết. Nhận được tin báo, lực lượng thú y tỉnh nhanh chóng có mặt tại vùng đang xảy ra dịch. Nhận thấy sự phát tán của vi rút gây bệnh quá nhanh và bất thường, ngành chuyên môn tiến hành lấy 2 mẫu bệnh phẩm gửi vào Trung tâm Thú y vùng 6 (đóng tại TP.Hồ Chí Minh) nhờ xét nghiệm để xác định chính xác chủng vi rút đang lưu hành nhằm đưa ra những biện pháp đối phó hữu hiệu nhất.

Người dân huyện Tây Giang tổ chức nuôi nhốt gia súc để thực hiện việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng khẩn cấp. Ảnh: VĂN SỰ
Người dân huyện Tây Giang tổ chức nuôi nhốt gia súc để thực hiện việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng khẩn cấp. Ảnh: VĂN SỰ

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Hữu Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thông tin, kết quả xét nghiệm cho thấy trong số 2 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm thì có 1 mẫu dương tính với chủng vi rút Sero type A. Ông Hà nói: “Đây là chủng vi rút mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Quảng Nam, có độc lực mạnh, sức lây lan rất nhanh, gia súc mắc bệnh có tỷ lệ chết cao. Lâu nay, những ổ dịch LMLM bùng phát ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều do chủng vi rút type O gây ra chứ chưa hề thấy chủng vi rút Sero type A này”.

Khẩn trương đối phó

Triển khai những biện pháp chống dịch khẩn cấp


Trong Quyết định số 2826/QĐ-UBND ban hành ngày 13.9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và các ngành liên quan chỉ đạo UBND các xã thuộc vùng dịch, vùng khống chế, vùng đệm triển khai thực hiện những biện pháp chống dịch khẩn cấp theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh tập trung cán bộ kỹ thuật, phương tiện, vật tư... nhanh chóng bao vây dập tắt ổ dịch LMLM tại xã A Vương và theo dõi, tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để có giải pháp chỉ đạo chống dịch hiệu quả nhất. Ngoài ra, theo quyết định này, chủ vật nuôi phải có trách nhiệm chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc bệnh LMLM; xử lý gia súc chết hoặc gia súc bắt buộc tiêu hủy do dịch gây ra theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo triển khai công tác tiêm phòng và những biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.

Theo ông Lê Hữu Hà, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 13.9 đến nay, bên cạnh việc siết chặt khâu chốt chặn, ngành thú y và chính quyền huyện Tây Giang đã ban bố lệnh cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc và những sản phẩm từ gia súc tại xã A Vương - vùng đang xảy ra dịch. Ông Hà cho biết thêm, nhằm nhanh chóng khống chế và dập tắt sự lây lan của mầm bệnh, Chi cục Thú y tỉnh đã cắt cử một nhóm cán bộ kỹ thuật về xã A Vương để hỗ trợ lực lượng thú y địa phương thực hiện đồng bộ những biện pháp dập dịch. Theo đó, các đơn vị liên quan đã chi viện cho xã này nhiều máy bơm có động cơ và 500 lít hóa chất Benkocid để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng. Đặc biệt, ngành thú y tỉnh cũng hỗ trợ khẩn cấp cho huyện Tây Giang 1 nghìn liều vắc xin type O và đa type (type O, type A, type Asia l1) để tiêm phòng bao vây dịch. Ông Hà nói: “Theo thống kê mới nhất, hiện nay trên địa bàn 9 xã của huyện Tây Giang có gần 4 nghìn con trâu, bò. Tuy nhiên, trong đợt 1 vừa qua mới chỉ có khoảng 25% tổng đàn được tiêm phòng vắc xin LMLM. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phần lớn người dân thả rông gia súc trong rừng, vì vậy việc bắt và đưa vật nuôi đến địa điểm tiêm theo quy định rất khó khăn, trong khi đó lực lượng cán bộ thú y tuyến huyện và cơ sở lại quá mỏng. Tỷ lệ gia súc tiêm phòng đạt thấp nên bây giờ nguy cơ mầm bệnh phát tán ra diện rộng là rất cao”.

Trước tình hình trên, ngành thú y và chính quyền các địa phương ở huyện Tây Giang đang tích cực vận động người dân tổ chức nuôi nhốt trâu, bò để khẩn trương tiêm vắc xin LMLM bổ sung cho các đàn chưa được chích ngừa. Ông Hà khẳng định: “Hiện nay nguồn vắc xin LMLM dự trữ không thiếu, nếu trong những ngày tới huyện Tây Giang tiêm dứt điểm 1 nghìn liều vắc xin mà ngành thú y tỉnh vừa hỗ trợ thì chúng tôi sẽ sẵn sàng chi viện thêm. Bây giờ tiêm phòng vắc xin là giải pháp chống dịch tối ưu bởi gia súc có khả năng miễn dịch cao thì mức độ thiệt hại do loại bệnh này gây ra mới được hạn chế đến mức thấp nhất”. Cùng theo ông Hà, nhờ tập trung hướng dẫn người chăn nuôi cách điều trị bệnh và quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh nên tính đến nay trong tổng số 79 con trâu, bò bị nhiễm dịch LMLM (không kể 4 con bò vừa chết) ở xã A Vương, có ít nhất 30 con đã khỏi bệnh.

MAI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch lở mồm long móng bùng phát ở Tây Giang: Nỗ lực dập tắt mầm bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO