Dịch sốt xuất huyết hoành hành tại nhiều nước

QUỐC HƯNG 26/07/2017 09:59

(QNO) - Nhiều quốc gia châu Á hiện đang triển khai các biện pháp nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng.

Bộ trưởng Y tế Malaysia kêu gọi tất cả người dân chung ta phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: thestar
Bộ trưởng Y tế Malaysia kêu gọi tất cả người dân chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: thestar

Mùa mưa đến là thời điểm bệnh sốt xuất huyết bắt đầu tăng mạnh. Tại Sri Lanka, nhiều bệnh viện quá tải khi số ca nhập viện do bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Bộ Y tế Sri Lanka cho biết từ đầu năm đến nay có gần 300 ca bệnh này tử vong (cao gần gấp 4 lần con số ghi nhận của cả năm 2016 và cao kỷ lục trong lịch sử Sri Lanka) trong tổng số 105.000 ca nhiễm bệnh, tăng mạnh so với con số 55.150 ca của năm ngoái. Bộ Giáo dục Sri Lanka vừa thông báo sẽ đóng cửa tất cả các trường học trong vòng 4 ngày kể từ ngày 28.7 tới. Hiện hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia cùng với chính quyền địa phương, quan chức, các lực lượng của Chính phủ tiến hành các biện pháp phun thuốc diệt muỗi và dọn vệ sinh môi trường như các vũng nước đọng, không cho muỗi sản sinh. Người đứng đầu tổ chức Hội Chữ thập đỏ Sri Lanka - Novil Wijesekara nói, một nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát, vượt ngoài tầm kiểm soát là do loại vi rút sốt xuất huyết đang lây là một chủng mới mà hệ miễn dịch của người chưa có sức chống lại.

Bộ Y tế Malaysia từ đầu năm đến nay ghi nhận 122 ca bệnh sốt xuất huyết tử vong trong tổng số 51.000 ca nhiễm. Bộ trưởng Y tế Malaysia - Datuk Seri Subramaniam nói diễn biến dịch bệnh đang phức tạp và việc kiểm soát được căn bệnh rất cần sự chung tay của cả đồng. “Ở mỗi cấp, chúng ta đều có nhiệm vụ riêng. Chúng ta không thể thành công nếu như một phần nào đó không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” - Bộ trưởng Datuk Seri Subramaniam nói. Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh sốt xuất huyết không chỉ gây rối loạn yếu tố đông máu mà còn gây tổn thương cho các cơ quan chức năng trong cơ thể như tim, thận và gan nên nhiều ca bệnh chuyển biến nặng cũng rất khó được điều trị, dẫn đến tử vong. Một trong những yếu tố khiến tình trạng mắc bệnh tăng cao là sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, dẫn đến sự lan truyền bệnh.

Bộ Y tế Philippines khuyến cáo người dân tuân thủ “chiến dịch 4S” phòng chống sốt xuất huyết, bao gồm tìm và tiêu diệt các ổ sinh sản của muỗi Aedes aegypti, chẩn đoán sớm, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ và không để cỏ mọc tràn lan. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bệnh sốt xuất huyết cướp đi mạng sống của khoảng 22.000 người trên thế giới mỗi năm, trong đó châu Á chiếm 70%. Riêng Philippines từng ghi nhận 200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong năm 2013.

Vào tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn Dược phẩm Sanofi của Pháp lần đầu tiên đưa vào sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengvaxia trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng tại Philippines. Theo WHO, vắc xin trên là một trong số khoảng 6 loại vắc xin được nghiên cứu và thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin của Sanofi có hiệu quả bảo vệ 56,5%, có nghĩa là hơn 50% trẻ được bảo vệ chống lại sốt xuất huyết, nhưng vắc xin này có thể giảm được 88,5% số ca thể nặng và giảm 67% nguy cơ nhập viện do bệnh và đóng góp quan trọng trọng nỗ lực phòng chống bệnh dịch. Trước đó một năm, Mexico đi tiên phong sử dụng loại vắc xin này, giúp hơn 8.000 người Mexico tránh bị mắc bệnh, cứu sống khoảng 100 bệnh nhân, có thể giúp Chính phủ nước này tiết kiệm khoản chi phí điều trị lên tới 64 triệu USD. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần vài năm nữa để vắc xin này được phân tích thêm và chứng tỏ hiệu quả bảo vệ trước khi áp dụng cho mọi lứa tuổi.  

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch sốt xuất huyết hoành hành tại nhiều nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO