Dịch "thành tích"

ĐỨC NHI 17/08/2015 08:35

Bệnh thành tích không phải là “căn bệnh” mới trong ngành giáo dục nhưng để “chữa trị” còn mất nhiều thời gian.

Một giáo viên trẻ giảng dạy tại một trường THPT (TP.Tam Kỳ) tâm sự, vì mới vào nghề nên cô giáo Nguyễn Thị M. gặp phải nhiều khó khăn trong việc đứng lớp. Tuy nhiên, điều đó không khiến M. phải bận tâm nhiều. M. luôn ý thức học hỏi, trau dồi kiến thức để dày dặn thêm kinh nghiệm. Nhưng điều mà M. thấy nhụt chí trong quá trình phấn đấu giảng dạy là thực trạng chạy theo thành tích, chú trọng vào điểm số, xếp loại học lực của nhiều em học sinh. M. cho biết, một số em ngay trong một môn nhưng lại học thêm hai người. Điều đáng nói là không phải học nhiều để thu nhận kiến thức mà học để “kiếm” điểm. Học một người để nắm kiến thức, còn người kia là để “lấy” đề kiểm tra. Trong quá trình học thêm, giáo viên đó sẽ đưa ra đề thi tương tự hoặc giống với đề dự định kiểm tra. Chính vì vậy mà những em này đạt được điểm số rất cao khi làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết. Nhưng đến kỳ thi đánh giá kết quả học tập cuối kỳ thì điểm số chênh lệch “một trời một vực” vì đó không phải là đề của giáo viên này ra. Đáng buồn hơn là một số giáo viên còn “phân biệt đối xử” với những học sinh không học thêm môn người đó dạy. Học sinh nào đi học thêm sẽ được cô giáo “quan tâm”, chẳng hạn như cô sẽ ưu tiên những phần dễ hơn khi trả bài trên lớp… “Dù biết chỉ một vài “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng thật sự với tư cách một người giáo viên tôi cảm thấy thật sự xấu hổ. Việc này không chỉ làm lu mờ hình ảnh tốt đẹp của nhà giáo mà quan trọng hơn là khiến cho chất lượng đào tạo đi xuống” - M. nói.

Không chỉ học sinh chạy theo thành tích, mong muốn đạt điểm cao, xếp loại học tập tốt mà ngay cả giáo viên cũng vậy. Để có được thành tích cao trong thi đua, một số giáo viên tự ý nâng điểm bộ môn mình phụ trách, thậm chí còn “xin” nâng điểm các môn khác cho học sinh thuộc lớp mình chủ nhiệm. Em P.T.H. (học sinh cấp 3 tại một trường THPT thuộc huyện Thăng Bình) cho biết, năm học 2014-2015 vừa qua, H. được cô giáo nâng từ 4.8 lên 6.8 ở môn học cô phụ trách. Không chỉ riêng H., mà các bạn trong lớp cũng được cô giáo làm tương tự như vậy để mọi người không kiện thưa. Cô còn tự ý “năn nỉ” các giáo viên khác nâng điểm cho một số học sinh có điểm kiểm tra thấp trong lớp H. “Nhờ” cô mà số điểm tổng kết môn cô phụ trách cao hơn thực lực, hai bạn học lực yếu được xếp loại trung bình.

Để lấp liếm cho hành vi bất bình thường của mình, cô giáo của H. giải thích vì thương học sinh và không muốn các em phải ở lại lớp. Tuy nhiên, H. cho biết: “Không ai hỏi trực tiếp vấn đề “nâng điểm”, “xin điểm” của cô nhưng mọi người đều tự hiểu cô làm như vậy là vì muốn thành tích thi đua của lớp cao. Suốt học kỳ vừa qua, cô luôn dặn dò lớp phải “nổi trội” hơn các lớp khác trong mọi hoạt động để cuối năm được dẫn đầu khối C toàn trường. Mọi người được cô sửa điểm nên kết quả học tập cao, không có học sinh nào phải ở lại lớp, vì vậy mà lớp dẫn đầu khối C toàn trường, được nhà trường tuyên dương nên ai cũng vui và “làm ngơ” chuyện cô đã làm, dù biết cô làm như vậy là sai quy định”.

Dịch “thành tích” không phải là “căn bệnh” mới và khó ngăn chặn, đẩy lùi. Vì vậy, cần có sự chung tay quyết liệt của những người trong cuộc. Thiết nghĩ, để có thể kiểm soát được “dịch” này, không chỉ những người trong ngành tự xem xét lại trách nhiệm của chính mình mà ngay cả phụ huynh, học sinh cũng cần lên tiếng thì may ra mới có hy vọng đẩy lùi.

ĐỨC NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch "thành tích"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO