Dịch vụ môi trường rừng: Mở rộng đối tượng chi trả

TRẦN HỮU 23/11/2018 02:05

Ngành lâm nghiệp đang thí điểm mở rộng đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) về hấp thụ các-bon rừng từ các nhà máy sản xuất công nghiệp có lượng khí thải lớn.

Các nhà máy sản xuất công nghiệp có khí thải lớn thuộc đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các nhà máy sản xuất công nghiệp có khí thải lớn thuộc đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng.


Lập bản đồ rủi ro cho rừng trồng

Thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), dự án "Trường Sơn xanh" đã và đang tích cực hỗ trợ Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện thí điểm DVMTR trong hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng. Thời gian qua, dự án này có nhiều hoạt động liên quan đến quản lý, giám sát rừng, trồng cây dược liệu, trồng, phục hồi rừng và hợp tác phát triển trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc biệt, Dự án giúp Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh triển khai ứng dụng phần mềm Web-GIS nhằm cải thiện hệ thống giám sát và đánh giá chi trả DVMTR của đơn vị, chi trả tiền cho cộng đồng qua tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử và tổ chức tập huấn sử dụng máy tính bảng để theo dõi diễn biến rừng. Ngoài ra, dự án cũng giúp cộng đồng miền núi cải thiện sinh kế bền vững thông qua các hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ, lâm sản ngoài gỗ và thủ công mỹ nghệ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhiều địa phương miền núi đang có lộ trình cụ thể về trồng rừng gỗ lớn, thông qua quy hoạch, lập bản đồ rủi ro khí hậu với rừng gỗ lớn. Thực tế thời gian qua, nhiều khu vực trồng rừng đối mặt với rủi ro về khí hậu như bão lốc có thể làm cây đổ gãy, gây thiệt hại cho người trồng, dẫn đến biến động thị trường gỗ và bột giấy. Để giảm rủi ro, dự án "Trường Sơn xanh" xây dựng bản đồ, áp dụng mô hình phân tích gió, xác định khu vực phù hợp để trồng rừng. Bản đồ sẽ là công cụ sử dụng trong thích ứng biến đổi khí hậu dành cho các cơ quan nhà nước, các công ty tư nhân và cộng đồng địa phương.

Thí điểm mở rộng đối tượng chi trả

Quảng Nam đã thực hiện chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh thủy điện, cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Còn 3 loại DVMTR chưa thực hiện, trong đó có dịch vụ về “Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững” (gọi tắt là dịch vụ C-PFES). Các hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh có tiềm năng rất lớn về hấp thụ và lưu giữ các-bon, vừa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có tiềm năng tạo ra nguồn thu đáng kể cho công tác bảo vệ rừng trong tương lai.

Sở NN&PTNT cho biết, có hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp gây khí thải là đối tượng có trách nhiệm chi trả DVMTR. Trước mắt 4 cơ sở sản xuất công nghiệp phát thải lớn sẽ tham gia thí điểm gồm Công ty CP Kính nổi Chu Lai (Khu công nghiệp Chu Lai, huyện Núi Thành); nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (huyện Nông Sơn) sản xuất nhiệt điện than; Công ty CP Prime Đại Lộc (huyện Đại Lộc) sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét và Công ty CP Xi măng Xuân Thành sản xuất xi măng (huyện Nam Giang). Tính đến cuối năm 2017, tổng diện tích rừng của tỉnh là 680.350ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 455.522ha, chiếm 66,9%. Trong giai đoạn thí điểm, chỉ thực hiện ở rừng tự nhiên với tổng diện tích thí điểm là 145.953ha.

Kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Sinh thái và môi trường rừng thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam về đánh giá tiềm năng chi trả DVMTR của Quảng Nam vào cuối năm 2017 với sự tài trợ của dự án "Trường Sơn xanh" cho thấy, giá trị kinh tế của dịch vụ hấp thụ các-bon của hệ sinh thái rừng tại Quảng Nam ước tính là 34,98 USD/ha/năm (tương đương với 794.885 đồng/ha/năm). Mức chi trả tiền DVMTR bình quân đối với dịch vụ C-PFES của tỉnh là 624.779 đồng/ha/năm.

Trong khi đó, theo Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, mức chi trả tiền DVMTR bình quân/năm với nguồn thu tiền DVMTR của các cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch và kinh doanh du lịch với mức bình quân cao nhất 608.450 đồng/ha/năm; mức bình quân thấp nhất 35.887 đồng/ha/năm. Như vậy, mức chi trả tiền DVMTR bình quân đối với dịch vụ C-PFES cũng tương đương với mức chi trả bình quân cao nhất đối với 3 loại DVMTR về thủy điện, nước sạch và du lịch.

Cơ chế quản lý nguồn thu – chi DVMTR của Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh là công khai, minh bạch và kịp thời. Theo đề cương thí điểm về chi trả DVMTR về dịch vụ C-PFES của Sở NN&PTNT, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chỉ được trích tối đa 10% tổng số tiền DVMTR thực thu trong năm, trong đó 7% để chi cho các hoạt động của bộ máy đơn vị liên quan đến công tác thí điểm và 3% để chi cho hoạt động liên quan đến thí điểm của UBND các xã trên địa bàn thí điểm. Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi tiền DVMTR hàng năm được UBND tỉnh  phê duyệt.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch vụ môi trường rừng: Mở rộng đối tượng chi trả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO