Xác định kinh tế rừng và chăn nuôi gia trại, trang trại là hai thế mạnh của nền kinh tế, xã Đại Sơn (Đại Lộc) khuyến khích phát triển kinh tế hộ, xây dựng mô hình, tổ hợp tác nông - lâm kết hợp, bước đầu có những thành quả đáng khích lệ.
Thế mạnh từ rừng
Đại Sơn là xã miền núi có thế mạnh từ rừng. Những năm qua, người dân địa phương tập trung phát triển các mô hình trồng keo lá tràm, keo lai, trồng thơm (dứa), từng bước nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình nông - lâm kết hợp hình thành trong nhân dân như: mô hình trồng rừng keo lai với chăn nuôi gia súc (trâu, bò, heo), gia cầm; mô hình trồng thâm canh cây thơm... Xã cũng chú trọng chuyển đổi rừng tạp kém hiệu quả sang trồng cây keo lai, trồng cây dược liệu (đinh lăng) kết hợp với chăn nuôi bắt đầu cho hiệu quả. Địa phương đẩy mạnh triển khai Nghị định số 75/2015/NÐ-CP năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; hoàn thành việc giao khoán, bảo vệ rừng cho nhân dân. Hiện đã thành lập được 14 tổ bảo vệ rừng với 242 hộ tham gia, tổng diện tích rừng giao khoán 3.145,76 ha. Đã có 8 hộ đăng ký với 13,9ha đất rừng thực hiện trồng rừng gỗ lớn, có 9 hộ đăng ký tham gia với 20.5ha rừng trồng phân tán...
Vùng trồng thơm trên đất rừng kém hiệu quả toàn xã hiện có tổng diện tích hơn 300ha, cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha. Tại xã Đại Sơn, nhiều hộ trồng thơm với diện tích 5ha tới cả chục ha là không ít. Theo người dân Đại Sơn, gần đây trước sự phát triển tràn lan cây thơm, thị trường hay biến động giá cả, tư thương bắt tay thao túng thị trường, kinh tế từ loại cây này cần được tính toán, cân nhắc. Theo ông Lê Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn, địa phương chủ trương từng bước hướng tới thành lập tổ hợp tác trồng thơm Khe Hoa, đăng ký thương hiệu, xây dựng thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Xã cũng tính tới việc từng bước đưa trái thơm vào siêu thị. Song, bài toán phát triển bền vững cho cây trồng chủ lực này đang đặt ra cho Đại Sơn những cơ hội và khó khăn không nhỏ.
Phát triển chăn nuôi tập trung
Đại Sơn khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Năm 2018, số lượng và quy mô gia trại, trang trại trên địa bàn xã tăng lên đáng kể. Nét nổi bật là mô hình chăn nuôi theo hình thức khép kín của HTX Nông nghiệp - dịch vụ Tân Hưng Phát trên cơ sở liên kết về con giống, thức ăn và sản phẩm đầu ra với Công ty CP. Từ năm 2018 đến nay, qua 3 lứa nuôi gia công với tổng đàn heo thịt mỗi lứa tầm 1.300 con, đầu ra, giá cả sản phẩm của HTX ổn định, dù thị trường có biến động. Đại Sơn cũng hình thành 5 gia trại và tổ hợp tác chăn nuôi gà vịt phát triển tương đối hiệu quả. Điển hình là Tổ hợp tác Hồng Trung với quy mô tổng đàn gà vịt lên tới hàng nghìn con trên địa bàn thôn Đầu Gò. Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của ông Lê Văn Đào (thôn Hội Khách) được xem là mô hình chăn nuôi mới của xã.
Năm 2018, trên lĩnh vực kinh tế, tổng giá trị sản xuất của toàn xã Đại Sơn ước ước đạt 86,787 tỷ, đạt 108,64% chỉ tiêu kế hoạch và nghị quyết đề ra, đạt 113,1% so với chỉ tiêu kế hoạch huyện giao, tăng 29,62% so với năm 2017. Giá trị sản xuất bình quân đầu người ước đạt 22,63 triệu đồng cuối năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn khoảng 24,3%...
Theo ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, năm 2018, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng xấp xỉ gấp đôi năm 2017. Tổng đàn trâu toàn xã hiện đạt 1.000 con, đàn bò ước đạt hơn 400 con, đàn heo 1.295 con, gà vịt ngan ngỗng 7.700 con. Xã khuyến cáo nhân dân chú trọng mở rộng diện tích trồng cỏ và bổ sung thức ăn tinh cho đàn vật nuôi. Công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi, kiểm soát giết mổ được chú trọng. “Địa phương định hướng tập trung phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp và quy mô tập trung trang trại, gia trại, khuyến khích nhân dân đầu tư chăn nuôi dê, cá nước ngọt, lợn thả rông, các động vật quý hiếm. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình bò lai kinh tế, nuôi heo hướng nạc” - ông Vinh nói.
Ông Lê Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn chia sẻ, xác định kinh tế rừng và chăn nuôi là hai thế mạnh lớn của địa phương, Đảng ủy xã đã ban hành các nghị quyết cụ thể về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại Đại Sơn. Đến năm 2018, giá trị sản xuất trên lĩnh vực chăn nuôi của xã ước đạt hơn 16,8 tỷ đồng, đạt 125,8%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng cơ cấu ngành nông nghiệp là 37,62% đạt chỉ tiêu nghị quyết của nhiệm kỳ đề ra. Năm 2018, tổng diện tích rừng khai thác trong nhân dân là 125ha, sản lượng ước đạt 5.635 tấn, chủ yếu là khai thác keo. Tổng diện tích trồng thơm là 365,8ha, năng suất 110 tạ/ha. Giá trị sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp ước đạt hơn 19,5 tỷ đồng, đạt 115% so với kế hoạch và chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (16,97 tỷ đồng), tăng 16,41% so với năm 2017... “Có thể nói, dù những kết quả đạt được còn khiêm tốn nhưng đó là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Sơn. Tin rằng, trong chặng đường mới, với sự hỗ trợ tích cực từ cấp trên cũng như nỗ lực của địa phương tạo đòn bẩy, phát triển kinh tế bền vững hơn nữa” - ông Tuân chia sẻ.